Dắt xe qua chốt CSGT sau khi uống rượu bia thì có bị thổi nồng độ cồn không?

Trần Lưu - 07/01/2020 17:47 (GMT+7)

(VNF) - Sau 6 ngày áp dụng Nghị định 100 xử phạt lái xe uống rượu bia, cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ độ cồn là 2.673 trường hợp.

VNF
Trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt CSGT sẽ bị dừng xe kiểm tra theo đúng quy trình (Ảnh minh họa)

Chiều 7/1, trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề liên quan đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), cho biết trong 6 ngày, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ độ cồn là 2.673 trường hợp.

Uống siro, ăn trái cây thì có nồng độ cồn trong khí thở có bị xử phạt không?

Trả lời câu hỏi khiến dư luận quan tâm trong thời gian qua chính là việc phải làm sao khi uống siro ho hoặc ăn hoa quả, những thứ có thể tạo ra nồng độ cồn trong khí thở, ông Nhật cho biết qua theo dõi 6 tháng cuối 2019, Cục CSGT ghi nhận chỉ có 640 trường hợp có vi phạm nồng độ cồn từ 0 đến 0,25mg/lit khí thở. Toàn bộ trường hợp này đều không khiếu nại gì.

Cũng nói về vấn đề này, thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, cho biết từ khi nghị định 100 ra đời, có nhiều người thắc mắc về tình huống này.

Theo ông Long, thực tế, máy đã cấp cho các địa phương thì sẽ đạt kiểm định và có thể phát hiện được tài xế có chất ethanol hay không. Khi ethanol trong cơ thể ở ngưỡng nào đó sẽ tác động tới hệ thần kinh người, có thể dẫn tới tai nạn giao thông.

"Điều này có thể gây hoang mang và tranh cãi vì nhiều người sợ ăn vải bị phạt, nhưng để xử lý vi phạm, ngoài lập biên bản chúng tôi sẽ mời người vi phạm về trụ sở để làm rõ. Với những người có phản hồi lại, chúng tôi sẽ nhờ những lực lượng chuyên môn khác để làm rõ và chứng minh. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, với tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông".

Đại diện Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, hiện 84 người bị xử lý trong đợt ra quân vừa qua, biên bản đều thể hiện rất rõ. Có 14 trường hợp bị phạt kịch khung vì nồng độ cồn cao. Như vậy, chưa có trường hợp nào khiếu nại việc bị phạt vì uống siro.

Với trường hợp không uống rượu bia mà khi kiểm tra có thể hiện nồng độ cồn, ông Long cho biết người dân có thể viết đơn trực tiếp lên phòng CSGT Hà Nội để khiếu nại.

"Chúng tôi sẽ có lực lượng chức năng riêng để làm rõ hành vi của người vi phạm và cả quá trình làm việc của tổ công tác, từ đó có phúc đáp cho người khiếu nại theo đúng quy định pháp luật", ông Long nói.

Dắt xe qua CSGT sau khi uống rượu bia thì có bị thổi nồng độ cồn không?

Trả lời câu hỏi này, thiếu tá Đào Việt Long cho biết lực lượng CSGT trên 63 tỉnh thành ra quân để đấu tranh với vi phạm giao thông khi đã sử dụng rượu bia. Với những người đã bị phát hiện có hành vi điều khiển phương tiện, dù ở vị trí nào cũng sẽ bị lập biên bản.

Tuy nhiên, nếu khi uống bia xong, chủ phương tiện dắt xe ngay từ quán nhậu về nhà thì đó là người có ý thức. Những trường hợp này, cảnh sát giao thông sẽ không xử lý nhưng vẫn sẽ nhắc nhở không điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

"Trường hợp cố tình xuống dắt xe khi gặp chốt sẽ bị chúng tôi dừng xe kiểm tra theo đúng quy trình vì thực ra, chúng tôi đã tổ chức các vị trí quan sát từ xa. Dù người vi phạm nhảy xuống khi gặp lực lượng cảnh sát giao thông, những trường hợp này đã bị ghi hình từ trước", thiếu tá Long nói.

Với trường hợp uống rượu bia vào tối hôm trước và hôm sau lái xe, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng khó có thể có định lượng cụ thể là uống bao nhiêu rượu thì say, vì việc khuếch tán nồng độ cồn theo đường gan, phổi, nước tiểu phụ thuộc sức khỏe của từng người.

"Theo tôi, nếu như anh sử dụng rượu bia vì bất cứ lý do gì thì nên đi phương tiện công cộng. Luật không phải cấm uống rượu bia mà cần thay đổi ý thức là uống có trách nhiệm", ông Nhật nói.

Cũng trả lời về vấn đề này, thiếu tá Đào Việt Long cho rằng thể trạng mỗi người là khác nhau. Chúng tôi không phải chuyên gia về lĩnh vực này nên không thể nói được sau bao nhiêu tiếng thì cồn được đào thải ra khỏi cơ thể. Chính chúng ta là người điều khiển, nếu chúng ta tự tin về sức khỏe, nhận thức và có trách nhiệm với người xung quanh, chúng ta sẽ tự biết có nên điều khiển phương tiện hay không. 

"Tôi thấy nghị định này được toàn xã hội đón nhận, dù còn một số ý kiến trái chiều. Nhưng càng có đa dạng ý kiến, chúng tôi càng có cái nhìn khái quát hơn. Nếu một dự luật ra không có ý kiến gì dự luật đó không đáng nói. Tôi thấy đây là tín hiệu rất mừng vì người dân đã để ý tới hơn quy định trong an toàn giao thông", ông Long nói.

Theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính, mức cao nhất 600.000 đồng. Với lỗi này, tài xế ô tô có thể bị phạt tới 40 triệu đồng; người lái xe máy bị phạt tới 8 triệu đồng. Mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe ô tô, xe máy tới 24 tháng.

Cùng chuyên mục
Tin khác