Đầu 2025, CMND hết giá trị sử dụng, làm gì để tránh gặp rắc rối?
(VNF) - Kể từ ngày 1/1/2025, chứng minh nhân dân sẽ hết giá trị sử dụng. Vì vậy, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, nếu không có thể sẽ bị phạt.
Chứng minh nhân dân sẽ hết giá trị sử dụng từ đầu năm 2025
Khoản 2, Khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định: chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/ 12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân (CCCD) được giữ nguyên giá trị sử dụng;
Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Như vậy, thời hạn cuối được sử dụng chứng minh nhân dân là đến hết ngày 31/12/2024 đối với chứng minh nhân dân còn thời hạn đến sau ngày 31/12/2024.
Điều đó đồng nghĩa với việc từ 1/1/2025, sẽ không còn được dùng chứng minh nhân dân. Thay vào đó, những người này phải làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước mới nhất.
Không đổi sang thẻ căn cước sẽ bị phạt
Với việc chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng, kể từ 1/1/2025 sẽ có 3 loại giấy tờ tùy thân còn được lưu hành, gồm CCCD mã vạch, CCCD gắn chip và căn cước. Thực tế này cũng đồng nghĩa, nếu người dân vẫn cố tình sử dụng chứng minh nhân dân mà không làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước thì có thể bị xử phạt.
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021 quy định, hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD hoặc không xuất trình thẻ CCCD khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Bộ Công an đang chủ trì xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 144/2021. Trong dự thảo được công bố gần đây, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức xử phạt đối với nhóm hành vi nêu trên, đồng thời thay cụm từ "CCCD" bằng "căn cước".
Vì thế, những ai đang sử dụng chứng minh nhân dân cần chủ động làm thủ tục cấp thẻ căn cước trong thời gian sớm nhất. Việc này trước tiên là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính người dân, hơn nữa còn giúp công tác quản lý dân cư hiệu quả hơn, khi dữ liệu thông tin của công dân được cập nhật chính xác, đầy đủ thông qua thủ tục cấp thẻ căn cước.
Theo Bộ Công an, thẻ căn cước gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm. Khi thẻ đã tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân chỉ cần dùng thẻ căn cước mà không phải mang nhiều loại giấy tờ như bấy lâu nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại thời điểm chuẩn bị thông qua luật Căn cước, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu thẻ CCCD. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương. Việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu này đã phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vì vậy, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định chứng minh nhân dân hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2024 về cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân. Điều này còn thúc đẩy người dân thay đổi thói quen sử dụng chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước gắn chip và căn cước điện tử (bảo mật và tiện ích hơn), từ đó tạo thuận tiện trong công tác quản lý, thúc đẩy tiến trình xây dựng Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Bởi vậy, các khách hàng của ngân hàng được khuyến nghị bên cạnh cập nhật thông tin giấy tờ cá nhân cần sớm cập nhật thông tin sinh trắc học để bảo đảm an toàn, bảo mật khi giao dịch ngân hàng và tránh bị gián đoạn giao dịch online sau mốc 1/1/2025.
Thủ tục cấp thẻ căn cước thế nào?
Để làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân có 2 lựa chọn. Một là thực hiện online trên cổng dịch vụ công, hai là trực tiếp đến nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước (công an cấp huyện, công an cấp tỉnh).
Với người từ đủ 14 tuổi trở lên, khi người dân đến làm thủ tục, cán bộ công an có thẩm quyền sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu điện tử (nếu chưa có thì cập nhật, điều chỉnh), sau đó thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học (ảnh, vân tay và mống mắt). Người dân kiểm tra thông tin trên phiếu in và ký xác nhận, cán bộ công an cấp giấy hẹn trả thẻ.
Đối với công dân từ đủ 6 tuổi - dưới 14 tuổi, người đại diện hợp pháp sẽ đưa công dân đến cơ quan quản lý căn cước, thủ tục thực hiện tương tự như với người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Riêng với công dân dưới 6 tuổi, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp TCC thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Công an không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với nhóm này. Người dưới 6 tuổi còn được cấp thẻ căn cước theo mẫu riêng.
Quy định mới về Thẻ Căn cước: Ai đang dùng CMND, CCCD gắn chip cần biết
- Bộ Công an đang xác minh vụ rao bán dữ liệu CMND của gần 10.000 người Việt 16/05/2021 09:23
- Bị 'khủng bố' đòi nợ vì bạn trộm CMND vay tiền qua App 14/04/2020 03:19
- Bỏ hộ khẩu, CMND: Hàng trăm câu hỏi chưa được trả lời 06/11/2017 10:54
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.