Đầu tư chứng khoán quốc tế: Nhiều năm không thoát mác lừa đảo

Quang Thắng - 10/09/2024 13:58 (GMT+7)

(VNF) - Dù đã xuất hiện nhiều năm tại thị trường Việt Nam, việc chưa có cơ chế quản lý rõ ràng khiến giao dịch chứng khoán quốc tế dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng thành công cụ để lừa đảo.

Nhiều năm chưa dứt nạn chào mời

Anh Quang Huy (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã quen với các cuộc gọi chào mời đầu tư chứng khoán quốc tế. Có giai đoạn, mỗi ngày đều có ít nhất 1 số điện thoại lạ gọi tới để mời nhà đầu tư này tham gia thị trường chứng khoán quốc tế.

Theo anh Huy, tình trạng mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế liên tục đã kéo dài 2-3 năm nay và anh không biết dùng cách nào để khắc phục, chặn số điện thoại này sẽ có số điện thoại khác gọi tới. Từ chối môi giới này sẽ có môi giới khác liên lạc.

“Các đầu số này giới thiệu đến từ nhiều công ty khác nhau, thậm chí có người còn giới thiệu làm việc tại những công ty chứng khoán trong nước như SSI, HSC, VNDIRECT… Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn, các môi giới này đều hướng nhà đầu tư chuyển qua giao dịch chứng khoán quốc tế”, anh Huy cho biết.

Là nhà đầu tư chứng khoán trong nước nhiều năm, anh Huy cũng từng tìm hiểu về việc đầu tư chứng khoán quốc tế qua một môi giới tên Phong (từ cuộc gọi chào mời). Môi giới này tự nhận đến từ sàn trung gian giao dịch chứng khoán quốc tế tại Việt Nam. Để nhà đầu tư tin tưởng, môi giới này sẵn sàng đưa ra một số thương vụ tiềm năng, chủ yếu là các cổ phiếu sắp chia cổ tức. Đi kèm với đó là lời giới thiệu nhà đầu tư vừa nhận được cổ phiếu vừa nhận được tiền cổ tức từ công ty.

“Tuy nhiên, khi tôi hỏi về việc cổ phiếu sau khi chia cổ tức sẽ phải điều chỉnh giá theo tỷ lệ tương ứng. Môi giới này lại khẳng định cổ phiếu sau khi chia cổ tức sẽ không bị điều chỉnh giá”, anh Huy chia sẻ.

Để tham gia giao dịch, môi giới Phong gửi địa chỉ website sàn và hướng dẫn anh Huy cách mở tài khoản, nạp/rút tiền. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư tải ứng dụng giao dịch của sàn về máy tính.

“Sau khi mở tài khoản, môi giới liên tục đề nghị tôi thử nạp tiền vào sàn với số vốn khởi đầu 1.000 USD”, anh Huy cho biết sau đó đã từ chối nạp tiền để theo dõi các thương vụ mà môi giới này giới thiệu. Sau khoảng vài ngày, môi giới Phong tiếp tục liên lạc lại và đề xuất nhà đầu tư nạp tiền. Thậm chí, người này còn cho biết sàn đang có chính sách khuyến mãi 50-100% số tiền nạp.

Theo đó, nếu nạp 1.000 USD vào tài khoản, nhà đầu tư sẽ nhận được 1.500 USD để giao dịch; nạp 2.000 USD sẽ nhận được 3.000 USD và nếu nạp 5.000 USD trở lên, số tiền thưởng nhận được sẽ bằng 100% số tiền nạp, tức 10.000 USD.

Khi đặt câu hỏi về việc nạp tiền vào nhận khuyến mại rồi rút ngay tiền ra được không, môi giới này khẳng định có thể rút được tiền ngay. “Nhận thấy chiêu trò này quá giống các mô hình lừa đảo đã được cảnh báo, tôi đã từ chối tham gia và chặn số môi giới này”, anh Huy cho biết.

Trên thực tế, việc sử dụng hình thức thưởng tiền nạp chỉ là một trong những cách để các sàn chứng khoán quốc tế câu kéo nhà đầu tư tham gia. Một số sàn còn cung cấp mức đòn bẩy tài chính lên tới 50-100 lần. Tức nhà đầu tư chỉ cần nạp 100 USD đã có thể giao dịch với sức mua 10.000 USD. Một số sàn thì giới thiệu có dịch vụ copy trade (sao chép giao dịch), nhà đầu tư không cần phân tích cổ phiếu mà chỉ cần giao dịch theo các lệnh mua - bán mà các chuyên gia của sàn thực hiện, lợi suất cam kết 30-80%/tháng.

Cũng gặp tình trạng tương tự, chị Cao Thảo (27 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết thường xuyên nhận được các cuộc gọi chào mời đầu tư chứng khoán. Trước đây, các đầu số gọi tới thường giới thiệu là môi giới từ các sàn chứng khoán quốc tế, nhưng gần đây, người gọi thường giới thiệu là nhân viên của các công ty chứng khoán trong nước có bộ tài liệu tham khảo về đầu tư muốn gửi qua Zalo, Telegram… để nhà đầu tư tham khảo.

“Dù giới thiệu đến từ công ty nào và cung cấp dịch vụ gì, cuối cùng các cá nhân này cũng hướng nhà đầu tư đến việc tham gia các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế”, chị Thảo cho biết.

Chia sẻ tại hội thảo về bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng gần đây, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế hiện là một trong những chiêu trò được các đối tượng tội phạm sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Theo đó, các đối tượng này thường gọi điện chào mời người dân tham gia giao dịch chứng khoán quốc tế với cam kết vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao, đầu tư trên thị trường quốc tế.

“Các đối tượng có cả nền tảng giao dịch riêng được thiết kế như của các công ty chứng khoán. Khi nhà đầu tư nạp số tiền nhỏ vào chơi thử thì thu lợi nhuận rất cao, nhưng khi nạp nhiều tiền vào thì lại thua lỗ. Cũng có trường hợp nhà đầu tư giao dịch được lợi nhuận lớn nhưng không thể rút tiền. Các đối tượng yêu cầu muốn rút tiền phải nạp thêm tiền vào. Cứ như vậy, từ số vốn nhỏ ban đầu nhưng có người bị lừa đảo nạp vào sàn cả chục tỷ đồng rồi mất trắng”, Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết.

Rủi ro bủa vây nhà đầu tư

Theo tìm hiểu, kể cả trường hợp nhà đầu tư tham gia đúng sàn giao dịch chứng khoán quốc tế thật, rủi ro mất tiền cũng là rất lớn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo về tính hợp pháp của các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, cũng như các rủi ro nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia thị trường này. Theo đó, cơ quan quản lý khẳng định các hoạt động đầu tư trên sàn chứng khoán quốc tế trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Do đó, đây là hình thức đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia thông qua các lời mời chào lãi suất cao, đòn bẩy tài chính lớn…

Ông Lê Ngọc Toàn, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, cũng cho biết hiện Việt Nam chưa công nhận tính hợp pháp, cũng như chưa cấp phép cho công ty giao dịch chứng khoán quốc tế nào. Tuy vậy, đã có các đối tượng lập sàn chứng khoán quốc tế ảo để mời gọi nhà đầu tư tham gia nhưng thực chất là để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phương, giảng viên Học viện New World Education, cho biết các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế tại Việt Nam hầu hết chỉ cung cấp các sản phẩm chứng khoán CFD (hợp đồng chênh lệch giá). Do đó, nhà đầu tư tham gia không sở hữu thật các chứng khoán này, mà lời/lỗ được tính dựa vào chênh lệch giá thực hiện lúc đầu.

Ngoài ra, các chứng khoán CFD này được hỗ trợ đòn bẩy rất cao, thoạt nhìn có vẻ dễ dàng đạt được lợi nhuận lớn với vốn ít, tuy nhiên thực tế do vấn đề tâm lý (khó quản lý lòng tham) dẫn đến thua lỗ nhiều hơn là có lời, điều này cực kỳ rủi ro cho các nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh các hoạt động giao dịch chứng khoán quốc tế hiện không được pháp luật Việt Nam công nhận, nên nhà đầu tư tham gia loại hình này sẽ không được đảm bảo quyền lợi. Trường hợp bị mất tiền khi tham gia các sàn này, nhà đầu tư chỉ có thể lấy lại tiền nếu cơ quan công an vào cuộc và thu hồi được lại tài sản. Tuy nhiên, ông Đức cho biết từ trước đến nay, hầu hết những vụ việc liên quan sàn chứng khoán quốc tế đều không thu hồi được lại tiền cho nhà đầu tư.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia đều cho rằng nhà đầu tư cần tự ý thức được những rủi ro khi chấp nhận tham gia giao dịch qua sàn chứng khoán quốc tế. Đồng thời, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, cảnh báo, xử lý các sàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Phương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh thị trường chứng khoán trong nước, nhà đầu tư cũng dần có nhu cầu tìm hiểu và đầu tư chứng khoán quốc tế. Do đó, cơ quan quản lý cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý quy định điều kiện hoạt động này tại Việt Nam. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp hoạt động giao dịch chứng khoán quốc tế, điều kiện tham gia đầu tư và tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước nói chung liên quan đến giao dịch chứng khoán quốc tế.

“Khi đã có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động này thì nhà đầu tư mới có thể yên tâm tham gia đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi và được pháp luật bảo vệ”, ông nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Điểm danh 3 tỷ phú vừa bị bật khỏi ‘câu lạc bộ’ 100 tỷ USD

Điểm danh 3 tỷ phú vừa bị bật khỏi ‘câu lạc bộ’ 100 tỷ USD

(VNF) - “Câu lạc bộ” những tỷ phú sở hữu giá trị tài sản trên 100 tỷ USD vừa mất đi 3 thành viên, trong đó có CEO nhà Nvidia – Jensen Huang, do sự sụt giảm đột ngột của thị trường chứng khoán.

Báo động: Nước sông Hồng dâng cao, Hà Nội nguy cơ ngập sâu

Báo động: Nước sông Hồng dâng cao, Hà Nội nguy cơ ngập sâu

(VNF) - Theo ghi nhận, mực nước sông Hồng trong sáng nay dâng cao rất nhanh, đã đạt 9,5m tương đương báo động cấp 1. Mưa lớn suốt đêm 9/9 tới sáng nay đã làm ngập lụt nhiều khu vực tại Hà Nội.

Giá USD trong nước đảo chiều tăng nhanh

Giá USD trong nước đảo chiều tăng nhanh

(VNF) - Giá USD trong nước tăng mạnh trở lại sau nhiều ngày giảm sâu. Giá USD tại kênh ngân hàng tăng nhanh. Giá USD tự do cũng tăng tới 110 đồng.

Thêm một tập đoàn toàn cầu rời bỏ Việt Nam

Thêm một tập đoàn toàn cầu rời bỏ Việt Nam

(VNF) - Theo Reuters, tập đoàn năng lượng tái tạo Enel của Ý đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Đây là động thái mới nhất của một công ty phương Tây khi các dự định phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam chưa rõ ràng.

‘Bóc trần’ ngành công nghiệp lừa đảo 2 tỷ USD tại Thái Lan do người Trung Quốc cầm đầu

‘Bóc trần’ ngành công nghiệp lừa đảo 2 tỷ USD tại Thái Lan do người Trung Quốc cầm đầu

(VNF) - “Các băng đảng Trung Quốc đã dạy tôi cách làm cho hồ sơ của mình trông đáng tin cậy, thu hút người theo dõi và đăng bài thường xuyên. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, tôi bắt đầu xác định nạn nhân của mình thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook , Instagram và Line", Narin (20 tuổi) đến từ miền bắc Thái Lan cho biết.

Tàu thủy, sà lan đâm vào cầu Vĩnh Phú, cấm phương tiện qua cầu

Tàu thủy, sà lan đâm vào cầu Vĩnh Phú, cấm phương tiện qua cầu

(VNF) - Do có phương tiện mắc kẹt tại trụ và thành cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, Công an tỉnh Phú Thọ đã dựng rào chắn, cấm các phương tiện qua cầu.

NewstarLand thế chấp lợi tức, quyền khai thác nhiều BĐS tại Kiên Giang

NewstarLand thế chấp lợi tức, quyền khai thác nhiều BĐS tại Kiên Giang

(VNF) - Lợi tức thu được từ việc kinh doanh và quyền khai thác, quản lý dự án khu nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Nò tại Kiên Giang đang được NewstarLand sử dụng làm tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng.

Du lịch hồi phục, Vinpearl lãi hơn 14 tỷ đồng mỗi ngày

Du lịch hồi phục, Vinpearl lãi hơn 14 tỷ đồng mỗi ngày

(VNF) - Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vinpearl, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.579 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lợi nhuận cả năm 2023.

Lũ sông Hồng dâng sát mặt cầu Chương Dương, Hà Nội nguy cơ lụt sâu

Lũ sông Hồng dâng sát mặt cầu Chương Dương, Hà Nội nguy cơ lụt sâu

(VNF) - Mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên nhanh, đạt mức báo động 1 trong 12 giờ tới; sau đó có thể đạt mức báo động 2 trong 24 giờ tới, nhiều khu vực của Hà Nội có nguy cơ ngập úng do nước sông dâng cao.

Rời vòng xoáy ‘đu đỉnh’ BĐS Hà Nội, dòng tiền giới đầu tư chuyển hướng sang tỉnh nào?

Rời vòng xoáy ‘đu đỉnh’ BĐS Hà Nội, dòng tiền giới đầu tư chuyển hướng sang tỉnh nào?

(VNF) - Thực trạng nóng sốt của BĐS Hà Nội được dự đoán có thể lan sang tỉnh thành lớn khác. Đó có thể là tỉnh thành phát triển mạnh về hạ tầng kết nối, tốc độ đô thị hóa cao, đầu tàu về kinh tế, du lịch, tập trung nhiều dự án tốt, dư địa tăng giá cao.