Đầu tư gì cho hạnh phúc?

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng - 23/01/2023 17:17 (GMT+7)

(VNF) - Tháng Chạp, có một ngày rất thiêng liêng, ngày cuối cùng giã từ năm cũ, là 30 Tết. Nhưng 30 chưa phải là Tết, người Việt vẫn gọi đó là ngày Ba mươi Tết. Có rất nhiều lý do để tôi muốn đi Tết đến thăm nhà các bạn của mình trong ngày này.

VNF

Bạn là người yêu cây. Hôm ấy đã khỏe lại sau một đợt ốm dài. Thấy tôi đến mang cho giỏ cây hồng môn hoa trắng xanh, tỏ ra thích thú, rồi hỏi: “Vẫn đầu tư cho cây à? Cây có gì mà đắm đuối thế?”. Đáp: “Đời mình chả biết đầu tư cái gì cho ra hồn, ngoài việc lấy chồng, có con, đến đoạn kết lại về nhà cha mẹ ở, chỉ đọc sách và trồng cây. Cuộc đời rồi cũng chứng kiến đủ thứ lợi và không lợi, nhưng rốt cục, trong tâm người ta bình an mới là cái lợi lớn nhất”. Bạn phẩy tay: “Thế, nên cậu mới nghèo”.

Bạn lại khoe, ngày cuối năm, sau đại dịch chung và cơn bệnh của mình, chỉ quanh quẩn nghĩ xem năm nay phải làm gì lo cho đứa con gái đang ăn học bên tận nước Anh xứ sở sương mù. Tết này nó không về nên cũng buồn. Hai vợ chồng đã điều chỉnh, sống đơn giản đi nhiều. Chỉ mua vài cái bánh chưng, con gà, cân cá trắm đen là xong Tết. Nhà bạn mới nâng cấp cái phòng xem phim, nên không cần ra rạp. Đi đâu thì gọi xe riêng. Có tiền cũng dễ điều khiển lắm. Bạn nói nhỏ vào tai tôi: “Mỗi vợ là khó đầu tư thôi”, lại kể lể: “Mình sống với nàng đã 30 năm, cũng từng đầu tư đất đai, lần đầu rơi vào đất dự án, mất trắng. Ngoài năm mươi tuổi mới làm lại, may nhờ có đứa bạn ở Đăk Nông cho thuê miếng đất, được mùa cà phê, phất lên, rồi mua đám đất nhỏ, bán đi, mười năm sau cũng mua được căn hộ dễ thở thế này”.

Bạn về hưu, có điều kiện tài chính và sống khá ổn thỏa. Sáng ấy, nghe vợ vẫn cằn nhằn, nhắc nhở: “Sang năm, con nó tốt nghiệp rồi, về nước, anh phải lo chạy việc cho nó đấy. Phải chỗ tốt vào, mình có mỗi nó thôi, chẳng như nhà người ta con đàn, cháu đống”. Thì ra, ngày cuối năm vẫn chưa hết lo. Cả đời bạn xuôi ngược để nghĩ cách kiếm tiền cho mình và lo cho con học hành. Rốt cuộc là cái gì ở tuổi lục thập nhi nhĩ thuận đây?

Một người bạn khác, trước đây tôi cứ thầm phục suốt. Cô ấy xinh đẹp lại còn giỏi giang nữa. Nàng làm báo, là phóng viên kinh tế, quen rồi, nên tính toán sắp xếp rất đâu vào đấy. Một mình nàng mua nhà, phá đi, xây lên nhà nhà to ngay mặt phố. Nàng từng khoe: “Tớ tự tỏ tình, cưới chồng, nuôi con gái du học”. Nhưng rồi mới đây, con gái vừa ra trường, trở về thì phải vào ngay bệnh viện và hay tin mẹ ung thư tụy giai đoạn cuối. Tóc cô ấy rụng hết. Bạn bè mua tóc giả, đánh son phấn cho, trước khi cô ấy rời cõi tạm. Cô ấy từng nhắn với bọn tôi: “Các cậu còn khỏe, đừng cố làm giàu lớn làm gì. Nhà to cửa rộng rồi cũng vô nghĩa hết. Chồng tớ đang đi với gái, đang dọa bán nhà đấy. Con gái tớ rời mẹ sớm, học ở nước ngoài mãi, cũng không tình cảm nhiều. Nó xa mẹ từ năm lớp 10. Xa mặt nên lễnh loãng tình cảm dần. Cuộc đời như ván cờ. Tớ là người thất bại!”.

Ngẫm ra, được mất còn tùy quan niệm của mỗi người. Cái cần nhất là phải học hỏi, phải hiểu biết để từng trải, làm ăn, làm giàu nhưng cũng cần biết lắng lại để không cay cú, biết dừng chân khi cần thiết. Chỉ cần một ngôi nhà vừa phải, sống một đời sống đạm bạc mà yên ấm, thương yêu nhau, chứ không cần to rộng, bày đồ đạc sáng choang lên, mà đời sống tinh thần lại nhạt nhẽo, trống rỗng. Bạn tôi đã đi qua khoảng đời trống rỗng, tiền bạc nhiều mà không ấm áp. Khi hiểu ra được giá trị tinh thần cao hơn vật chất, thì đã muộn mất rồi. Những khi tỉnh táo giữa cơn đau, gặp bạn bè thân đến thăm, ngồi lại, bạn khẽ khàng nói: “Các cậu đừng dẫm lên vết xe đổ của tớ. Hãy suy ngẫm cho hài hòa, tìm cơ hội làm giàu, phải biết đầu tư, nhưng cần chú trọng, đừng để tiền bạc cao hơn con người”.

Có những người bạn học khác của tôi đã chọn lựa đúng, như Lũy chẳng hạn. Bạn ấy cũng tần tảo, vất vả như bao người, nhưng không quên chăm chú tạo ra và gìn giữ nếp nhà ấm áp của mình. Đúng như cái tên của, bạn đã đầu tư công sức và tình cảm, biết cách giữ được lũy số nhân cho hạnh phúc của mình. Lũy sống bình dị ở căn chung cư cũ từ thời bao cấp cha mẹ để lại và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu dân cư quanh đấy. Thời gian ngoài bán hàng thì chăm chút cho con cái đi học, chăm lo sức khỏe chồng, còn nữa thì vui vẻ, hát dân ca ý a với những người chung sở thích, lập thành câu lạc bộ ở khu dân cư.

Con của Lũy cứ học hành tiến tới bình bình như các bạn học, không quá nhiều sức ép, không cố theo đòi đi học nước ngoài hay trường to học phí đắt. Học xong thì tự kiếm việc làm, tự chọn bạn chơi và xây dựng gia đình. Lũy đã có mấy đứa cháu xinh xẻo, học giỏi, cuối tuần tụ về ríu rít bên ông bà. Thi thoảng, ông bà giúp thêm cho bố mẹ chúng ít tiền để đi học thêm ngoại ngữ, tiếng Nhật, tiếng Anh. Đời sống con cháu Lũy cũng chỉ ở mức cỡ trung bình, không giàu mà cũng chẳng nghèo nhưng luôn luôn yên ấm. Gia đình Lũy chú trọng vào dạy dỗ con cháu cách gìn giữ nếp xưa, biết trông nhau mà sống, như bố mẹ ứng xử với bạn bè, với họ hàng và những người xung quanh, luôn nhường nhịn và tôn vinh bạn bè cao lên hơn mình.

Chiều cuối năm, tôi đến thăm nhà Lũy, thấy toàn khung cảnh Tết. Tết từ bếp Tết ra phòng khách. Hoa trong nhà, hoa ngoài sân náo nức. Làm món ngon, mọi người cùng chung tay vào như cùng chia sẻ niềm vui. Nhà Lũy có nhiều món được truyền lại từ xưa, bây giờ không thấy mấy ở các ngôi nhà to rộng, như món chè hoa cau, chè đỗ đãi, lại gói cả bánh chưng rồi tổ chức luộc lấy, càng thêm vui. Con cháu của Lũy biết tôn trọng sở thích khác của người khác và biết cách rèn luyện thể thao để giữ sức khỏe cho mình. Con người cần đầu tư nhất chính là gìn giữ sức khỏe, cân bằng âm dương, vì nếu không khỏe mạnh thì không thể tận hưởng niềm vui, không đủ năng lượng để sống yêu đời được.

Gia đình Lũy nhìn bề ngoài, có vẻ thua xa các bạn giàu có, nhưng ở đó, hạnh phúc lại bền vững. Thời hiện đại, không phải ai cũng biết xem trọng điều này. Hà Nội từng có gia đình ở phố Hàng Cân nhất quyết không bán nhà để chia chác cho con, mà giữ lại làm nơi thờ cúng tổ tiên. Gia đình họ chấp nhận ở chật, sống thanh đạm, chứ không bán đất bán nhà. Một khi không chia chác, không cãi vã, kiện tụng, tranh chấp, đó mới là hạnh phúc.

Tôi thích cách duy trì nếp nhà kiểu người Hà Nội cũ hay như nhiều gia đình giữ được thuần hậu ở vùng quê Bắc bộ xưa. Tôi cũng từng bị bạn trách: “Sao ngu thế? Sống “âm lịch” thế thì không thể khá lên được?”. Đúng là tôi không thể khá hơn hơn bạn, vì tôi muốn tôi chính là tôi, được sống đúng là tôi. Đã có nhiều người khuyên tôi bán đi ngôi nhà giản dị ở ngõ phố nhỏ với bao nhiêu kỷ niệm. Họ nói: “Bán đi, mua chung cư mà ở, có tiền thừa ra rủng rỉnh, sống sung sướng, có hơn không nào?”.

Nhưng sung sướng là còn tùy duyên. Ví như ở cổng nhà, tôi không lắp chuông, để có ai đến, cứ gọi cửa to lên và tôi nghe được tiếng người reo vang. Nhiều người bảo, phải có xe ô tô riêng. Nhưng tôi không thấy thế là cần. Tôi vẫn đi xe máy, xe buýt, khi cần thì taxi. Còn đi đâu xa, đã có đủ các phương tiện, xe khách, tàu hỏa, máy bay, hoặc chung góp để thuê một chiếc xe mà vi vu… Một thế hệ như tuổi tôi đây, đã sống vắt qua hai thế kỷ, từ thời ở nhà đơn sơ cấp 4, đi xe đạp, xe máy không thấy tắc đường. Đến thời này, toàn đi ô tô riêng, nhà mọc lên cao vút thì lại toàn tắc đường và tắc đường thôi. Vậy thời nào sướng hơn? Nhà cao cửa rộng, đầy tiền bạc, rồi cả quyền uy nữa, thế mà không chắc bền. Vẫn như muôn thuở xưa nay, tình yêu thương con người với con người mới đúng là chắc bền mãi mãi…

Cùng chuyên mục
Tin khác