Đầu tư ô tô điện: VinFast đi trước 1 bước, đối thủ chậm 1 nhịp
(VNF) - Các hãng ô tô hiện nay nếu đầu tư xe điện tại thị trường Việt Nam đều trong giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên. Do đó, ngoại trừ VinFast, chưa hãng nào dám kỳ vọng đạt doanh số lớn.
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: 'Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện' 13/06/2024 11:00
Xe điện ngày nay không chỉ là phương tiện di chuyển, mà đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển công nghệ và thay đổi lối sống trên toàn cầu. So với xe chạy xăng dầu, xe điện mang đến nhiều lợi ích: Giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, góp phần bảo vệ môi trường; tiêu thụ năng lượng ít hơn, giảm chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng; sự phát triển của pin lithium-ion hiệu suất cao giúp tăng quãng đường di chuyển và giảm thời gian sạc; việc tích hợp AI và phân tích dữ liệu giúp tối ưu hóa hiệu suất xe và tiết kiệm năng lượng.
Nhờ những ưu điểm vượt trội này, xe điện ngày càng được ưa chuộng và trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng hiện đại.
Thị trường xe điện trong nước đang rất “nóng”
Vài năm trở lại đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tương đối ổn định và có nhiều dấu hiệu khởi sắc đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng để phát triển ô tô nói chung và xe chạy động cơ điện nói riêng.
Tỷ lệ sở hữu ô tô đối với người dân Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trên khu vực. Số liệu thống kê chỉ ra rằng tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam mới chỉ khoảng 50 xe/1.000 người, trong khi các nước như: Trung Quốc, Thái Lan đều đạt khoảng 300 xe/1.000 người; Malaysia đạt khoảng 535 xe/1.000 người. Đây được coi là cơ hội để các hãng xe ô tô đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam.
Trên thực tế, phân khúc xe ô tô dùng động cơ xăng lai điện và xe thuần điện đang dần phổ biến tại thị trường chỉ trong vài năm trở lại đây. Nếu như ở thời điểm năm 2020, ngoại trừ Toyota Corolla Cross dùng động cơ hybrid thì thị trường không có sản phẩm sở hữu động cơ tương tự hoặc thuần điện. Thế nhưng chỉ sau 3 năm (từ năm 2023), số lượng các sản phẩm ô tô điện hóa không ngừng tăng lên.
Mở màn cho cuộc đua xe điện hoá là nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast với các sản phẩm xe máy điện, xe buýt điện và ô tô điện. Chỉ trong năm 2023, VinFast đã hoàn thiện dải sản phẩm xe điện với loạt series SUV gồm: VinFast VFe34, VF5, VF6, VF7, VF8, VF9 và VF3, trong đó hầu hết các mẫu xe đã mở bán. Năm 2024, hãng tiếp tục trình làng thêm mẫu bán tải thuần điện VF Wild.
Bên cạnh thương hiệu xe điện nội địa VinFast, nhiều hãng xe lớn trong nước cũng đã mở bán ra thị trường ít nhất một sản phẩm xe thuần điện như: Hyundai Thành Công với mẫu xe IONIQ 5, Audi có e-tron GT. Không chỉ phân khúc xe phổ thông, phân khúc xe sang cũng sôi động với sự hiện diện của bộ ba EQB 250, EQE 500 4Matic và EQS 500 4Matic của Mercedes-Benz Việt Nam; Porsche cũng góp mặt bằng mẫu xe Taycan; BMW ra mắt bộ ba sản phẩm iX3, i4, i7.
Để không tụt lại phía sau, các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam cũng lựa chọn cách tiếp cận người dùng bằng những sản phẩm xe hybrid hoặc xe điện mới nhất của hãng. Không chỉ đơn thuần là nhập khẩu và bán xe, các “ông lớn” sản xuất ô tô Trung Quốc còn sẵn sàng hợp tác đầu tư sản xuất để tìm kiếm chỗ đứng tại thị trường Việt Nam.
Điển hình, vào tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo, Tập đoàn Chery (Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Hay đầu năm 2023, Công ty cổ phần ô tô TMT đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện GM và đã ra mắt mẫu xe điện giá rẻ Wuling Mini EV. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu hợp tác với một sản phẩm xe “thuần” điện (BEV) và nhà máy chủ yếu thực hiện công đoạn lắp ráp, thay vì sản xuất từng bộ phận.
Đối với thương hiệu xe Trung Quốc MG, theo chia sẻ của lãnh đạo công ty thì hãng cũng lên kế hoạch nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ngay tại Việt Nam. Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Trần Nam Thắng, Phó tổng giám đốc SAIC Motor Việt Nam, cho biết: “Từ nay đến cuối năm 2024, chúng tôi sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu để phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam”.
Tiềm năng to lớn để khai phá
Theo báo cáo ‘Vietnam At A Glance: Câu chuyện xe điện’ do bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC công bố vào tháng 5 vừa qua, ước tính tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới một triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.
Báo cáo chỉ ra rằng xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện của Việt Nam nhưng đến cuối những năm 2030, doanh số bán xe máy điện sẽ đi ngang khi thị trường xe máy trong nước bão hòa. Trong khi đó, thị trường ô tô điện của Việt Nam sẽ có tiềm năng to lớn để khai phá (xét bối cảnh hơn 60% người dân sở hữu xe máy trong năm 2020, trong khi mới chỉ có 5,7% sở hữu ô tô).
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng dự đoán đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện lăn bánh trên đường.
Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong vài năm gần đây và bằng chứng là hãng xe VinFast đã ra mắt sản phẩm cả ô tô và xe máy.
“Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển ô tô điện”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, người Việt Nam thích nghi rất nhanh với sự đổi mới của công nghệ số, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hai là thu nhập của người dân Việt Nam đang dần cao lên, sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô tăng lên. Ba là việc VinFast mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh giúp Việt Nam có thể chủ động được công nghệ pin, khiến giá thành sản phẩm mang tính cạnh tranh và người dùng dễ tiếp cận hơn.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường xe điện tại Việt Nam, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Trần Năm Thắng, Phó tổng giám đốc SAIC Motor Việt Nam, cho rằng: “Tất cả các hãng ô tô hiện nay nếu đầu tư xe điện tại thị trường Việt Nam thì đều có chung điểm xuất phát, đều trong giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên. Do đó, tất cả các hãng đã và sắp gia nhập vào phân khúc này (ngoài VinFast) thì họ cũng chưa kỳ vọng số lượng lớn”.
“Tuy nhiên, với một thị trường ô tô tiềm năng như Việt Nam, cùng với việc các công ty sẽ mở trạm sạc tại các điểm dừng nghỉ trên đường cao tốc, các điểm công cộng cùng kết hợp lại với nhau thì đó sẽ là một tương lai sáng của thị trường xe điện Việt Nam”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, ngoài VinFast, ông cho rằng, các hãng xe khác sẽ có lộ trình chậm hơn nhưng các hãng sẽ không từ bỏ phân khúc này, mà sẽ tìm mọi cách để phát triển xe điện bởi nó là xu hướng của thế giới.
Trong khi đó, chuyên gia ô tô Lê Trường Giang cho rằng, mặc dù xe điện đang được ưu đãi về thuế và giá xe khá tốt nhưng người dân vẫn còn băn khoăn về hạ tầng trạm sạc, quãng đường di chuyển cũng như thời gian nạp điện đối với loại xe này. Nếu giải quyết được vấn đề về hệ thống trạm sạc, bài toán về chi phí phụ tùng, tăng cường các cơ sở bảo dưỡng rộng khắp,… thì việc người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện là điều tất yếu.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn đầu thị trường tỷ USD của tương lai
- Nhà phân phối xe điện Trung Quốc Wuling lỗ gần 100 tỷ trong quý II 08/08/2024 10:15
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty mua bán và cho thuê xe điện 01/07/2024 10:25
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: 'Tôi không lo lắng về doanh số bán xe điện' 13/06/2024 11:00
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.