Diễn đàn VNF

Đề xuất tăng thuế để hạn chế di cư vào TP. HCM: 'Coi thường người nhập cư là không thể chấp nhận'

(VNF) – Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc áp thuế cao để hạn chế dòng người nhập cư vào TP. HCM hay Hà Nội là không hoàn toàn không phù hợp.

Đề xuất tăng thuế để hạn chế di cư vào TP. HCM: 'Coi thường người nhập cư là không thể chấp nhận'

Người nhập cư kiếm sống bằng buôn bán nhỏ trên đường phố (ảnh minh họa)

Như đã thông tin, tại một hội thảo về quản lý đất đai tổ chức mới đây, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM muốn áp dụng quy định pháp luật hay quyết định hành chính để ngăn làn sóng di cư vào hai thành phố đều không được.

Ông Võ cho rằng để ngăn làn sóng di cư này, cần áp dụng rào cản kỹ thuật, cụ thể là áp mức thuế cao để những người sống ở TP. HCM và Hà Nội phải có thu nhập cao mới "trụ" được.

Theo ông Võ, với cách làm hiện tại thì người dân ở địa phương vẫn sẽ đổ về hai thành phố theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống mà không phải đóng đồng thuế nào”.

“Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư, chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP. HCM tăng lên 40 - 50 triệu người mà không cách gì cản được”, ông Võ nói.

Bình luận về ý tưởng trên của GS Đặng Hùng Võ, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM - cho rằng quyền tự do cư trú của công dân là quyền Hiến định, do đó đề xuất đánh thuế cao để ngăn người nhập cư vào các thành phố lớn là hoàn toàn không phù hợp.

Lấy trường hợp TP. HCM, ông Châu nhấn mạnh TP. HCM về mặt tự nhiên là thành phố sông nước, về mặt xã hội là thành phố của người nhập cư.

“Suốt 300 năm qua, TP. HCM luôn là thành phố của người nhập cư. Người nhập cư là bản sắc dân cư và tạo nên tính mở của thành phố này”, ông nói.

Theo ông Châu, Hà Nội, TP. HCM hay bất cứ thành phố lớn nào cũng cần tới người nhập cư, bởi có khá nhiều công việc mà cư dân bản địa không muốn làm như: công nhân vệ sinh môi trường, công nhân thoát nước… Đó là chưa nói trong dòng người nhập cư còn có khá nhiều lao động có tay nghề, trình độ cao và trí thức.

“Người nhập cư luôn luôn tồn tại ở các thành phố lớn, việc dùng công cụ thuế để hạn chế dòng người nhập cư là một ý tưởng nhầm lẫn”, ông Châu bình luận.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng cách nói người nhập cư “bám vỉa hè đô thị để sống mà không phải đóng đồng thuế nào” là một cách nói có phần miệt thị, coi thường người nhập cư, không đúng đạo lý cũng không đúng thực tiễn.

“Quan điểm coi thường người nhập cư là không thể chấp nhận. Người nhập cư đóng góp cho Hà Nội, TP. HCM rất lớn, vì thế cần trân trọng họ”, ông Châu khẳng định.

Theo ông Châu, nếu Hà Nội, TP. HCM muốn điều chỉnh tình trạng nhập cư thì các thành phố này phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kỹ thuật cao.

Khi chuyển dịch được nền kinh tế sang hướng này, các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản… sẽ tự động chuyển về các địa phương lân cận và giúp “kéo” dân ra khỏi Hà Nội hay TP. HCM.

Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng giúp Hà Nội, TP. HCM thu hút được lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao. Đây là cách thực hiện mềm mại của chính sách nhập cư có chọn lọc mà không cần áp đặt các quyết định hành chính hay thuế má.

Ông Châu cũng cho rằng cùng với việc Hà Nội, TP. HCM chuyển dịch cơ cấu kinh tế, một biện pháp khác giúp nắn chỉnh dòng người nhập cư là phát triển công nghiệp ở các tỉnh lân cận hai thành phố trên.

Ví dụ tỉnh Bình Dương, ông Châu cho biết, trước kia Bình Dương chỉ là một tỉnh nông nghiệp, nhưng sau 20 năm phát triển công nghiệp, Bình Dương đã nổi lên như một trung tâm kinh tế của miền Nam và thu hút lượng người nhập cư rất lớn.

“Bình Dương có 1 triệu người bản địa nhưng có tới 1,1 triệu người nhập cư. Như vậy sự phát triển của Bình Dương đã san sẻ giúp TP. HCM 1,1 triệu người. Nếu các tỉnh phát triển mạnh về kinh tế thì TP. HCM sẽ được ‘chia lửa’ về dân cư”, ông Châu nói.

Tin mới lên