Dệt may Bangladesh có thực sự thắng Việt Nam nhờ 'xanh hóa'?
Nguyễn Đỗ Thuyên (*) -
26/07/2023 22:45 (GMT+7)
(VNF) - Giữa lúc ngành dệt may Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng trầm trọng thì “xanh hóa” là khái niệm được nhiều tờ báo lớn gần đây nhắc đến như một giải pháp cho các doanh nghiệp trong ngành khi so sánh với Bangladesh – công xưởng gia công dệt may lớn thứ hai thế giới. Sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường vẫn là mục tiêu mà Việt Nam cần hướng tới; nhưng quy toàn bộ sự thành công của ngành dệt may một quốc gia cho “xanh hóa” có phải là cách nhìn quá đơn giản?
Sự mơ hồ của khái niệm “xanh hóa”
Là đối thủ thường xuyên cạnh tranh vị trí số 2 thế giới (số 1 luôn là Trung Quốc) trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, tất nhiên Bangladesh hay được đem ra so sánh với Việt Nam. Trái với sự sụt giảm của Việt Nam (5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 21,42% so với cùng kỳ năm ngoái - theo Hiệp hội dệt may Việt Nam), xuất khẩu dệt may Bangladesh lại đang có mức tăng trưởng ấn tượng 10,67% (tính cho 11 tháng đầu tiên của năm tài khóa). Một số tờ báo Việt Nam đăng bài cho rằng thành công này có được là nhờ Bangladesh có nhiều nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường).
Được Hội đồng công trình xanh Mỹ (USGBC) ban hành, LEED dần được phổ biến như là chuẩn mực của các công trình xanh, bao gồm 7 tiêu chí đánh giá mức độ “xanh” của một công trình: năng lượng và khí quyển, sử dụng nguồn nước hiệu quả, vị trí và kết nối giao thông, vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường bên trong nhà, sáng tạo và thiết kế, phát triển bền vững.
Có thể thấy, mặc dù đề cập đến nhiều tiêu chí của một công trình, chuẩn LEED khó có thể bao quát hết những khía cạnh đặc thù về sản xuất vận hành của một nhà máy dệt may. Chẳng hạn, nó không đi sâu vào những yếu tố vận hành như quản lý hóa chất, quản lý các loại nước thải, chất thải, khí thải… Như vậy, khó mà kết luận rằng chuẩn LEED có đủ độ bao quát để đo lường mức độ “xanh hóa” của một doanh nghiệp dệt may.
Trách nhiệm “xanh hóa” nằm đâu đó ở giữa hai loại nghĩa vụ của một doanh nghiệp - nghĩa vụ pháp định và nghĩa vụ tự nguyện. Nghĩa vụ pháp định là những việc phải làm, do pháp luật quy định. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp - theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường - sẽ phải kiểm kê lượng khí nhà kính mà họ phát thải hằng năm – đây chính là một trong những nghĩa vụ pháp định về “xanh hóa”. Còn nghĩa vụ tự nguyện là những việc nên làm, được thúc đẩy bởi đạo đức và dư luận. Một doanh nghiệp tự nguyện tham gia chuẩn LEED vì nhiều lý do: vì số đông người tiêu dùng có nguyện vọng như vậy; vì tham gia chuẩn LEED sẽ giúp họ gia tăng danh tiếng… nhưng sẽ không có lý do “vì pháp luật quy định”. Không có doanh nghiệp nào bị phạt vì không tham gia chuẩn LEED cả.
Trong bối cảnh hiện tại, khái niệm “xanh hóa” vẫn còn mơ hồ. Có quan điểm cho rằng “xanh hóa” là “sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm và chất thải trong các quy trình sản xuất”. Tuy nhiên, thang đo nào cho “nguyên liệu thân thiện với môi trường”; tái chế đến tỷ lệ nào; mức độ hạn chế ô nhiễm phải đạt đến con số nào thì chưa rõ. Đó là chưa kể, trách nhiệm “xanh hóa” sẽ khác nhau giữa các doanh nghiệp cùng ngành nhưng có quy mô khác nhau. Ngoài ra, những quy định liên quan lại nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Ở một số nước phát triển, khi nghĩa vụ pháp định trong lĩnh vực phát triển bền vững được quy định rõ về một đầu mối (chẳng hạn Đạo luật Thẩm định chuỗi cung ứng ở Đức) thì doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ luật. Nhưng nếu nghĩa vụ về phát triển bền vững chưa được quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật và cũng chưa được cập nhật theo những chuẩn mực quốc tế mới nhất, thì khi đó, những nghĩa vụ tự nguyện trước khách hàng và công luận lại trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp.
Vai trò của chuẩn LEED là nó có thể thay thế một phần những nghĩa vụ pháp định để định nghĩa thế nào là “xanh hóa”. Vấn đề là những tiêu chuẩn như LEED không phải duy nhất. Chúng ta không biết liệu chuẩn LEED có thể là đại diện tốt nhất cho những chuẩn mực “xanh hóa” trong ngành dệt may hay không, bởi vì còn những chuẩn mực khác cũng được đề xuất và công nhận bởi nhiều bên. Chẳng hạn, Higg FEM (Mô-đun Môi trường Cơ sở Higg) được xây dựng bởi Liên minh May mặc Bền vững (SAC) cũng là một bộ tiêu chuẩn giúp đánh giá một nhà máy dệt may ở khía cạnh môi trường, bao gồm 7 yếu tố: hệ thống quản lý môi trường, sử dụng năng lượng & phát thải khí nhà kính, sử dụng nước, nước thải, các loại phát thải khí, quản lý chất thải, quản lý hóa chất.
Có thể thấy, Higg FEM chú trọng hơn những khía cạnh về sản xuất dệt may như hóa chất, chất thải, khí nhà kính… Như vậy, liệu ta có thể khẳng định Bangladesh “xanh hóa” tốt hơn Việt Nam nếu chỉ biết thông tin là Bangladesh có áp dụng chuẩn LEED và không hề biết thông tin gì về các doanh nghiệp Việt Nam? Chắc chắn là không, vì ta không biết liệu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có áp dụng những chuẩn mực khác về “xanh hóa”, hoặc những chuẩn mực mà Việt Nam áp dụng thậm chí còn khắt khe hơn Bangladesh thì sao? Ngoài ra, ta cũng không biết rõ các nhà máy áp dụng chuẩn mực “xanh hóa” ở cả hai nước chiếm bao nhiêu phần trăm về số lượng, về giá trị đóng góp trong bức tranh tổng thể ngành dệt may. Vài trăm nhà máy đạt chuẩn LEED, vài trăm nhà máy có điểm số Higg FEM cao chưa thể nói lên điều gì về mức độ xanh hóa nếu chúng chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số doanh nghiệp, trong tổng doanh thu của ngành.
Rõ ràng là, một kết luận được đưa ra quá vội vã (“Bangladesh chiếm nhiều đơn hàng nhờ xanh hóa”) từ một khái niệm chưa rõ ràng (“xanh hóa”), dựa trên một thang đo chưa chắc là duy nhất và tối ưu nhất (“chuẩn LEED”) thì không thể đứng vững. Quá nhấn mạnh vào “xanh hóa” sẽ khiến người ta dễ bỏ qua những khía cạnh khác của phát triển bền vững. Nếu muốn học hỏi từ Bangladesh, câu hỏi đầu tiên phải trả lời là: Ngay cả khi khái niệm “xanh hóa” được làm rõ (thậm chí được luật hóa), thì liệu nó có phải là thước đo duy nhất để đại diện cho tính bền vững của một ngành công nghiệp?
Bangladesh có phải là “hình mẫu bền vững” lý tưởng?
Trái ngược với báo cáo doanh thu khả quan, bắt đầu từ giữa tháng 5/2023, dệt may Bangladesh liên tục đối mặt với tình trạng căng thẳng khi công nhân ở hàng loạt các nhà máy biểu tình đòi tăng lương, đòi trả nợ lương quá hạn.
Theo dõi báo chí Bangladesh và quốc tế, có cảm giác lãnh đạo ngành dệt may nước này rất lúng túng. Chưa thấy có giải pháp căn cơ nào, trong khi các cuộc biểu tình của công nhân diễn ra ngày càng nhiều và căng thẳng dâng cao ở Savar, Sreepur, Gazipur, Fatulla…. Từ việc tụ họp trước cổng nhà máy, nhiều công nhân giờ đây quyết định tập trung ngoài các đại lộ để chắn đường và gây áp lực lên không chỉ nhà máy mà cả chính quyền địa phương lẫn các hiệp hội dệt may. Từ những vụ nợ lương vài trăm công nhân, ngày 13/6 mới đây, công nhân nhà máy Robintex Ltd ở Aukha tố lãnh đạo nhà máy nợ 2 tháng lương của 6.000 - 7000 người.
Ngày 19/6, tổ chức Cảnh sát công nghiệp của Bangladesh đưa ra báo cáo cho thấy 181 nhà máy thuộc BGMEA (Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh) và 119 nhà máy thuộc BKMEA (Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh) vẫn chưa trả lương tháng 5 cho công nhân. Ngoài ra, chỉ có 52 nhà máy trả lương cho công nhân trong 15 ngày đầu tiên của tháng 6.
Có gì đó cực kỳ tương phản với bức tranh doanh thu sáng sủa của dệt may Bangladesh. Nếu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao như vậy, nếu thực sự các nhà máy “làm không đủ bán” như nhiều tờ báo Việt Nam đưa tin, tại sao việc nợ lương xuất hiện nhiều đến thế ở Bangladesh? Thậm chí, đã xuất hiện những nhà máy phải đóng cửa vì không tìm được đơn hàng, chẳng hạn 1.000 công nhân đang làm việc tại nhà máy Designtex Fashion Limited Garments ở Ashulia đã mất việc sau khi nhà máy này đóng cửa hôm 7/6 vì không có đơn hàng.
Chưa có đủ thông tin để lý giải, nhưng những mâu thuẫn ở Bangladesh giúp chúng ta nhận ra một điều: việc cẩn thận kiểm chứng trước khi đưa ra khuyến nghị gì đó cho Việt Nam là không bao giờ thừa. Tình cảnh khốn khó của lao động bị nợ lương ở Bangladesh là minh chứng rõ ràng cho thấy, “xanh hóa” không thể là thước đo duy nhất cho tính bền vững của một ngành công nghiệp. Khi mà những yêu cầu cơ bản nhất là trả lương đúng hạn còn chưa được đáp ứng, khó có thể tin ngành dệt may Bangladesh đủ nguồn lực để “xanh hóa” một cách toàn diện – vốn là chuyện tốn kém hơn rất nhiều.
Tính bền vững có nhiều chiều kích, không chỉ là sản xuất xanh hay trả lương đúng hạn, mà còn là không sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử, trả mức lương đủ sống cho người lao động… Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết lương tối thiểu hiện tại trong ngành dệt may Bangladesh chỉ vào khoảng 8.000 Taka (tương đương 1,7 triệu VND); trong khi mức lương được coi là “đủ sống” ở nước này vào khoảng 51.994 Taka (tương đương 11,3 triệu VND) – theo một báo cáo của Liên minh Lương tối thiểu châu Á. Lương công nhân rẻ mạt kéo theo giá thành thấp và đó là một nguyên nhân rất quan trọng giúp cho Bangladesh có nhiều đơn đặt hàng. Nhưng liệu Việt Nam có muốn làm theo cách đó - dựa mãi vào đồng lương còm cõi thiếu ăn của công nhân để ghi danh vào thành tích xuất khẩu dệt may?
Phải thẳng thắn với nhau rằng: Không dễ dàng gì đúc kết ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ câu chuyện của một quốc gia khác. Có quá nhiều điều cần phải được phân tích kỹ lưỡng thay vì đơn giản quy mọi thứ về “xanh hóa”. Đó cũng là lúc câu hỏi tiếp theo xuất hiện: Nếu “xanh hóa” hay “bền vững” chưa phải là câu trả lời đầy đủ, vậy còn những nhân tố nào giúp ngành dệt may trở nên hấp dẫn trong mắt người mua?
Cần nhiều chỉ số khác
Báo cáo “Textiles and clothing in Asian graduating LDCs - Challenges and Options” năm 2022 của Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO đưa ra một khung đánh giá về năng lực cạnh tranh cho các quốc gia xuất khẩu dệt may. Theo đó, “bền vững” chỉ là 1 trong số 12 tiêu chí cấu thành nên năng lực cạnh tranh, bên cạnh “chất lượng sản xuất”, “thời gian giao hàng”, “giá”, “lợi thế về thuế quan”, “độ ổn định chính trị” …
Để đánh giá năng lực cạnh tranh ngành dệt may của Bangladesh và Việt Nam, không ai có thẩm quyền hơn những người mua hàng - ở đây là các công ty thời trang quốc tế, các nhãn hàng lớn, các nhà bán lẻ và đại lý thu mua. Báo cáo của WTO lấy ý kiến từ những người mua chính này và đề nghị họ cho điểm 6 nước xuất khẩu dệt may đối với 12 tiêu chí quan trọng. Bảng điểm ở trên trình bày một bức tranh rộng lớn hơn nhiều, mà nếu chỉ chăm chăm nhìn vào tiêu chí “bền vững” hay “xanh hóa”, e rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ bỏ qua rất nhiều điều quan trọng.
Rất dễ nhận thấy, Bangladesh chỉ có đúng 2 tiêu chí có điểm cao hơn Việt Nam, đó là “giá” và “lợi thế thuế quan”. Họ thấp hơn ở 10 tiêu chí còn lại. Ngay cả điểm số về “bền vững” vốn được nhiều tờ báo Việt Nam khen ngợi gần đây, họ cũng ở mức thấp (2 điểm) so với Việt Nam (3,5 điểm). Điểm “bền vững” của Bangladesh bị người mua quốc tế đánh giá thấp không loại trừ do đồng lương cho công nhân không đủ sống, cộng với tình trạng nợ lương triền miên cùng nhiều nguyên do khác.
Tăng trưởng của dệt may Bangladesh trong năm 2023 chắc chắn có sự đóng góp từ việc cải thiện 10 tiêu chí điểm thấp kia. Xét một cách khách quan, Bangladesh bất lợi hơn Việt Nam ở nhiều phương diện. Chẳng hạn, vì quốc gia này không có cảng nước sâu, họ phải dùng các tàu trung chuyển để đưa hàng đến các cảng ở Singapore hoặc Sri Lanka, sau đó hàng hóa mới được dỡ lên tàu lớn để đến các nước nhập khẩu như Mỹ và châu Âu, điều này khiến thời gian giao hàng bị kéo dài hơn. Ông Shovon Islam, Giám đốc điều hành doanh nghiệp may mặc Sparrow Group của Bangladesh, khẳng định với tờ The Business Standard (TBS) rằng “Việc vận chuyển đến và đi từ cảng Chattogram chiếm một phần lớn thời gian giao hàng của chúng tôi. Việt Nam chắc chắn đi trước chúng tôi rất nhiều về hỗ trợ hậu cần tổng thể”.
Mặc dù Việt Nam có ưu thế hơn về thời gian giao hàng do có cảng biển riêng, người Bangladesh cũng có quyết tâm của riêng họ. Tháng 2/2022, tuyến đường thủy trực tiếp giữa Bangladesh và Ý đã được khai thông. Cảng Chattogram ở Bangladesh và cảng Ravenna ở Ý được nối liền với chỉ 16 ngày hành trình, tiết kiệm được 24 ngày so với trước kia. Điều này vừa rút ngắn thời gian giao hàng, vừa giúp Bangladesh tiết kiệm đến 40% chi phí hậu cần. Đây là lý do khiến ông Mahbubul Alam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Chattogram, tự tin khẳng định với tờ TBS: “Bangladesh sẽ dẫn trước Việt Nam về xuất khẩu hàng may mặc nếu việc vận chuyển container trực tiếp trên tuyến Ý - Bangladesh không bị gián đoạn”.
Cách mà Bangladesh tối ưu vấn đề hậu cần, rút ngắn thời gian giao hàng chính là một trong những bài học thiết thực mà dệt may Việt Nam cần nghiên cứu. Thay vì chỉ tập trung vào nguyên nhân “xanh hóa”, các nhà hoạch định ngành dệt may nên tìm hiểu xem Bangladesh đã làm gì để cải thiện tất cả các tiêu chí có liên quan, nếu muốn rút ra những khuyến nghị có tính toàn diện và thực chất.
Việt Nam vẫn đang hướng đến một nền công nghiệp “bền vững”; “xanh hóa” cũng sẽ là xu hướng chính trong tương lai. Nhưng nó cần được nhìn nhận như là trách nhiệm xã hội, là đạo đức mà nhà sản xuất cần phải tuân theo chứ không phải là một món hàng dùng để đổi chác, một giải pháp làm ăn kiểu đối phó “Tôi xanh hóa, vậy anh cho tôi đơn hàng”. Nếu không, điều này dễ dẫn đến kịch bản các bên dốc mọi nguồn lực để đạt bằng được các “chuẩn xanh” thỏa yêu cầu của thị trường. Khi đó, người ta dễ bỏ qua những yếu tố quan trọng khác mà chỉ tập trung vào “xanh” hay “bền vững” – vốn là những thứ có thể “bán” được. “Xanh hóa nhưng nợ lương công nhân” như câu chuyện Bangladesh là điều mà Việt Nam sẽ không muốn lặp lại.
Ngoài ra, quá nhấn mạnh “xanh hóa” dễ tạo thêm những kỳ vọng về mặt dư luận lên doanh nghiệp dệt may Việt Nam – vốn đang chật vật xoay sở với tình trạng thiếu đơn hàng, doanh số giảm, phải nỗ lực bảo toàn đồng lương cho công nhân và cố gắng không cắt giảm nhân lực. Đòi hỏi ngành dệt may hướng đến xanh hóa và phát triển bền vững là đúng, nhưng bối cảnh và lộ trình cũng quan trọng không kém. Không thể đặt kỳ vọng quá lớn rằng doanh nghiệp phải thực hiện những nghĩa vụ tự nguyện ở ngay tại thời điểm mà họ còn đang phải vất vả tìm cách sống sót trên thị trường.
(*) Thạc sĩ Chính sách công cấp bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.