Tiến độ tuyến đê biển 2.300 tỷ 'che chắn' Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải

Hà Thạch - 23/12/2024 08:45 (GMT+7)

(VNF) - Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm về đích.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải được khởi công ngày 7/11/2022, công trình có tổng chiều dài hơn 12.700m, tổng mức đầu tư gần 2.300 nghìn tỷ đồng.

Đây là dự án nhóm A, có ý nghĩa rất quan trọng với việc phòng chống lụt, bão, nước biển dâng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các công trình của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kinh doanh, hoạt động tại bán đảo Đình Vũ, tạo điều kiện phát triển bền vững Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Việc đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải nhằm phòng chống thiên tai và giảm thiểu tác động xấu do biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển Hải Phòng. Từng bước hoàn thiện quy hoạch thành phố Hải Phòng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng (chủ đầu tư dự án), tổng nguồn vốn bố trí cho dự án tuyến đê biển Nam Đình Vũ đến nay đạt 1.850 tỷ đồng và đã giải ngân được hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.

Về thi công, đối với gói thầu đoạn từ K2+253 đến K10+246 và cống A1, A2, lũy kế giá trị thực hiện đến nay đạt trên 60%, gói thầu đoạn từ K10+246 đến K15+022, cống A3 và đường công vụ, lũy kế giá trị thực hiện đến nay đạt trên 51%. Các nhà thầu hoàn thành hợp long và cơ bản hoàn thành đắp cát nền đê từ cao trình mặt đất tự nhiên đến cao trình +2.0m, hoàn thành thi công và lắp đặt thiết bị các cống A1, A.

Cùng với đó, toàn bộ cấu kiện bê tông đúc sẵn kè mái đê, thi công đá hộc chân khay, đá hộc mái kè, đắp đất thân đê, đường công vụ, phòng chống thiên tai.

Việc thi công gặp một số khó khăn liên quan đến điều kiện thi công, thời tiết, dự án xây dựng trên nền đất yếu nên trong quá trình xây dựng có nhiều phát sinh cần phải xem xét và có các biện pháp xử lý khắc phục,… Cùng với đó, quá trình thực hiện, nguồn cát đen phục vụ san lấp nền đê khan hiếm, giá cả tăng cao, trong khi dự án phải sử dụng khối lượng rất lớn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là các vấn đề liên quan tới phần vốn góp của doanh nghiệp. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án là 2.284 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố chiếm 60% tương đương 1.370 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 113 tỷ đồng; ngân sách thành phố 1.257 tỷ đồng). Còn lại 40% là vốn đóng góp của các doanh nghiệp, tương đương 913,6 tỷ đồng. Đến nay, các doanh nghiệp đã đóng góp hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản vốn góp của doanh nghiệp đang gặp phải vướng mắc do các quy định về khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nên đang phải tạm dừng lại để tìm biện pháp xử lý. Trong cơ cấu nguồn vốn bố trí 665 tỷ đồng của năm 2024, ngân sách thành phố bố trí 385 tỷ đồng; các doanh nghiệp đóng góp 280 tỷ đồng nhưng do có vướng mắc nên khoản đóng góp của doanh nghiệp chưa thực hiện được.

Do đó, BQL dự án đề nghị thành phố sớm quyết định điều chỉnh dự án và ưu tiên bố trí nguồn vốn bổ sung cho dự án với số tiền 280 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thay thế nguồn vốn góp của doanh nghiệp để bảo đảm tiến độ dự án.