Doanh nghiệp dệt may 'nép mình' chờ bình minh

Bằng Lai - 25/08/2023 09:07 (GMT+7)

(VNF) - Các doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may như phân khúc sợi cho thấy sự phục hồi sớm và rõ rệt hơn so với các doanh nghiệp trung nguồn như phân khúc may mặc. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngành dệt may đang vượt qua vùng đáy và từ từ đi lên.

VNF
Doanh nghiệp dệt may 'nép mình' chờ bình minh

Doanh nghiệp sợi “đi trước một bước”

Trong chuỗi giá trị ngành dệt may, các doanh nghiệp may mặc đang tỏ ra lép vế hơn so với các doanh nghiệp sợi, xét về mức độ khởi sắc trong kết quả kinh doanh, giữa lúc toàn ngành đang gặp khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UPCoM: VGT) giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.119 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 62,3 tỷ đồng, giảm mạnh 88,4%. Lý do là chi phí lãi vay tăng 57,1% so với cùng kỳ và tập đoàn gia tăng trích lập dự phòng lên 71,8 tỷ đồng (từ mức 13,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022).

Đối mặt với những khó khăn tương tự trong việc doanh số bán hàng sụt giảm và chi phí tài chính tăng cao, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH) chứng kiến doanh thu giảm 20,4% về mức 2.179 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 41,1% về mức 110,6 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm 2023. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dệt May Thành Công (HoSE: TCM) ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt 1.591 tỷ đồng (giảm 26,7% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 56,4 tỷ đồng (giảm 55,9% so với cùng kỳ).

Với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), mặc dù doanh thu 6 tháng tăng nhẹ 2,8% lên 3.334 tỷ đồng nhờ thực hiện các đơn hàng đã ký trong quý IV/2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của công ty đã sụt giảm 21,3% so với cùng kỳ về mức 98,6 tỷ đồng.

Nhờ giảm ghi nhận khoản hàng bán trả lại (giảm 70,4% so với cùng kỳ về mức 759,3 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2023), doanh thu của Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG) tăng 6% so với cùng kỳ lên 4.124 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng chỉ giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ về mức 76,4 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo ngành dệt may công bố gần đây, tình trạng sức tiêu thụ yếu đối với các sản phẩm may mặc kéo dài khiến cho lượng hàng tồn kho của của các nhà sản xuất duy trì ở mức cao cho đến quý II/2023, dẫn đến đơn hàng mới sụt giảm và kết quả kinh doanh theo đó lao dốc tại các doanh nghiệp may.

Trên thực tế, hàng tồn kho của các doanh nghiệp may mặc trên duy trì ở mức cao suốt từ cuối quý II/2022 đến nay. Thống kê của Tạp chí Đầu tư Tài chính đối với VGT, MSH, TNG, VGG cho thấy, tổng lượng hàng tồn kho trong khoảng thời gian trên đều ở mức trên 7.000 tỷ đồng, trong khi các quý còn lại đa số ở mức khoảng từ 6.000 tỷ đồng trở xuống.

Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp may mặc kém khả quan so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế lại có xu hướng phục hồi so với quý trước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng biên lợi nhuận gộp vẫn chưa cải thiện trên diện rộng, cho thấy các doanh nghiệp may mặc chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Cụ thể, nhờ doanh thu tăng nên lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp may mặc trong danh sách thống kê tăng từ 183 tỷ đồng trong quý I/2023 lên 218 tỷ đồng trong quý II/2023, bất chấp biên lợi nhuận gộp giảm xuống 8,9%, từ mức 9,5% của quý I/2023. Quý vừa qua cũng là quý ghi nhận biên lợi nhuận gộp thấp nhất trong 10 quý gần đây.

Dẫu vậy, cũng có sự phân hóa trong việc cải thiện biên lợi nhuận gộp. Theo đó, VGG và MSH cho thấy sự cải thiện, còn TNG và VGT lại sụt giảm.

Các doanh nghiệp sợi phần nào cho thấy kết quả kinh doanh quý II/2023 khởi sắc hơn các doanh nghiệp may mặc, khi biên lợi nhuận gộp đã có sự cải thiện khá rõ rệt so với quý trước. Cụ thể, thống kê đối với Công ty Cổ phần Damsan (HoSE: ADS), Tổng công ty Cổ phần Phong Phú (UPCoM: PPH) và Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế đạt mức 150 tỷ đồng, cao nhất 4 quý gần đây, dù mức chênh còn khá hạn chế. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp quý II/2023 đạt 14,3%, cao nhất 4 quý.

Xét từng doanh nghiệp, ADS ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 tăng 14,1% so với cùng kỳ lên 970,2 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 20,7% so với cùng kỳ về 37,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính riêng quý II/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty đều tăng trưởng tích cực, lần lượt tăng 66,7% và 13,4% so với cùng kỳ, tăng 129% và 89% so với quý I/2023.

Doanh thu 6 tháng của STK thì giảm 40,6% so với cùng kỳ về mức 695,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sụt giảm 73,4% so với cùng kỳ (về mức 39,1 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong quý II/2023, STK đã ghi nhận doanh thu tăng 41,5% so với quý trước (đạt 407,3 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế gấp 22 lần so với quý trước (đạt 37,5 tỷ đồng).

Với PPH, mặc dù lợi nhuận sau thuế quý II/2023 vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với quý trước nhưng biên lợi nhuận gộp đã tăng từ 21% trong quý I/2023 lên 24% trong quý II/2023. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may như phân khúc sợi cho thấy sự phục hồi sớm và rõ rệt hơn so với các doanh nghiệp trung nguồn như phân khúc may mặc. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp ngành dệt may đang vượt qua vùng đáy và từ từ đi lên.

4 động lực phục hồi

Trong báo cáo phân tích ngành dệt may, VNDIRECT chỉ ra 4 động lực giúp doanh nghiệp dệt may phục hồi trong năm 2023 - 2024.

Đầu tiên, mùa lễ hội cuối năm có thể tạo động lực ngắn hạn vào quý IV/2023. Theo đó, nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó, VNDIRECT kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ quý III/2023.

“Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester có rủi ro sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa sản xuất từ dầu thô) tăng trở lại. Các nguyên liệu nhựa thường phản ánh đà tăng theo giá dầu sau 3 đến 4 tháng”, chuyên gia của VNDIRECT cảnh báo.

Động lực thứ hai là triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc. Cụ thể, giá trị xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam trong quý II/2023 đã tăng mạnh 42,1% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (tại 609,7 triệu USD). Chỉ số giá đầu vào cho các nhà sản xuất sợi ở Trung Quốc đã tăng nhẹ 0,1% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 5 và tháng 6, cho thấy nhu cầu đang phục hồi. Doanh số bán lẻ các mặt hàng dệt may và giày dép tính đến tháng 5/2023 đã tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ. Các nhà sản xuất sợi với tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc cao như ADS sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.

Động lực thứ ba, theo VNDIRECT, là thị trường Mỹ sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của nhóm trung và hạ nguồn kể từ năm 2024. “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý II/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn”, chuyên gia của VNDIRECT cho hay.

Trước đó, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc sang Mỹ của Việt Nam giảm 25,7% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt mức 7,04 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu của riêng quý II/2023 đã cao hơn 27,2% so với quý I, đạt 3,94 tỷ USD.

Động lực thứ tư là hàng rào thuế quan cho sản phẩm may mặc xuất khẩu sang EU tiếp tục được hạ xuống nhờ EVFTA. Đây là tín hiệu tốt trong trung và dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, nhu cầu chưa thể thực sự hồi phục. Lý do là chính sách tiền tệ tại Châu Âu sẽ còn tiếp tục bị thắt chặt để hạn chế lạm phát.

Việc các điều kiện tài chính tại Châu Âu được dự đoán sẽ còn bị thắt chặt hơn trong các tháng tới (ECB tiếp tục nâng lãi suất) đang là một rủi ro đe dọa triển vọng tiêu dùng tại khu vực này. Lạm phát lõi tại khu vực sử dụng đồng Euro (sau đây gọi tắt là Eurozone) đã tăng cao hơn trong tháng 6/2023 – ở mức 5,4% so với cùng kỳ, cho thấy cuộc chiến chống lạm phát tại khu vực này đòi hỏi có thêm các biện pháp.

Theo dữ liệu từ Liên đoàn Dệt may Châu Âu (EURATEX), chỉ số niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại Châu Âu vẫn đang tiếp tục suy giảm, báo hiệu rằng hoạt động sản xuất trong ngành này sẽ còn thu hẹp hơn trong quý tới. Chỉ số này đã giảm 0,7 điểm đối với ngành sợi và 10,1 điểm đối với ngành may trong tháng 6 so với tháng 5, chủ yếu do quan điểm tiêu cực hơn của các nhà quản trị dựa trên lượng đơn đặt hàng và mức tồn kho hàng hóa thành phẩm hiện hữu của họ.

Cùng chuyên mục
Tin khác