Doanh nghiệp 'khát' vốn, quỹ hỗ trợ yếu và kém hiệu quả

Khánh Tú - 14/11/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Hiện nay, cả nước có khoảng 930.000 doanh nghiệp, trong đó, 97 – 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số này tiếp cận được vốn tín dụng trong khi các quỹ hỗ trợ vốn lại hoạt động kém hiệu quả.

Khó khăn muôn thuở của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 9/2024, gần 14,8 triệu tỷ đồng vốn tín dụng đã được cung ứng cho các lĩnh vực trong nền kinh tế. Ước tính, tín dụng tăng trưởng 9% so với đầu năm 2024, trong đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,72%.

Mặc dù đã có khởi sắc nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang còn nhiều khó khăn. Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 11/11, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đặt vấn đề:

“Thực tế doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng khả năng tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đây không phải là vấn đề mới gặp mà đã trở thành vướng mắc kéo dài nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: “NHNN cũng nhận thấy chính sách tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn nhiều trở ngại”.

Thống đốc thừa nhận việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang còn nhiều khó khăn.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu chú trọng đến cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc triển khai nhiều gói vay ưu đãi, đẩy mạnh cho vay trực tuyến, giảm thủ tục, tăng tốc độ giải ngân khoản vay... Phía NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay.

Tuy nhiên, theo Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25%. Còn lại, đến 75% doanh nghiệp vẫn phải huy động từ bạn bè, vay mượn qua các kênh phi chính thống.

Thống kê của FiinGroup cũng cho thấy, mặc dù chiếm phần lớn số doanh nghiệp cả nước nhưng tổng nợ vay của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa lại thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp lớn – nhóm chiếm tới hơn 90% tổng dư nợ vay của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này chưa tiếp cận được vốn tín dụng như năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp, thương hiệu và uy tín chưa cao hoặc chưa có dự án khả thi. Có những doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng thì lại không có khả năng trả nợ.

Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kém hiệu quả

Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm doanh nghiệp được Chính phủ quan tâm, ban hành nhiều Luật và nghị định hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Đáng chú ý, 3 quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được thành lập với mục tiêu tạo thêm kênh cung cấp vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả hoạt động của các quỹ này chưa cao.

Thống đốc NHNN dẫn chứng, Chính phủ đã có Quyết định số 601/2013 thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng vốn điều lệ của quỹ này chỉ ở mức 2.000 tỷ đồng.

“Dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là 15 triệu tỷ đồng, riêng các doanh nghiệp đã chiếm tới 7 – 8 triệu tỷ đồng. Như vậy có thể thấy rằng so với 7 – 8 triệu tỷ đồng thì con số 2.000 tỷ đồng là con số rất nhỏ”, bà Hồng cho hay.

Thêm vào đó, về cơ cấu tổ chức, các cán bộ của quỹ chưa có chuyên môn và nghiệp vụ để cho vay trực tiếp nên phải ủy thác qua một số tổ chức tín dụng. Song, dư nợ cho vay vẫn còn rất ít và không đáng kể.

Ngoài Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ cũng thành lập thêm Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo quy định, vốn điều lệ của quỹ này tối thiểu 100 tỷ đồng, do ngân sách địa phương cấp. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa bố trí được nguồn vốn và chỉ có 29 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập.

Sau thời gian hoạt động, có tới 5 quỹ đã giải thể, trong khi hoạt động của những quỹ còn lại chưa thực sự hiệu quả. Dư nợ cho vay còn rất thấp, chưa đến 100 tỷ đồng.

Một vướng mắc khác của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhiều quỹ yêu cầu các doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo, không tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng mới quay sang quỹ bảo lãnh. Đến đây, các quỹ lại yêu cầu các doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Điều này đẩy các doanh nghiệp vào thế khó”, Thống đốc NHNN nói.

Các quỹ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh 2 quỹ mà Thống đốc NHNN đề cập đến, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương cũng là một trong những quỹ được thành lập để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Theo số liệu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế khi mới chỉ có 33 quỹ trên phạm vi cả nước. Tổng số vốn góp đạt 413 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 16 triệu USD, chiếm dưới 5% thị phần đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Thêm vào đó, các quỹ đầu tư đa phần có quy mô nhỏ, trong đó có 15 quỹ có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng, 11 quỹ có quy mô vốn từ 1 – 10 tỷ đồng, 5 quỹ có quy mô vốn từ 10 – 50 tỷ đồng và chỉ có 2 quỹ có quy mô vốn trên 50 tỷ đồng.

Trước thực trạng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa hiệu quả, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ vừa qua, xem đâu là nguyên nhân khiến các quỹ không triển khai được, đồng thời, triển khai, bố trí nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước đó, trong kết luận gửi Quốc hội mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đưa ra đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, trong đó có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Đồng thời, xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.