Trồng 1 triệu ha lúa phát thải thấp: Quy định chung chung, dân khó vay vốn

Khánh Tú - 10/11/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù đều đánh giá cao vai trò và sự thiết thực của đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn một số trăn trở.

Doanh nghiệp còn nhiều trăn trở

Theo Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, các đơn vị tham gia được nhận nhiều ưu đãi như giảm tối thiểu 1% so với lãi suất hiện hành, có cơ chế riêng về hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp cho các hợp tác xã hộ dân. Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thu mua, chế biến tại chỗ, cũng như những doanh nghiệp cung ứng vật tư thiết bị hỗ trợ cho bà con trong quá trình nuôi trồng lúa được cho vay không cần tài sản đảm bảo, được điều kiện cho vay vốn trung dài hạn.

Tuy nhiên, dù đều đánh giá cao vai trò và sự thiết thực của đề án này nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc sau thời gian tham gia triển khai thí điểm.

Ông Đoàn Văn Tài, Chủ tịch HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, việc đề án chưa được phê duyệt khiến ngân hàng không có cơ sở cho vay.

"Nếu chỉ nói chung chung thì ngân hàng không có cơ sở cho vay. Vốn không phải là vấn đề bởi ngành ngân hàng đâu thiếu vốn. Ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng cho vay mấy chục năm nay rồi, sao lại nói thiếu vốn. Vấn đề còn lại là chính quyền cần phải phê duyệt đề án. Đây là việc của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh, thành. Trên cơ sở đề án phê duyệt, doanh nghiệp mới lập được dự án và trên cơ sở đề án được phê duyệt, ngân hàng mới giải ngân", ông Tài nói.

Trong khi đó, bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc tham gia đề án này giúp các doanh nghiệp có thêm thế mạnh về chất lượng hạt gạo, đáp ứng được nhu cầu thế giới đang ngày càng cao và cạnh tranh. Ngoài ra, người nông dân cũng đã tiếp cận được nguồn vốn thấp một cách dễ dàng và ưu đãi hơn.

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH XNK Phương Thanh vẫn lo ngại về vấn đề tài sản đảm bảo. “Đối với những doanh nghiệp thu mua nông sản, tài sản đảm bảo là câu chuyện khó khăn, khiến việc tiếp cận vốn vay trung và dài hạn còn nhiều hạn chế”, bà Thủy nói.

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về các ưu đãi trong đề án.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp băn khoăn về mức ưu đãi lãi suất 1%. Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), tỉnh Kiên Giang bày tỏ: “Mức ưu đãi lãi suất 1% là căn cứ vào mặt bằng lãi suất cho vay nào, cao hay thấp hơn lãi vay hiện tại của doanh nghiệp đang vay. Hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi đang được cho vay với lãi suất 4,3%. Vậy nếu chúng tôi tham gia và vay vốn thì có được ưu đãi thấp hơn mức hiện tại hay không?”.

Được biết, Vinarice đã tham gia đề án này ngay từ đầu và đã hình thành chuỗi quá trình, nhằm tăng chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất. Hiện công ty vừa là đơn vị cung cấp giống cho bà con nông dân, vừa là đơn vị thu mua gạo. Vinarice đang mở rộng nhà máy và tăng nguồn cung ứng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo của công ty trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cam kết ngân hàng sẽ giảm 1% so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại. Tuy nhiên, mức lãi suất như thế nào thì tuỳ thuộc vào mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường.

“Lãi suất chúng tôi cho vay sẽ ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường trên thị trường. Nếu doanh nghiệp, HTX nào được mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất Agribank cho vay thì lựa chọn họ. Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia đề án này sẽ được Agribank cam kết cho vay hạn mức tín dụng đầy đủ, không giới hạn quy mô”, đại diện Agribank khẳng định.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh sẽ xem xét và yêu cầu các ngân hàng làm rõ mức ưu đãi lãi suất để doanh nghiệp và nông dân tham gia biết mình được hưởng lợi như thế nào, đồng thời khuyến khích thêm nhiều ngân hàng tham gia với mức giảm tốt hơn, chẳng hạn từ 2 – 3%.

Cơ hội xanh của ngành ngân hàng

Theo đại diện của Agribank, việc tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp là trách nhiệm nhưng cũng là cơ hội của ngành ngân hàng.

Hiện tại, Agribank là ngân hàng có tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn rất lớn, chiếm khoảng 62% tổng dư nợ tại ngân hàng và là ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất cả nước.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cấp tín dụng của Agribank đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 7,45% so với đầu năm, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm.

Dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đến cuối tháng 10 đạt 425 nghìn tỷ đồng, tăng 6,15% so với đầu năm (dư nợ nông nghiệp: 356.000 tỷ đồng, tăng 5%% so với đầu năm; dư nợ lâm nghiệp: 22.000 tỷ đồng, tăng 16,5%; dư nợ thuỷ sản: 46.000 tỷ đồng, tăng 7,3%).

Lãnh đạo Agribank cho biết đề án này vừa là nhiệm vụ vừa là cơ hội của ngành ngân hàng.

Riêng tại ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tổng dư nợ toàn vùng của Agribank đạt 262 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng, tăng 8,01% so với đầu năm. Dư nợ cá nhân đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 86,3% tổng dư nợ, dư nợ pháp nhân đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,7% tổng dư nợ. Dư nợ ngắn hạn đạt gần 163 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 62,2% tổng dư nợ, dư nợ trung, dài hạn đạt gần 99 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng dư nợ.

Tại ĐBSCL, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt trên 214 nghìn tỷ đồng, tăng 8,47% so với đầu năm. Lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, dư nợ lúa gạo tại đây đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với đầu năm, chiếm khoảng 47,5% dư nợ lúa gạo toàn hệ thống Agribank.

Lãnh đạo Agribank cho biết, thời gian tới thí điểm 30.000 tỷ đồng cho đề án 1490, đồng thời không hạn chế quy mô. Song song với đó, ngân hàng cũng sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính phục vụ cho đề án này một cách ưu việt nhất, góp phần hoàn thành đề án, gắn với chương trình chuyển đổi số.

Cùng chuyên mục
Tin khác