Doanh nghiệp vay 4.000 tỷ làm nhà máy nước sông Đuống, Hà Nội cộng chi phí lãi vay vào giá nước

Minh An - 12/11/2019 21:38 (GMT+7)

(VNF) - Thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 12/11, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết đơn vị đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống đang vay khoảng 3.998 tỷ đồng để đầu tư công trình này. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước khoảng 20%.

VNF

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá 10.246 đồng/m3 của nhà máy nước sông Đuống chỉ là giá tạm tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước  trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Mức giá trên không phải giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ.

Ông Nguyễn Việt Hà cho biết việc ký kết thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước giữa UBND TP. Hà Nội và nhà máy nước sạch sông Đuống được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án nhà máy nước mặt sông Đuống, thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa - 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).

Mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3 cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m3). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Việt Hà cho biết việc áp dụng mức giá tạm tính tối đa trên được căn cứ theo quy định Điều 31, 38 Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ. Nghị định này có quy định liên quan đến thoả thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được uỷ quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thoả thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.

Ông Nguyễn Việt Hà cho biết trong thời gian tới, sau khi nhà đầu tư quyết toán dự án và tiến hành kiểm toán, sẽ xác định được các chi phí chính thức và khi đó sẽ xác định được chính xác giá thành sản xuất của Công ty sông Đuống.

Liên quan đến việc giá nước sông Đuống cao hơn nước sông Đà, ông Nguyễn Việt Hà cho biết về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới chênh lệch giá.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước.

“Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”, ông Hà nói thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.