Doanh nghiệp Việt huy động vốn quốc tế: Quy mô và nền tảng quản trị là thách thức chính

Thanh Long - 25/08/2022 09:05 (GMT+7)

(VNF) - “Là một nền kinh tế trẻ và đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các quỹ đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, quy mô và nền tảng quản trị là các thách thức chính của nhiều doanh nghiệp Việt trong quá trình huy động vốn”, lãnh đạo Tập đoàn Masan chia sẻ.

VNF
Một cửa hàng Winmart của Masan

Covid-19 không làm giảm sức hút của doanh nghiệp Việt

Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ khi tổng giá trị các thương vụ M&A năm 2021 cao hơn so với năm 2020 và năm 2019.

Báo cáo về M&A của Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG cho biết sự thu hút đầu tư M&A ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch mà còn qua giá trị bình quân trên mỗi giao dịch. Giá trị bình quân cho mỗi giao dịch tăng từ 28,1 triệu USD trong năm 2019 lên 42,8 triệu USD trong 10 tháng năm 2021. Ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.

Phân tích theo ngành, Tiêu dùng thiết yếu, Tài chính và Bất động sản là các ngành thu hút nhiều M&A nhất, chiếm 55%-60% tổng giá trị giao dịch trong những năm vừa qua và nhiều khả năng xu thế này sẽ tiếp tục trong tương lai. Các ngành này hưởng lợi lớn từ nhu cầu cao về nhà ở, dịch vụ tài chính và các hàng hóa tiện lợi, thúc đẩy bởi số lượng dân số đông, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa nhanh, theo KPMG.

Trong số các thương vụ M&A trong năm qua, không thể không kể đến thương vụ SMBC Consumer Finance (Nhật Bản), một chi nhánh của SMBC Consumer Finance, đã mua lại 49% cổ phần của Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (FE Credit), công ty tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá trị báo cáo lên tới 1,4 tỷ USD. Một giao dịch khác liên quan đến tài chính tiêu dùng là việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) bán 100% cổ phần trong công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance cho Bank of Ayudhya Public Company (Krungsri) của Thái Lan với giá 156 triệu USD.

Nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến loạt thương vụ bán cổ phần liên quan đến Tập đoàn Masan. Cụ thể hồi tháng 4/2021, SK Group mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce (đã đổi tên thành WinCommerce) với giá trị báo cáo là 410 triệu USD. Tiếp đó, nhóm nhà đầu tư dẫn dắt bởi Alibaba và Baring Private Equity Asia chi 400 triệu USD cho 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX - công ty thành viên của Tập đoàn Masan.

Tháng 11, tập đoàn này công bố hai thương vụ hợp tác: De Heus Việt Nam chi 600-700 triệu USD, tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi; SK Group mua lại 4,9% cổ phần The CrownX với giá 340 triệu USD. Tháng 12, nhóm “đại gia” TPG, Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings rót thêm 350 triệu USD vào The CrownX.

Như vậy, năm 2021, Tập đoàn Masan đã thu hút tới gần 2,3 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài, xấp xỉ tổng số vốn đầu tư Masan nhận được trong 11 năm (2009 - 2020). Riêng The CrownX - nền tảng tích hợp Masan Consumer Holdings và WinCommerce - thu hút hơn 1,5 tỷ USD.

Lãnh đạo Tập đoàn Masan cho hay sở dĩ tập đoàn thu hút được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhờ sở hữu nhiều lợi thế và sức mạnh cộng hưởng để nắm bắt cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam. Theo vị này, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam đã ở vị thế sẵn sàng để trở thành động lực phát triển quan trọng trong bức tranh tiêu dùng tại Châu Á. Trong khi đó, Masan là tập đoàn tiêu dùng sở hữu nền tảng tích hợp cả sản xuất (Masan Consumer, Masan MEATLife) và chuỗi bán lẻ hiện đại (công ty WinCommerce, sở hữu hệ thống WinMart, WinMart+ có quy mô gần 3.000 điểm bán).

Từ năm 2021, Masan đã phát triển mini mall - mô hình bán lẻ phục vụ người tiêu dùng đa dạng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu tại một điểm bán duy nhất. Điểm bán này sẽ có các dịch vụ, sản phẩm của WinMart+, Phúc Long, Techcombank, Reddi và kiosk dược phẩm. Các cửa hàng thí điểm đã tăng lưu lượng khách hàng hơn 30% và giảm mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn đi 45%, giúp Masan tự tin có thể mở rộng mô hình này trên cả nước, đạt mục tiêu 30.000 cửa hàng trong tương lai.

“Quan trọng hơn cả, việc mở rộng cửa hàng bán lẻ thành công sẽ là nền tảng quan trọng giúp Masan tiến đến cung cấp sản phẩm và dịch vụ online một cách có lợi nhuận. Minh chứng cho chiến lược này chính là các nhà bán lẻ lớn như Walmart, Tesco đã mở rộng được quy mô lợi nhuận khi vận hành theo mô hình offline-to-online trong khi các nhà bán lẻ online thuần túy vẫn chưa có lợi nhuận”, lãnh đạo Tập đoàn Masan nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo này, nguồn vốn lớn mà Masan nhận được cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng của thị trường tiêu dùng Việt Nam, đồng thời tiết lộ tập đoàn đang có kế hoạch IPO The CrownX và đang làm việc cùng những nhà tư vấn hàng đầu để giúp đem câu chuyện của Việt Nam đến nhà đầu tư quốc tế một cách hiệu quả.

Ở góc nhìn từ phía nước ngoài, KPMG Nhật Bản cho hay Việt Nam đang là một trong những quốc gia được nhắm đến bởi các tổ chức quốc tế nhờ vị trí chiến lược quan trọng ở châu Á, quy mô thị trường nội địa lớn, lực lượng lao động dồi dào và thuận lợi cho chiến lược “Trung Quốc cộng một”.

Tiềm năng và thách thức khi huy động vốn quốc tế

Trước đây, Việt Nam được xem là đầu mối xuất khẩu quan trọng trong khu vực. Một hình thức M&A truyền thống thường được thực hiện bởi các nhà đầu tư Nhật Bản là thiết lập các cơ sở sản xuất cùng với đối tác trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của KPMG Nhật Bản, hiện nay, bức tranh đã thay đổi khi nhiều công ty Nhật Bản đang dần quan tâm đến thị trường Việt Nam với dân số lớn và trẻ cũng như sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu. Các lĩnh vực được kỳ vọng là sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước trong tương lai bao gồm tài chính, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ - bán buôn và dịch vụ.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc xem Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc. Về vị trí địa lý, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyosung và Hyundai Motors đã thành lập các địa điểm sản xuất hoặc các công ty con của họ ở khu vực phía Bắc Việt Nam; các công ty khác tiếp nối xu hướng, dẫn đến việc Hàn Quốc đầu tư nhiều hơn vào khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, đầu tư vào các khu vực phía Nam trong đó có TP. HCM cũng đang gia tăng do thị trường tiêu dùng và tăng trưởng chung của nền kinh tế tại TP. HCM và khu vực phía Nam ngày càng hấp dẫn hơn.

Theo KPMG Hàn Quốc, các lĩnh vực thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Hàn Quốc bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và hậu cần. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính là nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp “không tiếp xúc” (thuật ngữ được tạo ra trong đại dịch Covid-19, ám chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không yêu cầu phải có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng), triển vọng kinh tế trong dài hạn và số lượng người dùng internet cũng như điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Ngoài ra, vì các doanh nghiệp Hàn Quốc có chuyên môn cao trong các lĩnh vực này, đặc biệt là công nghệ tài chính, họ tin rằng có thể đóng góp cho các đối tác trong chuỗi giá trị và thị trường nói chung. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn dành nhiều sự quan tâm bao gồm tài chính, ô tô - cả bán lẻ và sản xuất, bảo hiểm ô tô, xây dựng và bất động sản.

Nhìn chung, nguồn vốn nước ngoài rất dồi dào và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tuy nhiên không dễ để doanh nghiệp nội thu hút được vốn ngoại.

Lãnh đạo Tập đoàn Masan chia sẻ rằng nền tảng kinh doanh và quản trị vững mạnh cũng như một kế hoạch sử dụng vốn khả thi, mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và nhà đầu tư, là các yếu tố quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam triển khai huy động vốn quốc tế thành công. “Là một nền kinh tế trẻ và đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các quỹ đầu tư quốc tế, mở ra cơ hội huy động vốn để mở rộng kinh doanh trong nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, quy mô và nền tảng quản trị là các thách thức chính của nhiều doanh nghiệp Việt trong quá trình huy động vốn”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến yếu tố ESG (Environmental - Social - Governance; tạm dịch: Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp). Theo lãnh đạo Tập đoàn Masan, trong những năm tới, yếu tố ESG sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong việc huy động vốn của mọi doanh nghiệp.

“Thường bị nhầm lẫn với khái niệm CSR (Corporate Social Responsibility - Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp), ESG thực tế là một hệ thống quản trị giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh cũng như đánh giá được toàn diện các tác động đối với môi trường, xã hội xung quanh. Chính vì vậy, nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng dành nhiều sự ưu ái cho các doanh nghiệp có nền tảng ESG vững chãi”, lãnh đạo Tập đoàn Masan cho hay.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Thiếu vắng nhiều tên tuổi lớn, Vietnam Motor Show 2024 kém hấp dẫn?

Thiếu vắng nhiều tên tuổi lớn, Vietnam Motor Show 2024 kém hấp dẫn?

(VNF) - Sau một năm tạm hoãn, Triển lãm Ô tô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2024 sẽ quay trở lại vào tháng 10 tới đây. Đáng chú ý, năm nay nhiều thương hiệu như Mercedes, Lexus, Audi, BMW, Mini, Hyundai hay VinFast không tham dự.

5 năm giá vàng tăng hơn 55 triệu, lộ trình hướng đến 100 triệu/lượng

5 năm giá vàng tăng hơn 55 triệu, lộ trình hướng đến 100 triệu/lượng

(VNF) - Chỉ chưa đầy 5 năm, giá vàng miếng SJC tăng hơn 55 triệu đồng/lượng, hiện vượt mốc 92 triệu đồng/lượng. Với nhu cầu cao còn nguồn cung khan hiếm, ngưỡng 100 triệu đồng của giá vàng miếng SJC được dự báo không còn xa, khi giá vàng thế giới vào nhịp tăng mới.

Tổng công ty Thép Việt Nam: Lợi nhuận âm, nợ gần 1.000 tỷ đồng

Tổng công ty Thép Việt Nam: Lợi nhuận âm, nợ gần 1.000 tỷ đồng

(VNF) - Báo cáo tình chính riêng của Tổng công ty Thép VN – CTCP (VNSTEEL) cho thấy doanh thu quý I/2024 giảm mạnh 77%, lợi nhuận âm hơn 11 tỷ đồng, cùng với đó BHXH nhắc tên vì chậm đóng BHXH hơn 1,1 tỷ đồng.

Điện lực miền Trung cõng khối nợ lớn hơn 22.000 tỷ đồng

Điện lực miền Trung cõng khối nợ lớn hơn 22.000 tỷ đồng

(VNF) - Tổng công ty Điện lực miền Trung vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 với nguồn doanh thu khủng đạt 48.125 tỷ đồng. Trong khi đó, số nợ phải trả cũng tăng lên trên 22.000 tỷ đồng.

Công ty châu Âu tại Trung Quốc ‘than thở’ khó kiếm tiền

Công ty châu Âu tại Trung Quốc ‘than thở’ khó kiếm tiền

(VNF) - Các công ty châu Âu ở Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn trong việc kiếm tiền ở nước này khi tăng trưởng chậm lại và áp lực dư thừa công suất gia tăng, theo một cuộc khảo sát được Phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc công bố ngày 10/5.

Bia Sài Gòn Hà Nội chậm đóng bảo hiểm xã hội 1,3 tỷ đồng

Bia Sài Gòn Hà Nội chậm đóng bảo hiểm xã hội 1,3 tỷ đồng

(VNF) - Bia Sài Gòn – Hà Nội (BSH) doanh thu quý I/2024 tăng nhẹ 10,52%, lợi nhuận giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, BSH chậm đóng BHXH 2 tháng với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

BĐS nghỉ dưỡng 'ngủ đông kéo dài': Condotel, shophouse... hiếm khách hỏi mua

BĐS nghỉ dưỡng 'ngủ đông kéo dài': Condotel, shophouse... hiếm khách hỏi mua

(VNF) - Các phân khúc condotel, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong tháng 4, khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái ảm đạm kéo dài.

Chia sẻ tri thức, nâng cao hiểu biết về sinh kế bền vững ở ĐBSCL

Chia sẻ tri thức, nâng cao hiểu biết về sinh kế bền vững ở ĐBSCL

(VNF) - Ngày 10/5, tại Hà Nội, Hội thảo Tham vấn cấp trung ương về phát triển các sản phẩm tri thức thuộc khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (GEF-ICRSL) đã được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để góp phần hoàn chỉnh cho các sản phẩm tri thức trong phạm vi dự án.

Mỹ sắp giáng đòn mới lên Trung Quốc, nhắm vào loạt mặt hàng chiến lược

Mỹ sắp giáng đòn mới lên Trung Quốc, nhắm vào loạt mặt hàng chiến lược

(VNF) - Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến bổ sung các lĩnh vực như xe điện, pin và pin mặt trời vào danh sách áp thuế được thiết lập dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, theo The Guardia.

Quỹ ngoại ‘xuống tiền’ nghìn tỷ, thời điểm gom vào cổ phiếu giá tốt?

Quỹ ngoại ‘xuống tiền’ nghìn tỷ, thời điểm gom vào cổ phiếu giá tốt?

(VNF) - Nhóm quỹ Dragon Capital trong nửa tháng vừa qua đã chi khoảng hơn 1.200 tỷ đồng để gom một số cổ phiếu trên sàn chứng khoán.