Công ty châu Âu tại Trung Quốc ‘than thở’ khó kiếm tiền
(VNF) - Các công ty châu Âu ở Trung Quốc đang gặp khó khăn hơn trong việc kiếm tiền ở nước này khi tăng trưởng chậm lại và áp lực dư thừa công suất gia tăng, theo một cuộc khảo sát được Phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc công bố ngày 10/5.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản đã kéo nền kinh tế đi xuống.
Chỉ 30% số người tham gia khảo sát của Phòng Thương mại EU cho biết tỷ suất lợi nhuận của họ ở Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu của công ty họ, ghi nhận mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây.
Cuộc khảo sát ghi nhận câu trả lời của 529 người và được thực hiện từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2.
Bảng câu hỏi năm nay bao gồm một câu hỏi mới về việc liệu các thành viên có gặp khó khăn trong việc chuyển cổ tức về trụ sở chính hay không. Trong khi hơn 70% cho biết không có vấn đề gì, 4% cho biết họ không thể thực hiện được và khoảng 1/4 cho biết họ gặp một số khó khăn hoặc chậm trễ.
Hiện chưa rõ liệu điều này là do quan điểm quản lý mới hay do yêu cầu kiểm tra thuế thông thường. Điều đáng bận tâm hiện nay là các công ty đang bắt đầu nhận ra một số áp lực có lẽ đang mang tính chất lâu dài hơn là ngắn hạn.
“Ở một mức độ nào đó, các thành viên của chúng tôi nhận thấy rằng mối tương quan giữa khả năng phát triển và kiếm lợi nhuận của họ ở thị trường Trung Quốc với con số GDP đang trở nên yếu hơn”, ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho hay.
Theo ông Eskelund, điều quan trọng đối với các công ty nước ngoài không nhất thiết phải là con số GDP 5,3% hay con số nào khác mà là thành phần của GDP.
“Nếu con số GDP đang tăng lên do có nhiều đầu tư hơn vào năng lực sản xuất, điều đó không tốt cho các công ty nước ngoài. Nhưng nếu GDP đang tăng lên do nhu cầu trong nước ngày càng tăng thì đó là một điều tốt”, ông Eskelund nhấn mạnh thêm.
Dư thừa công suất
Sự chú trọng của Trung Quốc vào sản xuất, cùng với nhu cầu nội địa khiêm tốn, đã dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn cầu rằng sản xuất quá mức sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận.
Hơn 1/3 số người tham gia khảo sát của Phòng Thương mại tại EU cho biết họ nhận thấy tình trạng dư thừa công suất trong ngành của mình vào năm ngoái. Các ngành công nghiệp kỹ thuật dân dụng, xây dựng và ô tô có tỷ lệ người được hỏi báo cáo tình trạng dư thừa công suất cao nhất.
Hơn 70% số người được hỏi cho biết tình trạng dư thừa công suất trong ngành của họ đã khiến giá giảm.
Ông Eskelund cho biết đây không chỉ là lời than vãn của các công ty châu Âu. “Điều này cũng tương tự, thậm chí còn đau đớn hơn đối với các công ty Trung Quốc”, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho hay.
Mở cửa thị trường một số ngành
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Eskelund lưu ý rằng chính sách miễn thị thực gần đây của Bắc Kinh đối với một số nước EU đã cho phép các nhà điều hành linh hoạt lên kế hoạch cho các chuyến đi Trung Quốc trước một tuần, thay vì hai đến ba tháng trước đó.
Ông nói thêm rằng việc Bắc Kinh mở rộng chính sách miễn thuế cũng đã khuyến khích nhiều nhân viên quốc tế và gia đình họ ở lại Trung Quốc.
Theo ông Eskelund, các công ty mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống đã được hưởng lợi từ những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm mở cửa thị trường, đồng thời lưu ý rằng mức cao kỷ lục 39% số người được hỏi cho biết thị trường địa phương đã mở cửa hoàn toàn trong ngành của họ.
Trung Quốc đã hạn chế mức độ mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu hoặc hoạt động trong một số ngành nhất định. Năm ngoái, Trung Quốc đã đề xuất nới lỏng một số quy định liên quan đến việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, điều này đã giảm bớt các lo ngại cho các công ty trong và ngoài nước về thắt chặt luật dữ liệu của Trung Quốc.
Mỹ quyết 'triệt hạ' Huawei, Trung Quốc cáo buộc 'vi phạm cam kết'
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.