Doanh nghiệp Việt lựa thời cơ từ chiến tranh thương mại

Hải Minh - 28/09/2018 19:33 (GMT+7)

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với những diễn biến leo thang gần đây được đánh giá sẽ tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, ứng xử thế nào để hưởng lợi và giảm ảnh hưởng tiêu cực là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm.

VNF
Sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam được hưởng lợi từ diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fullbright cho biết, theo tuyên bố của chính quyền Mỹ, kể từ ngày 24/9, 200 tỷ USD hàng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thuế 10%, bao gồm trên 5.800 dòng sản phẩm với các mặt hàng tiêu dùng như đồ nội thất, vali - túi xách, thủy sản và nông sản.

Trong đó, so với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD, mà lớn nhất là đồ gỗ nội thất (4,8 tỷ USD) và nông thủy sản (2,5 tỷ USD). Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nội địa sẽ chịu tác động 2 chiều.

“Trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đồ nội thất, thủy sản, vali - túi xách sang Mỹ sẽ hưởng lợi; trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng nội thất, thực phẩm, hóa chất, nhựa, cao su cho thị trường nội địa phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ hàng Trung Quốc nhập khẩu”, ông Thành cho biết.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Kangaroo, doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị gia dụng dự báo, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Công ty sẽ tăng 10% trong nửa cuối năm nay.

Nguyên nhân là thuế quan mới của Mỹ giúp sản phẩm của Kangaroo trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa Trung Quốc. Hiện tại, Công ty đã nhận thêm được đơn hàng từ các khách hàng Mỹ vốn trước đây nhập hàng từ Trung Quốc.

Tương tự, sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ như Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Minh Phú, Thủy sản Sao Ta… đang nỗ lực để tận dụng cơ hội.

Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay, từ tháng 7 trở lại đây, Tập đoàn đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng Mỹ, khi họ tìm nguồn hàng thay thế cho nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dự báo, việc mặt hàng tôm từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế 10% và tăng lên 25% trong đợt 2 sẽ khiến đơn hàng mua tôm của Mỹ dồn dập đến với doanh nghiệp Việt.

Trong bối cảnh này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta kỳ vọng sẽ đón đầu cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm tươi bao bột vào Mỹ và nhiều khả năng đơn hàng sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới khi mặt hàng này của Trung Quốc bị đánh thuế 10%.

Bên cạnh đó, dệt may cũng là một trong những lĩnh vực đón nhận tác động tích cực. Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Sợi Thế Kỷ cho biết, Công ty đang làm việc với các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu sợi vào Mỹ để xuất khẩu vào thị trường này.

Hàng năm, Mỹ nhập khoảng 25.000 đến 28.000 tấn sợi polyester filament từ Trung Quốc. Một khi sản phẩm này của Trung Quốc bị áp thuế cao, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm kiếm thị trường nhập khẩu thay thế, đây là cơ hội cho doanh nghiệp sợi Việt Nam, nhất là khi giá bán sợi vào Mỹ được đánh giá là khá tốt.

Đối với mặt hàng nông sản, Công ty TNHH IDD Việt Nam cho biết sẽ không chịu nhiều tác động của cuộc chiến tranh thương mại dù đang có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Cụ thể, theo bà Hoàng Minh Tâm, phụ trách Phòng Xuất nhập khẩu của IDD Việt Nam, Công ty đã có chi nhánh tại Trung Quốc, sản phẩm cà phê của IDD chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa nước này nên không bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và từ đó bán sang Mỹ sẽ bị tác động lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều hàng tiêu dùng của Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ tìm tới các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc với “chất lượng Mỹ” tràn vào sẽ khiến sản phẩm nội địa gặp sức ép lớn.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đỉnh điểm của ảnh hưởng tiêu cực là vào năm 2021 - 2023, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh và giảm dần tác động.

Tuy nhiên, nhiều khả năng doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc chuyển hướng của các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác