Việt Nam có thể tránh được tổn thất khi chiến tranh thương mại leo thang?
Hoàng Lan -
07/09/2018 09:53 (GMT+7)
(VNF) - The New York Times cho rằng Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu các doanh nghiệp Việt không để các công ty Trung Quốc xâm nhập nhằm “lách thuế” để đưa hàng hóa đến Mỹ.
Theo truyền thông Mỹ, sau ngày 7/9, chính phủ của Tổng thống Trump sẽ “giáng đòn sấm sét” lên Trung Quốc bằng cách áp mức thuế mới lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sẽ có 6.031 sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc trong danh sách mục tiêu. Lúc đó, cuộc chiến thương mại không còn là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn nữa.
The New York Times đã có bài nhận định về những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến leo thang. VietnamFinance trân trọng giới thiệu tới độc giả.
Việt Nam có thể tránh được tổn thất khi chiến tranh thương mại leo thang?
Khi những con voi đấu nhau, những con kiến sẽ bỏ mạng, câu tục ngữ của người Khmer diễn tả chính xác tính chất của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai cường quốc thế giới đang tham chiến trong cuộc chiến thuế quan, và phần còn lại của Thế giới – đặc biệt là châu Á dường như có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vào tháng thứ ba kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Mỹ tiếp tục áp thuế lên khoảng 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, tăng gấp 4 lần so với con số 50 tỷ USD ban đầu.
Có một sự thật hiển nhiên rằng: Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, không có bất cứ thứ gì tồn tại độc lập. Chiến tranh thương mại, trong đó chủ yếu tập trung vào thuế quan sẽ khiến các quốc gia khác bị thiệt hại.
Trong nỗ lực trừng phạt Trung Quốc vì thực hành thương mại không công bằng và giảm thâm hụt thương mại 375 tỷ USD, chính quyền Tổng thống Trump đã gây ra tổn hại cho một số đồng minh của Mỹ ở châu Á – biến họ, trở thành những con kiến dưới bàn chân khổng lồ của con voi, loay hoay tìm đường thoát thân.
Hãy xem xét tình trạng khó khăn của Việt Nam. Trung Quốc và Mỹ, mỗi nước đều có lịch sử chiến tranh với Việt Nam. Hiện tại, hai quốc gia này là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Mỹ và Trung Quốc đang chiếm khoảng 35% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017.
Chiến tranh thương mại nổ ra dẫn đến việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá nhanh chóng, kéo theo đồng tiền Việt Nam bị trượt giá nhẹ và thị trường chứng khoán chao đảo.
Tin đồn lan truyền về một dòng chảy hàng tiêu dùng Trung Quốc giá rẻ và mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ Mỹ lan rộng ảnh hưởng không nhỏ đến những ngành hàng xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam.
Có một mối liên hệ mật thiết đáng lưu ý: Gần 5 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng giá trị gia tăng của Trung Quốc.
Do tính chất nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại, nhiều công ty nước ngoài có cổ phần tại Trung Quốc đã bắt đầu chuyển dịch nhà máy đặt tại Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.
Dấu hiệu cho xu hướng này là vào tháng 7 vừa qua, có một nhóm du khách xuất hiện trên bờ biển phía Bắc Việt Nam gần vịnh Hạ Long. Những người đàn ông mặc sơ mi trắng, cà vạt đen không phải là khách du lịch. Họ đại diện cho 72 doanh nghiệp Nhật Bản, thuộc các ngành công nghiệp khác nhau từ dệt may đến điện tử, đến Việt Nam để tìm kiếm nơi trú ẩn kinh tế.
Các doanh nhân Nhật Bản có thể sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thương mại này. Sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng không phải là một hiện tượng mới. Trong vài năm trở lại đây, khi mức lương cho công nhân các nhà máy ở Trung Quốc tăng mạnh, nhiều công ty nước ngoài và cả công ty Trung Quốc đã bắt đầu dịch chuyển một số hoạt động của doanh nghiệp đến Đông Nam Á để giảm thiểu chi phí sản xuất.
Giá nhân công tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 Trung Quốc. Hiện, sản lượng của Adidas tại Việt Nam nhiều gấp đôi so với sản lượng tại Trung Quốc. Intel và Samsung Electronics đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách hiện tại của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Đối với nhiều công ty, xung đột thương mại là một chất xúc tác để khám phá những thay đổi bất ngờ”, Jon Cowley, một đối tác thuế và thương mại tại Công ty Luật Baker McKenzie ở Hồng Koong nói. “Đối với những công ty khác, đây chính là gia tốc cho một quá trình mà họ đã bắt đầu. Xung đột thương mại góp phần đẩy họ qua vạch đích.”
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ đang trong giai đoạn đầu. Rất nhiều tập đoàn mới bắt đầu có những bước dịch chuyển về hình thái doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự cạnh tranh là để đảm bảo năng lực sản xuất dư thừa trên toàn khu vực - ở Thái Lan, Indonesia và các quốc gia khác.
Cuối tháng 7, Delta Electronics, nhà sản xuất linh kiện điện tử của Apple đã chi 2,14 tỷ USD để mua lại một nhà máy tại Thái Lan nhằm đối phó với sự gia tăng rủi ro thương mại.
Cũng trong mùa hè này, Techtronic Industries của Hồng Kông (TTI), nhà sản xuất máy hút bụi Hoover và các thiết bị điện Milwaukee, đã mở một nhà máy mới ở Việt Nam và mở thêm nhà máy thứ sáu tại Hoa Kỳ.
Khoảng 76% doanh thu của TTI đến từ Bắc Mỹ. “Chúng tôi không bao giờ đặt tất cả những quả trứng chúng tôi có trong một giỏ”, Giám đốc điều hành Công ty, ông Joseph Galli cho biết, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “một chuỗi cung ứng linh hoạt.”
Chuỗi cung ứng linh hoạt, nghe có vẻ vô hại, nhưng chúng lại là một vấn đề lớn phát sinh khi chiến tranh thương mại nổ ra. Những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế trả đũa chủ yếu là hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt như thịt lợn, đậu nành, rượu whisky.
Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chủ yếu là trong ngành công nghệ cao, những sản phẩm phức tạp được lắp ráp và sản xuất tại Trung Quốc mà thành phần và nguyên liệu tạo ra chúng lại được nhập khẩu từ nước ngoài.
Một ví dụ điển hình là một chiếc máy tính xách tay “Made in China” xuất sang Mỹ có màn hình Hàn Quốc, ổ cứng Nhật Bản và bộ nhớ từ Đài Loan. Những nền kinh tế phát triển theo hướng toàn cầu hóa của châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan dễ dàng bị ảnh hưởng trong làn sóng bảo hộ này.
Đài Loan là quốc gia có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê của Trung tâm Stimson ở Washington, Đài Loan chiếm 18% tổng sản lượng nhập khẩu hàng hóa trung gian của Trung Quốc, tương đương 14% GDP của quốc gia.
Tsai Ming-fang, nhà kinh tế học thuộc Đại học Tamkang Đài Bắc chia sẻ với Bloomberg: “Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang mang lại cho các công ty Đài Loan những ưu đãi để chuyển sang Đông Nam Á.”
Cuộc chiến thương mại cho thấy rằng châu Á là khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, năm 2017, châu Á có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới về tỷ trọng xuất nhập khẩu, lần lượt ở mức 9,6% và 6,7%.
Mười tám tháng trước, các nhà lãnh đạo Việt Nam và 10 quốc gia Thái Bình Dương thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế bằng cách thiết lập quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản mà không có sự tham gia của Trung Quốc, tạo cơ hội để đẩy lùi cũng như chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc như trộm cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty kinh doanh ở Trung Quốc chia sẻ công nghệ của họ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã phủ quyết sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định TPP. Với ảnh hưởng giảm sút trong khu vực, Mỹ tiến hành và tham gia cuộc chiến thương mại độc lập, khiến cho nhiều đối tác châu Á và thậm chí là nhiều công ty Mỹ bị kẹt ở giữa và phải tự tìm lối thoát an toàn nhất cho mình.
Để bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh cắt giảm thuế quan đối với các nước châu Á, như một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc sẽ vẫn là siêu cường duy nhất tại châu Á sau khi cuộc chiến kết thúc.
Mặc dù vậy, hành động này có thể không ngăn cản được dòng chảy thoát Trung Quốc và tiến đến Đông Nam Á của các nhà sản xuất. Steve Madden, thương hiệu giày và phụ kiện của Mỹ đang chuyển dây chuyền sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia 15% trong năm nay, tỉ lệ này là 30% vào năm 2019.
Một nghiên cứu của Hiệp hội công nghiệp thời trang Mỹ công bố tháng 7 cho thấy, 2/3 các công ty dệt may dự kiến sẽ giảm sản lượng ở Trung Quốc trong hai năm tới, và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ là thách thức hàng đầu.
Không ai có thể dự đoán được tất cả thiệt hại trong cuộc chiến thương mại. Chính phủ Việt Nam vô cùng thận trọng trong vấn đề này, điều này thể hiện qua việc dự báo mức tăng trưởng không đáng kể trong 5 năm tới.
Trong khi đó, các quốc gia khác lại đưa ra dự báo lạc quan hơn vào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Vào tháng 7, Standard Chartered đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay, dựa theo dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, khi Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ có 6.031 sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc trong danh sách mục tiêu. Khi đó, cuộc chiến thương mại không còn là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn nữa.
Khi trận chiến leo thang, một mối lo ngại mới xuất hiện rằng các công ty Trung Quốc có thể sẽ dịch chuyển một phần hoạt động về phía Nam, áp dụng chiến thuật “lách thuế” để đưa hàng hóa đến Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam nên cảnh giác để chống lại sự xâm nhập từ các công ty Trung Quốc.
Nếu làm được việc đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.