Bất động sản

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông 'kêu cứu' Thủ tướng

(VNF) - Trong quá trình triển khai thi công, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn về biến động giá vật liệu, đơn giá, định mức, quy hoạch mỏ vật liệu, bãi đổ thải chưa phù hợp… Việc này ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án, cũng như gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông 'kêu cứu' Thủ tướng

Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông gặp khó vì biến động giá vật liệu.

Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo khó khăn, vướng mắc trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông hiện nay.

Theo VARSI, hiện nay, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được đồng loạt triển khai thi công, cùng với đó nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn về biến động giá vật liệu, đơn giá, định mức, quy hoạch mỏ vật liệu, bãi đổ thải chưa phù hợp… Việc này ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án, cũng như gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Cụ thể theo VARSI, vướng mắc đầu tiên mà doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông gặp phải chính là biến động giá vật liệu. Trong thời gian qua, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng khi các dự án đường cao tốc đồng loạt triển khai.

Ví dụ, giá thép nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng 20% - 60% (cao điểm là tăng 60%, hiện nay đang ở mức khoảng 20%); giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg (thời điểm quý IV/2020) đến nay là 1.980 đồng/kg; giá nhựa đường là 11.287 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020 đến nay là 17.800 đồng, giá dầu DO tại thời điểm cuối năm 2020 là 12.420 đồng/lít đến nay là 30.200 đồng/lít. Các nguyên, vật liệu chính tăng cao, dẫn đến giá gói thầu tăng trung bình từ 18-30%.

Tại các gói thầu thuộc các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, mặc dù hợp đồng giữa nhà thầu với Bộ Giao thông Vận tải quy định việc điều chỉnh giá, tuy nhiên việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công, thậm chí nhiều nhà thầu thua lỗ nhưng vẫn phải làm do tuân thủ hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đang triển khai các dự án lớn, chủ đầu tư và nhà thầu thi công ký hợp đồng theo đơn giá cố định, theo quy định thì không được điều chỉnh giá, như vậy sẽ gây ra tình trạng nếu nhà thầu tiếp tục thi công thì lỗ nặng, còn không thì thi công cầm chừng làm chậm tiến độ, ảnh hưởng tới việc đưa công trình vào khai thác sử dụng, giảm hiệu quả đầu tư dự án…

"Vướng mắc này, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cho các Bộ ngành giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Các Doanh nghiệp kỳ vọng thông qua các dự án trọng điểm sẽ nâng tầm phát triển của các doanh nghiệp trong nước, nhưng với bối cảnh này các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn", văn bản của VARSI nêu rõ.

Vướng mắc thứ hai theo VARSI là về công tác lập định mức. Nhiều hạng mục, công việc chưa được xây dựng định mức hoặc đã được xây dựng trước đó, nhưng đến nay Thông tư số 12 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức xây dựng không cho phép vận dụng.

VARSI dẫn chứng các bộ định mức về lắp đặt neo SN, IBO trong hầm, công tác đắp nền đường bằng đá hỗn hợp, công tác sản xuất đá dăm từ đá tận dụng công tác đào hầm, công tác đào hầm ngang trong đất... đã được Bộ Xây dựng chấp thuận áp dụng tại dự án hầm Đèo Cả, hầm cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhưng không được ban hành chính thức.

Bên cạnh đó, hệ thống định mức thiếu cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức công tác bảo dưỡng bảo trì đà giáo, thiết bị, dẫn đến khi thi công, nhà thầu, tự bỏ các chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

Trên cơ sở định mức quản lý dự án được Bộ Xây dựng ban hành, chi phí quản lý dự án thấp, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, kéo dài hoặc liên quan đến nhiều địa phương. Hiện nay, chi phí quản lý dự án thường phải huy động nguồn vốn gấp 2 đến 4 lần so với định mức.

Tương tự, đối với công tác tư vấn giám sát, chi phí tư vấn giám sát được xác định theo định mức được Bộ Xây dựng ban hành là rất thấp. Thực tế để có thể lập Hồ sơ mời thầu thực hiện giám sát (theo vị trí, man-month) thì chi phí tư vấn giám sát tăng gấp 2-3 lần so với chi phí được xác định theo định mức.

Vướng mắc thứ ba mà VARSI nêu ra là về đơn giá nhân công, ca máy. Đơn giá nhân công, ca máy được công bố chậm, thiếu cập nhật theo đơn giá của thị trường. Không ban hành, không tính chi phí nhân công làm ca 3.

Ví dụ, đối với công tác thi công cọc khoan nhồi, giá ca máy do Nhà nước ban hành là 13.089.905 đồng/ca thực tế báo giá của các đơn vị cho thuê thiết bị đã là 33.000.000 đồng/ca. Nhân công theo công bố của Nhà nước chỉ 225.000 đồng/ngày cho bậc 3,5 thì nhà thầu phải trả 500.000 - 650.000 đồng/ngày. Đối với ca 3, nhà thầu phải trả chi phí bằng 1,3 lần tiền công ca ngày.

VARSI đề nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù được điều chỉnh giá đối với một số vật tư.

Vướng mắc thứ tư là về công tác quản lý hợp đồng xây dựng. Theo VARSI, đối với các dự án đầu tư công, chủ đầu tư quy định tỷ lệ tạm giữ trong hợp đồng cao hơn quy định hiện hành trong Thông tư 09 về hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình.

Ví dụ tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, nhà thầu bị tạm giữ 5% chờ bảo hành và 2% chờ quyết toán, trong khi Thông tư 09 quy định chỉ giữ tối thiểu 3% chờ bảo hành cho công trình cấp đặc biệt, cấp 1.

Đặc biệt, Thông tư 09 quy định về việc thưởng, phạt hợp đồng. Các chủ đầu tư chỉ quy định về các mức phạt khi chậm hợp đồng, chậm hồ sơ quyết toán mà bỏ các quy định về thưởng hợp đồng trong trường hợp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình sớm. Mặt khác, nhà thầu hoàn thành sớm thì các chi phí về thời gian khấu hao cũng bị cắt, không được thanh toán.

VARSI đánh giá vướng mắc này dù lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cho các Bộ ngành giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể làm cho các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn.

Thứ năm là về công tác thiết kế, quy hoạch bãi thải, mỏ vật liệu và các công trình phụ trợ như trạm nghiền, trạm trộn, kho vật liệu nổ công nghiệp. VARSI cho biết trong các bước thiết kế, việc xác định bãi thải, mỏ vật liệu chưa có quy định phù hợp, dẫn tới tình trạng khi thi công, không có bãi thải, phải phát sinh thủ tục làm bãi thải mới, khan hiểm nguồn vật liệu, giá cả vật liệu tăng cao.

Các mặt bằng để thi công như trạm trộn, bãi trữ vật liệu, bãi đúc dầm và kho vật liệu nổ công nghiệp (đối với công trình hầm) không được quan tâm, tư vấn chỉ sơ họa, tính thiếu. Trong quá trình thi công phát sinh giải phóng mặt bằng, phát sinh chi phí, gây chậm tiến độ, thiệt hại cho nhà thầu.

Cuối cùng là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, mặc dù đã được địa phương, các chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ, nhưng theo VARSI vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; quy trình GPMB phức tạp, phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định đối với từng phương án cụ thể... gây khó khăn trong thực hiện, dẫn đến người dân không đồng thuận, khiếu kiện, làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án, thiệt hại về chi phí huy động, chi phí nhân công, máy móc và còn ảnh hưởng đến chất lượng.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, VARSI trình Thủ tướng xem xét, chỉ đạo, UBND các tỉnh, trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.

Bên cạnh đó, cho phép chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành để xây dựng chỉ số giá riêng cho các dự án đặc thù như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2. Riêng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, trong thời điểm này VARSI đề nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc thù được điều chỉnh giá đối với một số vật tư chính để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu.

VARSI cũng đề xuất UBND cấp tỉnh cần chủ động quy hoạch các mỏ dành riêng cho dự án và giao các chủ đầu tư (các Ban quản lý dự án) thực hiện thủ tục mở mỏ, chi phí mở mỏ thuộc chi phí của chủ đầu tư và giao cho nhà đầu tư/nhà thầu vào thực hiện khai thác, đảm bảo không bị nâng giá đất, tính đúng và đủ chi phí vào dự toán gói thầu.

VARSI cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu, cập nhật công nghệ mới, các hệ số an toàn, công tác bảo dưỡng thiết bị vào các định mức; cập nhật lại đơn giá ca máy, nhân công phù hợp với chi phí các Nhà thầu đang phải trả. Đồng thời xem xét xây dựng điều chỉnh định mức quản lý dự án, tư vấn giám sát cho phù hợp với thực tế.

Bộ Xây dựng ban hành nguyên tắc tính toán giá vật liệu tới chân công trình phải căn cứ vào khả năng cung cấp thực tế, trữ lượng còn lại của mỏ, chất lượng, tiến độ thi công công trình.

Trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, VARSI đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chấm dứt việc quy định tỷ lệ tạm giữ trong hợp đồng cao hơn so với Thông tư 09; bổ sung các quy định về thưởng trong hợp đồng.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), VARSI đề xuất UBND cấp tỉnh triển khai công tác GPMB sớm hơn, từ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi hướng tuyến đã cơ bản được xác định để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng khi lựa chọn xong nhà đầu tư/nhà thầu. Đồng thời phải có quy định về việc lập, phê duyệt tiến độ công tác GPMB chi tiết, gắn trách nhiệm cho cá nhân, tập thể liên quan.

Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp, kiểm soát tiến độ của công tác GPMB, gắn liền trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác này bằng các biện pháp thưởng/phạt trong hợp đồng.

Tin mới lên