Doanh nhân Hoàng Thiềng: Thăng trầm cùng Hòn Dấu

Nguyễn Kim - 03/11/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Nhắc đến ông Hoàng Văn Thiềng, người dân đất cảng đều biết đến ông là doanh nhân tiên phong trong việc lấn biển tại Hải Phòng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền sự phát triển của khu du lịch Hòn Dấu.

Từ người lính thành doanh nhân

Trước khi trở về Hải Phòng, ông Hoàng Thiềng đã có một sự nghiệp đáng nể, nhiều người ước muốn. Cuối năm 1972, ông đã khám tuyển để nhập ngũ vào Đoàn 125 Hải quân, tham gia vào Đoàn tàu không số. Binh nghiệp gian lao những cũng cho ông những kỷ niệm đẹp đẽ, nhất là tại Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, mỗi lần cập bến tàu K15 là mỗi lần “nhung nhớ”.

Sau khi ra quân, ông Hoàng Thiềng chuyển sang làm việc cho hãng tàu VOSCO và sau đó là SHIDOREC. Sau này, ông tham gia thi công đường dây 500KV từ Sài Gòn đến Rạch Giá - Cà Mau.

Ông Hoàng Văn Thiềng (bên phải).

Đến năm 1990, ông trở thành giám đốc chi nhánh của một doanh nghiệp nhà nước (chi nhánh Công ty Xây lắp Thương mại Hải Phòng) và sau đó là giám đốc chi nhánh của một doanh nghiệp tư nhân về thi công điện. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp và thi công điện.

Hành trình xây dựng Resort Hòn Dấu

Năm 2003, trong một chương trình gặp gỡ của lãnh đạo TP. Hải Phòng với Hội đồng hương Hải Phòng tại TP. HCM, ông Hoàng Thiềng đã hứa trở về đầu tư và phát triển tại Hải Phòng.

Ngay sau đó, ông đã thuê công ty thiết kế, nghiên cứu và đưa ra ý tưởng, khảo sát, đo đạc để vẽ nên những phác thảo đầu tiên của dự án. Ông đã lựa chọn vị trí ngay cạnh bến tàu K15 để nghiên cứu dự án của mình. Tháng 3/2005, dự án đã hoàn thiện pháp lý, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Khi nghe ông chuẩn bị bán tài sản ra Bắc xây dựng khu du lịch Hòn Dấu, vợ ông không đồng ý. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra và kết cục là bi kịch gia đình, vợ chồng ông “đường ai nấy đi”. Dẫu vậy, niềm đam mê và quyết tâm đầu tư dự án Hòn Dấu của ông Hoàng Thiềng vẫn không thay đổi.

Resort Hòn Dấu (ảnh: Nguyễn Kim)

Những ngày đầu thực hiện ý định của mình, ông Hoàng Thiềng đã nhờ người bạn quản lý và thực hiện dự án ngoài Bắc. Về phía mình, ông vẫn tập trung hoạt động kinh doanh ở trong Nam để đảm bảo dòng tiền gửi tiền về thực hiện dự án. Tuy nhiên, một lần, ông đã phát hiện sự gian dối trong hoạt động tài chính. Cụ thể, quy mô dự án thực tế chỉ 15ha nhưng người quản lý lại khai khống diện tích, khiến số tiền đầu tư san lấp tăng vọt. Điều này làm bùng lên tranh chấp nội bộ giữa những cổ đông trên giấy tờ của công ty và ông Hoàng Thiềng. Để giải quyết sự việc, ông Hoàng Thiềng quyết định bán hết tài sản tại miền Nam và “Bắc tiến”. Sau nhiều cuộc họp, cuối cùng ông cũng đã thống nhất được ý chí và bắt đầu toàn lực thực hiện dự án.

Tuy vậy, khi vừa thống nhất được ý kiến từ HĐQT thực hiện dự án, ông lại vướng phải các đơn kiện về việc công ty bán đất sai. Sau đó, doanh nghiệp phải thực hiện cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an trong 3 năm liên tiếp từ 2007 đến 2009.

Ông Hoàng Thiềng chia sẻ: “Nhiều lúc, tôi cũng nản vì nhiều khó khăn ập tới, từ chuyện gia đình đến chuyện công ty”. Có những thời khắc, ông cho biết đã phải chịu nhiều áp lực đến mức bản thân nảy sinh ý nghĩ buông bỏ, mặc cho mọi việc, mọi tâm huyết dở dang. Nhưng cuối cùng, việc đó đã không xảy ra. Ông vẫn kiên trì, đứng vững, một mình chèo lái công ty, điều hành một dự án mà không ít lần đã được ông tự ví von như “đứa con ruột” của mình bước tiếp.

Nhớ lại những ngày mới ra Bắc, ông Hoàng Thiềng nói có nhiều lần ông đã ngủ lại công trường dự án để trực tiếp chỉ huy công nhân, xe cộ. Có lần, một mình ông lủi thủi cả đêm, bị ốm, sốt mà không biết, mãi đến sáng hôm sau công nhân mới đến để mua thuốc.

Khi thực hiện dự án, có những lúc ông đã rất “hoang mang” vì có những ngày, có tận 30 – 40 xe đá được đổ xuống biển, nhưng cứ đổ mãi, tận 3 tháng ròng vẫn chưa thấy mặt bằng đâu. Rồi lại cũng có những ngày, vừa loáng thoáng thấy đất đá lô nhô mặt nước được một chút, thì hôm sau bão về lại mang đi sạch, công sức như “dã tràng xe cát biển Đông/Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì” vậy.

Không ít lần ông Thiềng được nghe câu: “Ông này điên rồi, tự nhiên đi lấp biển thì bao nhiêu cho vừa”. Nhiều người lại bảo ông dám cả gan phá thế lưng Rồng của Đồ Sơn. Nhưng ông Thiềng lại có niềm tin rất mãnh liệt dự án này sẽ là điểm nhấn bừng sáng Đồ Sơn. Ông làm khu Đà Lạt thu nhỏ, ông làm phòng nghỉ trên đồi thông, làm biển nhân tạo lớn nhất miền Bắc, kế tiếp là khu vui chơi. Bây giờ, mỗi lần nhắc đến Đồ Sơn mọi người đều nhớ đến Hòn Dấu và nơi đó dường như đi vào tiềm thức của mọi người.

Khát khao vẫn còn

Hơn 20 năm đã qua, Hòn Dấu đã trải 6 lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên, trong lần điều chỉnh quy hoạch mới nhất của thành phố, dự án vẫn chưa được cập nhật vào quy hoạch chung. 20 năm, pháp luật đã nhiều lần thay đổi, cơ chế chính sách cũng vì thế thay đổi, Hòn Dấu lại phải bắt đầu những công đoạn đầu tiên.

Ông Hoành Thiềng chia sẻ mặc dù còn không ít khó khăn nhưng ông sẽ cố gắng để hoàn thiện dự án này, vì đó là niềm kiêu hãnh và cũng là tuổi trẻ của ông.

Cuộc đời ông Hoàng Thiềng đã trải qua nhiều biến cố, nhưng cũng chứng minh cho sự kiên trì, lòng đam mê và tình yêu quê hương. Những đóng góp của ông cho Hải Phòng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử của địa phương.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.