'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Bây giờ, nhắc đến công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái (mã cổ phiếu: YBM), nhắc đến vị Tổng giám đốc của công ty - ông Nguyễn Tiến Dũng, không mấy ai ở Yên Bái là không biết đến. Với những nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, YBM và ông Nguyễn Tiến Dũng cũng khá nổi tiếng.
Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng
Ngày 21/8/2018, khi gần 130 triệu cổ phiếu YBM chính thức chào sàn HoSE với giá tham chiếu 14.500 đồng/cổ phiếu, người ta cũng chưa mấy để ý đến “tân binh” này. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phiên giao dịch, cổ phiếu YBM đã tăng giá gấp đôi. Người ta bắt đầu tìm hiểu căn nguyên, xem điều gì đã khiến cổ phiếu YBM tăng phi mã trong thời gian ngắn, từ đó, công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái và vị thuyền thưởng được biết đến nhiều hơn.
“Công ty đã và đang hoạt động theo cách riêng để phát triển thị trường nhờ sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất. Chúng tôi đã nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của thị trường trong nước và quốc tế như Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Australia, Trung Quốc, Nam Phi...”, ông Dũng hồ hởi.
Tìm hiểu báo cáo tài chính của Khoáng sản công nghiệp Yên Bái, năm 2018, Công ty đạt doanh thu trên 327,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số trên 220 tỷ đồng của năm 2017; lợi nhuận trước thuế trên 38,3 tỷ đồng, trong khi năm 2017 chỉ đạt trên 29,5 tỷ đồng.
Được thành lập từ tháng 10/2015, với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng, nhưng chỉ sau hơn 3 năm xây dựng, công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái đã có tốc độ phát triển rất nhanh chóng, thậm chí đã trở thành công ty hàng đầu Việt Nam trong sản xuất các sản phẩm bột đá cacbonnar-canxi (CaCO3) làm phụ gia cho các ngành công nghiệp nhựa, mỹ phẩm. Hiện 40% sản phẩm của Công ty được xuất khẩu ở 15 thị trường trên thế giới; quy mô 4 nhà máy, 15 máy nghiền, trong đó có 2 dây chuyền máy nghiền thủy lực và 3 dây chuyền máy tráng phủ, công suất đạt 50.000 tấn/ tháng…
Có được thành công đó, ông Dũng đã phải nỗ lực rất lớn, nhất là vào thời điểm công ty mới thành lập. Ông kể, khi ấy, ông đã có tới 3 lần khởi nghiệp và lần nào cũng thất bại, khiến nhiều người không còn tin tưởng. Vậy mà, bằng tài năng kinh doanh thiên bẩm, ông Dũng đã chèo lái con thuyền Khoáng sản công nghiệp Yên Bái đi đến thành công.
Ông Dũng, người con của vùng đất Phù Cừ (Hưng Yên) tự nhận mình có “máu kinh doanh” từ nhỏ. Nói đúng hơn, ông có giấc mơ làm giám đốc từ thuở thiếu thời. “Mong ước hồi nhỏ đó đã biến thành đam mê kinh doanh từ lúc nào không biết”, ông Dũng mỉm cười nói.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông công tác tại một doannh nghiệp rồi nhanh chóng được đề bạt làm giám đốc khu vực. Nhưng do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên chỉ một thời gian sau, ông thất bại, bỏ về quê, xin vào biên chế nhà nước.
6 năm sau, khi kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được đã khá đầy đặn, cũng là lúc “máu kinh doanh” trong ông trỗi dậy mãnh liệt. Năm 2009, giữa lúc kinh tế trong nước chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, “chân trong” nhà nước quý như vàng, thì ông lại nộp đơn xin rút khỏi biên chế. Lúc ấy, ai cũng nói ông dại. Nhiều người can ngăn, nhưng quyết là làm. Biết thông tin tuyển dụng của một công ty khai thác và chế biến bột talc (nguyên liệu quý để sản xuất phấn rôm, phụ gia ngành nhựa), ông nộp đơn và được tuyển dụng. Với kiến thức, năng lực tốt, ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà máy chế biến ở Hoà Bình, rồi Tổng giám đốc.
Dưới bàn tay chèo lái của ông, công ty làm ăn vô cùng phát đạt. Trong thời kỳ suy thoái 2009 - 2010, doanh số công ty vẫn đạt trên 70 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận ròng đạt 50 - 51%, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh Hoà Bình.
Trên đà thắng lợi, đầu năm 2011, nhận được thông tin từ Liên đoàn Địa chất Tây Bắc về việc phát hiện được mỏ talc ở Hòa Bình, Hội đồng Quản trị công ty lập tức ra nghị quyết làm dự án khai thác mỏ, đồng thời đầu tư hạ tầng và máy móc để tự khai thác, khép kín chu trình sản xuất - kinh doanh.
“Nhưng thuận lợi quá hóa chủ quan”, ông Dũng nhớ lại. Sau khi vay ngân hàng, huy động từ cổ đông hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào khai thác, nhưng hiệu quả lại không như mong đợi. Mỏ talc đầu tiên ở Hoà Bình trữ lượng thấp, chất lượng ngày càng đi xuống. Mỏ thứ hai thì không có talc.
Mọi kế hoạch bị phá sản. Bao nhiêu vốn liếng, lợi nhuận đổ ra sông, ra biển. Ông quày quả chèo chống, vừa cố gắng làm sao nâng lương giữ thợ, vừa tăng cường khai thác mỏ cũ để tăng thu nhập, tìm cách khoanh nợ, giãn nợ ngân hàng. Tưởng chừng sẽ không thể vượt qua, nhưng giữa lúc đó, nỗ lực và cơ duyên mới đã giúp Công ty thoát cảnh phá sản. Nhựa châu Âu, một doanh nghiệp lớn, đã quyết định đầu tư và trở thành cổ đông lớn của Công ty. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu quay trở lại. Công ty trả bớt nợ nần, thực hiện tái cơ cấu, đầu tư thêm máy móc để phát triển sản xuất. Khí thế bừng bừng.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sản phẩm sản xuất ra mà không dùng được. Một lần nữa, nợ lại đè lên đầu, cổ đông lại tìm cách thoái vốn.
Ngồi nhìn đống máy móc hiện đại, nhìn những nhân viên bao lâu gắn bó, ông xót lắm, tậm chí không thể tin mình có máy móc, con người, mà lại thất bại. Ông lại suy ngẫm, khảo sát, nghiên cứu để rồi nhận ra, ở Hòa Bình có nhiều núi đá vôi, mà nhu cầu xây dựng rất lớn. Thế là, lại xin cấp phép khai thác mỏ, huy động vốn, mua thêm máy móc…
“Nhưng không thể tin được, tôi lại thất bại”, ông Dũng lần đầu tiên chia sẻ như vậy trên chương trình Những câu chuyện thật của CEO - Chìa khóa thành công.
Sau khi khai thác lớp bề mặt mỏ, đi sâu vào lớp bên trong, ông mới phát hiện ra chất lượng không đảm bảo. “Lần thất bại thứ ba, nợ chồng nợ, niềm tin bị đổ vỡ, tôi rơi vào vòng xoáy tuyệt vọng. Lúc này muốn bán công ty, cũng chẳng ai mua. Mà bán thì cũng không bớt nợ được bao nhiêu, không chỉ nợ ngân hàng, mà còn cả trăm cán bộ, nhân viên cầm cố tài sản để góp vốn. Và tôi biết mình không thể buông bỏ”, ông Dũng thành thực.
Vì không thể buông bỏ, nên ông quyết định “lần mò” một lần nữa. Trong một lần ghé qua mỏ đá Lục Yên (Yên Bái), thấy người ta cắt xẻ đá trắng, ông chợt nhớ ra, Công ty Nhựa châu Âu phải nhập tới 13.000 tấn/tháng bột đá trắng để sản xuất các loại phụ gia cho sản xuất. Ông quyết định thử lấy một ít, đưa đi sản xuất bột đá, đưa sang Nhựa châu Âu kiểm thử thì thấy phù hợp. Ánh sáng lóe lên cuối đường hầm. Mỏ đá trắng Yên Bái rất tốt để sản xuất phụ gia cho các ngành công nghiệp.
Trong khi lúc này, Yên Bái đang kêu gọi đầu tư, nhiều chính sách ưu đãi rất thuận lợi. 7 năm không phải mất tiền thuê đất, 2 năm không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế là ông lao vào xây dựng dự án. Vốn là dân tài chính, phân tích rất kỹ mọi thông số, ông nhận ra, nếu đầu tư vào đó thì lãi là chắc chắn, nên kêu gọi cổ đông góp vốn 30 - 40 tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Nhưng vì ông đã quá nhiều lần thất bại, họ không còn niềm tin và cũng chẳng muốn bỏ thêm tiền. Thậm chí, lúc đó, nhiều người đã hỏi ông “nếu thất bại nữa thì ai trả tiền cho chúng tôi?”.
Sau nhiều đêm không ngủ, ông quyết định gặp từng cổ đông để thuyết phục, đặc biệt là thuyết phục Công ty Nhựa châu Âu bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong giai đoạn đầu và cam kết về giá mua sản phẩm. Được thuyết phục bằng sự quyết tâm của ông Dũng và những con số cụ thể, các cổ đông đồng ý góp vốn. Đó là lúc công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái ra đời.
“Trời không phụ lòng người, công ty đã ngày càng phát triển. Tôi có ước mơ làm giám đốc từ nhỏ. Ngay cả khi thất bại, tôi cũng không bao giờ nản chí, nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ ước mơ đó”, ông Dũng cười sảng khoái.
Công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái mới đi qua chặng đường hơn 3 năm phát triển, còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Nhưng trong tầm nhìn của ông Dũng, công ty sẽ luôn ở vị trí đứng đầu thị trường Việt Nam và top 2 thị trường thế giới về sản xuất bột đá trắng. Quy mô nhà máy và vốn đầu tư của công ty vẫn đang không ngừng mở rộng.
Tài năng kinh doanh, cộng thêm ý chí quyết tâm mạnh mẽ, luôn tiến về phía trước của vị thuyền trưởng Nguyễn Tiến Dũng sẽ điều kiện quan trọng để Khoáng sản công nghiệp Yên Bái tiếp tục thành công.
“Sứ mệnh của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất đá cacbonat-canxi đứng đầu thị trường Việt Nam và đứng thứ hai thế giới. Chúng tôi sẽ lấy tinh thần phục vụ khách hàng làm nền tảng cho mọi hoạt động”, ông Dũng nói và bảo rằng, đời ông đã “đóng dấu vuông” vào ngành khoáng sản, nên ông sẽ tiếp tục đeo đuổi nghiệp kinh doanh của mình.
“Doanh nhân thì không nên chờ đợi cơ hội, mà phải tạo ra cơ hội”, ông Dũng nói. Sau nhiều lần thất bại, ông đã thành công, nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới cho mình. Một người như thế, sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn nữa.
Chặng đường kinh doanh thăng trầm của ông Nguyễn Tiến Dũng sẽ có trong “Những câu chuyện thật” của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phát sóng lúc 9h45 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam sáng Chủ nhật (ngày 3/3) tuần này. Sau khi ra mắt format “Những câu chuyện thật”, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công ngày càng thu hút sự quan tâm, yêu thích của khán giả nhờ việc khai thác tối đa những “doanh nghiệp thật - doanh nhân thật - bài học thật”, qua đó, tạo cầu nối để những vị doanh nhân thành đạt có thể chia sẻ lại câu chuyện đáng nhớ của mình. Bên cạnh đó, trong mỗi chương trình còn có sự đồng hành của hai vị khách mời là những chuyên gia uy tín để cùng khái quát lại những bài học giá trị trong phần “Bàn tròn CEO”. Tuần này, cùng đồng hành với doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng là ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC phụ trách thị trường Bắc Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương; ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng TW các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phú Thái Holdings. |
Xem thêm: Tàu điện Cát Linh - Hà Đông dự kiến vé 15.000 đồng một lượt
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.