Đối diện thập kỷ mới: Sức bật từ nền tảng vững chắc

Nhà thơ Hải Đường - 12/02/2021 09:47 (GMT+7)

(VNF) - Không cần phải chờ đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, ta mới nghĩ đến chuyện sang giàu, ngay từ bây giờ, từ mùa Xuân Tân Sửu này, mỗi người dân đất Việt có quyền nuôi giấc mơ về một đất nước thịnh vượng. Đương nhiên đã là giấc mơ, đôi khi lãng mạn, nhưng ở cái thời kinh tế số, thời thế giới trở thành một ngôi làng thì những giấc mơ bao giờ cũng dựng trên cái nền rất thực.

VNF

Cái nền ấy là gì? Là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 35 năm Đổi mới mà Đảng ta đã khẳng định. Là điều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói một cách mộc mạc, rằng, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hôm nay. Để chiến thắng đói nghèo, để vươn tới, không thể thiếu niềm lạc quan dựa trên những dự báo khoa học, dựa vào khả năng chống chọi của nền kinh tế qua những khó khăn, thử thách, dựa vào sức dân, trí dân.

Tôi đọc kỹ Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng và thêm vững tin hơn trước những nhận định chắc chắn, tỉnh táo với những minh chứng, những cứ liệu thuyết phục. Chưa nói tới cả chặng đường đổi mới mấy thập niên qua mà chỉ tính riêng trong 5 năm (2016-2020) đã thấy rõ sức bật mới, đà tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam, mặc dù phải trải qua muôn trùng khó khăn, nhất là trong năm 2020.

Báo cáo nêu: “Những thành tựu đạt được 5 năm qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội”. Quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ ấy cũng là quá trình tích lũy âm thầm, quyết liệt để tạo nên nguồn năng lượng mới trong mỗi người, mỗi cộng đồng và cả dân tộc.

Nhớ giao thừa Tết Canh Tý. Vào thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy trời bỗng nổi sấm sét, rồi mưa đá trút ầm ào. Theo linh cảm của những người cao tuổi, am hiểu thiên thời, địa lợi thì năm Tý sẽ là năm không thuận, sẽ lắm thứ cản đường, muốn vượt lên phải bó bện cho chắc, phải trí tuệ, bền lòng. Đại dịch Covid-19 đã tràn vào nước ta. Hết “trận đánh” thứ nhất lại đến “trận đánh” thứ hai, thứ ba... Cả nước căng sức căng gân mà chống chọi.

Việt Nam trở thành điểm sáng thần kỳ như báo chí nước ngoài ca ngợi. Một nước đang phát triển, tỷ lệ bác sĩ trên số dân rất thấp, nhưng chúng ta đã khống chế được thứ giặc gớm ghiếc này. Và cuối cùng là bảo đảm kinh tế - xã hội ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ kép, phát triển kinh tế đi đôi với chống dịch.

Kết thúc “trận đánh” thứ nhất, cả nước nhanh chóng bước vào “trạng thái bình thường mới”, khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba, gấp bốn. Cố gắng ấy đã đem lại kết quả. Tăng trưởng cả năm 2020 vẫn đạt 2,91%, trong khi nhiều nước bị sa sút nặng nề về kinh tế với mức tăng trưởng âm.

Đây không phải người trong nhà tự khen nhau. Theo một thông tin đáng tin cậy của Hãng tư vấn Mc Kinsey - Một công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ thì Việt Nam là một trong 11 nước đạt được hiệu suất tăng trưởng vượt trội toàn cầu suốt hai thập niên vừa qua. Hàng triệu người thoát nghèo và gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để duy trì hiệu suất ấn tượng ấy, như thu nhập khả dụng đang không ngừng gia tăng, bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh được đánh giá là hấp dẫn…

Những thành quả ấy gợi ý cho đường hướng thời kỳ tới, gợi lên giấc mơ đẹp đẽ vươn đến tầm cao phát triển mà từ xa xưa cha ông ta đã nói tới. Từ thời Hậu Lê vào thế kỷ XV, đã bàn thấu đáo về sự thịnh vượng cực độ về chính trị, kiên định về văn hóa và ổn định về chính trị. Nay, bước vào thập niên thứ hai thế kỷ XXI, chúng ta xác định, để phát triển nhanh và bền vững, vì cuộc sống an lành, hạnh phúc của người dân, cần tăng cường phân tích, dự báo tình hình; rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao.

Chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng con người. Nói gọn lại, muốn vươn tới chân trời mơ ước, cần phải có quyết tâm cao, nội lực mạnh mẽ. Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu. Mọi chủ trương, chính sách đều phải hướng tới khơi thông mọi động lực cho tăng trưởng.

Có nhà khoa học cho rằng, cần kiến tạo mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện. Mô hình ấy được dựng trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Điều đó đúng, nhưng ở chiều sâu nhân văn của thịnh vượng, tôi lại thấy Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đã nói rất bao quát, lại rất cụ thể, người dân bình thường cũng dễ thấy, dễ hiểu. Đó là, lần này Đảng bổ sung thêm cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Như vậy, khi nói tới phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, cần nhấn mạnh yêu cầu thực hiện có hiệu quả trên thực tế phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

“Dân dĩ thực vi thiên” - Dân lấy cái ăn làm trời. Câu nói này không ở đâu xa lạ mà chính là lời căn dặn của Bác Hồ. Sinh thời, bao giờ Bác cũng nói những điều cụ thể, thiết thực, “tránh nói chữ to và đi nhẹ cả trong vườn” (thơ Việt Phương). Nước độc lập, tự do, dân no ấm, học hành. Đó là mục đích cao nhất của một xã hội phồn vinh. Đương nhiên mỗi thời mỗi khác. “Thời 4.0”, no ấm có những tiêu chí khác. Chẳng hạn “ăn no, mặc ấm” là thời đất nước vừa thoát khỏi xiềng gông thực dân, phong kiến, thời sản xuất nhỏ, nay thì phải phấn đấu “ăn ngon, mặc mốt”.

Tự do trong thời kinh tế số, công nghệ số, thời hội nhập toàn cầu cũng vậy, ngoại diên của nó cũng mở rộng rất nhiều. Tự do đi liền với dân chủ, với kỷ cương, pháp luật, với giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, tự do nhưng đừng đánh mất mình. Tự do có nghĩa là khát vọng, vươn tới. Người đứng trên đỉnh núi cao có khát khao khác với người đứng trên một mô đất ở một đầm lầy vừa cạn nước.

Mùa xuân đã đến với nhiều giấc mơ. Và giấc mơ thịnh vượng là lớn nhất, nặng đầy suy tư, trăn trở, giấc mơ đổi đời của cả một dân tộc, trong đó có mỗi người. Song nếu mỗi người không có giấc mơ đẹp, không khao khát vươn lên thì làm sao có được giấc mơ dân tộc và thời đại?

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.