Canon, Foxconn, Honda... 'kêu khổ' vì Quỹ phòng chống thiên tai

Lê Nguyễn - 02/02/2021 17:30 (GMT+7)

(VNF) - 29 doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn như Canon, Honda, Foxconn, đã có văn bản gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra những điểm bất hợp lý trong các quy định về việc thu Quỹ phòng chống thiên tai.

VNF
Canon, Foxconn, Honda.. 'kêu khổ' vì Quỹ phòng chống thiên tai

Văn bản của 29 doanh nghiệp ngoại này được gửi đến Tổng cục Phòng chống thiên tai nhằm góp ý cho "Dự thảo nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai" (gọi tắt là dự thảo).

Doanh nghiệp không thể thu tiền từ người lao động để nộp Quỹ phòng chống thiên tai

Theo các quy định hiện hành cũng như dự thảo nghị định, doanh nghiệp có trách nhiệm thu từ người lao động để nộp vào Quỹ phòng chống thiên tai cũng như xây dựng kế hoạch thu quỹ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn và bất cập trong việc quản lý thu, lập kế hoạch thu Quỹ phòng chống thiên tai từ người lao động.

Cụ thể, về cách thức thu quỹ, các doanh nghiệp chưa có cách nào để thu từ người lao động sao cho phù hợp pháp luật, hiệu quả mà lại đảm bảo sự công bằng, không gây ra sự bất bình từ người lao động.

Nguyên nhân là theo quy định của Bộ Luật Lao động và nội quy lao động, doanh nghiệp không thể khấu trừ lương của người lao động. Trong khi đó, việc thu trực tiếp từng cá nhân bằng tiền mặt là không thể thực hiện trong doanh nghiệp.

"Việc xử lý tiền mặt tại doanh nghiệp gây nhiều rủi ro, nguy hiểm và phức tạp như: nhầm lẫn trong quá trình thu có thể dẫn đến đếm thiếu, thu thiếu tiền; thu phải tiền giả; có thể xảy ra tỉnh trạng mất cắp cũng như người lao động phụ trách thu quỹ nổi lòng tham chiếm đoạt số tiền lớn...", văn bản chỉ ra.

Mặt khác, công việc của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp cũng không thể tổ chức được hệ thống, cơ cấu nhân sự để thu, quản lý quỹ và viết, theo dõi, quản lý biên lai nếu như thu trực tiếp bằng tiền mặt.

Đó là chưa kể nếu người lao động không hợp tác trong việc đóng quỹ, doanh nghiệp cũng không thể làm gì, bởi nếu thúc ép, người lao động sẽ nảy sinh cảm giác không thoải mái, cảm thấy bất công, từ đó dẫn tới các hệ lụy như đình công, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Một khía cạnh khác cũng được các doanh nghiệp chỉ ra là số lượng lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên biến động. Doanh nghiệp không thể thu của lao động đã nghỉ việc tại thời điểm nhận được thông báo thu tiền của quỹ, kể cả khi đã lập xong danh sách thu hay đang xử lí việc thu tiền...

Doanh nghiệp cũng không kiểm soát được trường hợp người lao động "nhảy việc" liên tục tại nhiều công ty khác nhau và đã từng đóng quỹ hay chưa. Doanh nghiệp không thể thu của người lao động đang nghỉ thai sản, lao động nghỉ dài ngày, lao động nghỉ không lương do chỉ có 1 đợt thu duy nhất trong năm.

Đối với người lao động đang trong thời gian học nghề, thực tập, thử việc tại doanh nghiệp (chưa có hợp đồng chính thức với doanh nghiệp), cơ quan chức năng lại chưa có quy định về mức thu. Việc thu quỹ sẽ không hợp lý nếu sau thời hạn thử việc, thực tập, công ty không ký hợp đồng với người lao động đó.

Về biên lai nộp quỹ tại doanh nghiệp, theo nguyên tắc, mọi khoản thu nộp đều phải có chứng từ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể xuất hỏa đơn, biên lai thu cho người lao động như bằng chứng của việc thu quỹ do đây là khoản thu nộp cho nhà nước.

Doanh nghiệp cũng không thể tổ chức được hệ thống cơ cẩu nhân sự để mua, viết biên lai, theo dõi, quản lý biên lai cũng như thu tiền, quản lý tiền nếu như thu bằng tiền mặt. Nếu doanh nghiệp không cung cấp biên lai, khi người lao động chuyển việc, họ sẽ không có bằng chứng chứng minh đã đỏng quỹ tại công ty cũ.

Sự bất công bằng của việc thu quỹ

Theo các doanh nghiệp, đối với lao động đã nộp quỹ tại địa phương (do chưa nắm được quy định phải đóng tại doanh nghiệp) và đối với lao động đã nộp quỹ tại công ty cũ nhưng không có biên lai thu, việc tiếp tục thu quỹ tại doanh nghiệp sẽ khiến người lao động đóng chồng chéo 2-3 lần, gây bất công và bất bình đẳng cho người lao động.

Việc không thu quỹ tại doanh nghiệp đối với các đối tượng này cũng gây bất công do mức đóng chênh lệch khoảng 10 lần giữa việc đóng quỹ tại địa phương và tại doanh nghiệp.

Việc thu quỹ một lần trong năm vào trước 30/5 hàng năm không đảm bảo sự công bằng cho tất cả lao động. Nguyên nhân là có lao động chỉ đi làm 1 tháng, thậm chí 1 ngày rồi nghỉ việc lại phải đóng, trong khi có lao động vào làm việc sau thời điểm thu quỹ, có thời gian làm việc tại công ty dài hơn nhưng lại không bị thu tiền do không có đợt thu.

Việc triển khai thu nộp quỹ chưa được thực hiện đồng đều tại tất cả các địa phưong, các doanh nghiệp khiến người lao động cảm thấy bất công bằng.

"Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các doanh nghiệp đã đóng quỹ hiện nay là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều không biết về quỹ này. Đồng thời, theo báo cáo của Tổng Cục Phòng chống thiên tai, tính đến tháng 10/2020, vẫn còn 3/63 tỉnh, thành chưa tiến hành thu quỹ, thực thu chỉ đạt một phần nhỏ của dự thu", văn bản cho hay.

Không thể phạt người lao động, càng không thể phạt doanh nghiệp

Theo các doanh nghiệp, mặc dù Nghị 104/2017/NĐ-CP quy định nếu người lao động vi phạm việc đóng quỹ sẽ bị xử phạt, tuy nhiên doanh nghiệp không thể xử phạt người lao động cũng như doanh nghiệp không thể là đổi tượng bị phạt nếu không thu được từ người lao động bởi công việc của doanh nghiệp chỉ là sản xuất và kinh doanh.

Việc quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thu quỹ từ người lao động và áp dụng chế tài phạt chỉ làm tăng thêm trách nhiệm và gây áp lực hơn cho doanh nghiệp.

Đối với việc công khai thông tin báo cáo chi tiết việc sử dụng quỹ, các doanh nghiệp cho biết mặc dù theo quy định, cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh có trách nhiệm công khai nội dung chi quỹ trên cồng thông tin điện tử của cơ quan này.

Tuy nhiên khi doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm thông tin về báo cáo sử dụng quỹ tại website của các địa phương thì hầu hết các địa phương đều không có báo cáo chi tiết về việc sử dụng quỹ.

Vì vậy, người dân vả doanh nghiệp mặc dù đóng quỹ nhưng không được biết tiền của mình sử dụng như thế nào, liệu có xảy ra tình trạng kê khai khống thiệt hại do thiên tai gây ra để được hỗ trợ từ quỹ hay không, tiền hỗ trợ từ quỹ có đến được tay người dân hay không...

Đừng bắt doanh nghiệp thu quỹ từ người lao động

Với các phân tích nêu trên, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan soạn thảo không quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu, lập kế hoạch thu quỹ từ người lao động. Thay vào đó, trách nhiệm này nên được chuyển tới một đầu mối duy nhẩt là ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, nơi người lao động đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú.

Trường hợp giữ nguyên quy định, các doanh nghiệp đề nghị ban soạn thảo nói rõ về cách xử lý các vướng mắc nêu trên.

Về mức đóng quỹ, các doanh nghiệp cho rằng mức thu 1 ngày lương/người/năm (theo mức lương tối thiểu vùng sau khi trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp) là quá cao, tạo áp lực cũng như gây khó khăn cho đời sống của người lao động.

Theo khảo sát của các doanh nghiệp, bản thân người lao động chưa cảm thấy thuyết phục về việc đóng quỹ do mức thu cao và có sự chênh lệch lớn (khoảng 10 lần) giữa lao động trong doanh nghiệp và lao động tự do, trong khi nếu thiên tai xảy ra, tất cả chịu rủi ro và nhận hỗ trợ như nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp đều xuất mức thu chung là 15.000 đồng/người cho mọi đối tượng.

Trong trường hợp ban soạn thảo giữ nguyên mức thu đối với người lao động trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp đề nghị ban soạn thảo làm rõ 2 điểm. Một là quy định rõ ràng về công thức tính 1 ngày lương tối thiểu vùng là trên bao nhiêu ngày làm việc trong tháng.

Hai là làm rõ "các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp" là số tiền đóng thuế, bảo hiểm thực tế của người lao động, hay là tiền đóng thuế, bảo hiểm thực tế phần của người lao động và phần doanh nghiệp đóng cho người lao động, hay là khoản thuế, bảo hiểm tính theo tỷ lệ trên mức lương tối thiểu vùng?

Nếu theo cách hiểu thứ nhất và thứ hai thì sẽ dẫn tới sự chênh lệch trong mức đóng quỹ giữa các lao động, do số tiền đóng thuế và bảo hiểm của mỗi lao động khác nhau. Thậm chí có trường hợp số tiền đóng thuế và bảo hiểm cao hơn cả mức lương tối thiểu vùng, gây nên tình trạng bất công bằng như đã đề cập...

Cùng chuyên mục
Tin khác