Đông Nam Á thiếu IPO 'bom tấn', Malaysia dẫn dắt thị trường khu vực
(VNF) - Theo báo cáo của Deloitte, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD. Tổng số vốn huy động được qua IPO ở mức thấp nhất trong 9 năm qua.
Đông Nam Á vắng bóng IPO "bom tấn"
Theo báo cáo Thị trường Vốn IPO khu vực Đông Nam Á mới được công bố của Deloitte, trong 10,5 tháng năm 2024, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á đã chứng kiến 122 thương vụ IPO, huy động được khoảng 2,9 tỷ USD.
Mặc dù số vụ IPO vẫn cho thấy tín hiệu tích cực, tổng số vốn huy động được lại ở mức thấp nhất trong 9 năm qua (3 tỷ USD), giảm 48% so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ IPO vào năm 2023.
Trong số các vụ IPO của khu vực năm nay, ngành tiêu dùng dẫn đầu với 53 vụ IPO, huy động được 1,4 tỷ USD; theo sau là lĩnh vực sản phẩm công nghiệp, có 14 vụ IPO nhưng số vốn huy động được chỉ 0,3 tỷ USD. Lĩnh vực năng lượng với 10 vụ IPO, huy động được 0,5 tỷ USD - số vốn lớn thứ 2 tính theo ngành.
Về số vụ IPO theo quốc gia, 4 trong số 6 thị trường chứng kiến sự sụt giảm về số lượng IPO vào năm 2024, trong khi Malaysia ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại là 46 vụ IPO.
Trên toàn thị trường Đông Nam Á, Malaysia nắm giữ vốn hóa thị trường IPO cao nhất, đóng góp 51% tổng số, tiếp theo là Thái Lan với 23% thị phần.
Về số vốn huy động được, Malaysia (53%), Thái Lan (26%) và Indonesia (12%) đứng đầu bảng xếp hạng ở Đông Nam Á vào năm 2024; tổng cộng chiếm 91% tổng số tiền IPO huy động được trên khắp khu vực vào năm 2024.
Deloitte nhận định phần lớn nguyên do của sự sụt giảm trong hoạt động IPO của khu vực so với năm trước là do không có các thương vụ IPO "bom tấn". Trong năm 2024, chỉ có một thương vụ IPO huy động được hơn 500 triệu USD, trái ngược với bốn thương vụ tương tự vào năm 2023.
Bà Tay Hwee Ling, Lãnh đạo Dịch vụ Đảm bảo Kế toán & Báo cáo, Deloitte Đông Nam Á, nhận xét: "Thị trường IPO của Đông Nam Á đã gặp phải những thách thức có quy mô lớn trong năm 2024, bao gồm biến động tiền tệ, sự khác biệt về quy định giữa các thị trường và căng thẳng địa chính trị, đây đồng thời là các yếu tố tác động đến thương mại và đầu tư".
Bên cạnh đó, bà Ling cũng cho biết môi trường lãi suất cao và sự biến động của thị trường giữa các đối tác thương mại lớn cũng ảnh hưởng tới hoạt động niêm yết của các công ty.
Nhìn về tương lai của thị trường IPO trong khu vực, bà Hwee Ling cho biết: “Việc dự kiến cắt giảm lãi suất cùng với việc cắt giảm lạm phát có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các thương vụ IPO trong những năm tới. Nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tầm quan trọng mang tính chiến lược của Đông Nam Á trong các lĩnh vực như bất động sản, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào khu vực, năm 2025 đã sẵn sàng trở thành một năm cho các thương vụ IPO mới trên khắp Đông Nam Á”.
Điểm sáng từ Malaysia
Bất chấp những thách thức cho thị trường vốn trên toàn thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và những thay đổi đáng kể về mặt chính trị, Malaysia vẫn nổi lên như một điểm sáng ở Đông Nam Á.
Quốc gia này dẫn đầu khu vực trong cả ba chỉ số chính: số thương vụ IPO, tổng số tiền IPO huy động được và vốn hóa thị trường IPO.
Tính đến nay, thị trường này đã chứng kiến 46 thương vụ IPO – vượt qua con số 32 của cả năm 2023, đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2006.
Tổng số tiền huy động được thông qua IPO đã chạm mức 1,5 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017, trong khi vốn hóa thị trường đạt 6,6 tỷ USD, gấp đôi so với năm trước và đạt đỉnh kể từ năm 2013.
Vụ niêm yết lớn nhất trong năm tại Malaysia thuộc về công ty 99 Speed Mart Retail Holdings Berhad, IPO vào tháng 9/2024 với số vốn huy động được là 574 triệu USD.
"Thị trường IPO của Malaysia đã cho thấy hiệu suất mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các chỉ số kinh tế tích cực, tình hình chính trị ổn định và sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài", ông Wong Kar Choon, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo, Deloitte Malaysia cho biết.
Việt Nam có số thương vụ IPO thấp nhất trong khu vực
Trong số 6 thị trường được khảo sát, Việt Nam là quốc gia có số thương vụ IPO thấp nhất tính tới thời điểm giữa tháng 10, chỉ có 1 vụ niêm yết duy nhất của Chứng khoán DNSE, huy động khoảng 37 triệu USD.
Đáng chú ý, thương vụ IPO duy nhất này, cũng là thương vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ tài chính, đã vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 đang trải qua những khó khăn nhất định, tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để nắm bắt các cơ hội, được ủng hộ bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi và môi trường lãi suất thấp", ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo, Deloitte Việt Nam, cho biết.
Ông Trịnh nói thêm: "Tôi tin rằng đây cũng là cảm nhận của các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định mới để giúp nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào năm 2025”.
Sếp Masan: 'Thủ tục niêm yết IPO còn phức tạp, chưa theo thông lệ quốc tế'
- Cảnh báo: Tăng vốn ảo trước IPO, bỏ lọt thao túng chứng khoán 07/11/2024 04:32
- Tăng hàng cho sàn chứng khoán: Tích hợp IPO và niêm yết thành 1 quy trình 23/07/2024 02:45
- Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024 10/05/2024 12:27
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.