Tăng hàng cho sàn chứng khoán: Tích hợp IPO và niêm yết thành 1 quy trình

Hải Đường - 23/07/2024 14:45 (GMT+7)

(VNF) - Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết cơ quan này đang rà soát, sửa đổi các quy định để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1. Điều này sẽ giúp xóa bớt 1 rào cản đối với nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường chứng khoán trong nước.

Tại buổi toạ đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới", chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán cũng như lãnh đạo cơ quản lý đã nhận định các động lực và cơ hội mới của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới, trong đó quan trọng hơn cả là mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.

Thị trường chứng khoán thiếu hàng

Trước thềm nâng hạng, một trong những câu chuyện được nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc thúc đẩy thêm doanh nghiệp lên sàn trong bối cảnh khan hiếm hàng hoá mới trên thị trường. Theo đó, so với giai đoạn trước năm 2019 (trước dịch Covid-19), số lượng doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) không tăng mà có phần giảm. Những cổ phiếu trong rổ VN30 gần như không có sự thay đổi từ rất lâu, theo lời các chuyên gia chứng khoán.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư đã nhắc lại về câu chuyện cơ quan quản lý từng dùng các biện pháp để “thúc ép” các doanh nghiệp nhà nước lên sàn.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết trong quá trình 24 năm kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như UBCKNN có định hướng rõ ràng là hạn chế tối đa can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường, do đó sẽ không diễn ra câu chuyện dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hay từ bỏ thị trường.

Ông Hải cho rằng thực trạng về việc số lượng doanh nghiệp IPO, hay niêm yết mới không nhiều là đúng, nhưng đây là câu chuyện 2 chiều, là mối quan hệ hữu cơ giữa việc có nhiều doanh nghiệp lớn và nâng hạng thị trường.

Toàn cảnh buổi toạ đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới"

“Nhiều doanh nghiệp cho biết họ chưa lên sàn chứng khoán vì chưa nhận thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn của họ, đồng thời không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải. Một trong những biện pháp để hỗ trợ, thúc đẩy vấn đề này là nâng hạng thị trường. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại mong muốn vào thị trường Việt Nam khi có nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết”, Phó chủ tịch UBCKNN cho biết.

Rút ngắn khoảng cách IPO đến niêm yết

Về mặt kỹ thuật, ông Hải cho biết hiện tại IPO và niêm yết vẫn là 2 quá trình riêng biệt. Một số doanh nghiệp sau khi IPO sẽ trải qua khoảng thời gian kéo dài cho đến khi niêm yết. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư tài chính nước ngoài, sau khi mua cổ phiếu, việc phải chờ từ 3 tháng trở lên không có giao dịch, không có thanh khoản sẽ là rào cản rất lớn, thậm chí một số quỹ hiện đang cầm những cổ phiếu không được niêm yết.

Để giải quyết câu chuyện này, ông Bùi Hoàng Hải cho biết UBCKNN đang rà soát, sửa đổi các quy định để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1. Sau khi được sửa đổi, việc niêm yết sẽ gần như được tiến hành ngay khi IPO một cách thực chất.

Ông Bùi Hoàng Hải

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá việc kết hợp IPO và niêm yết thành 1 quy trình là ý kiến rất hay, sẽ rút ngắn thời gian cho 1 số doanh nghiệp, qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh đó, bà Hằng đề xuất nên thúc đẩy các doanh nghiệp FDI lên sàn để gia tăng hàng hoá trên thị trường. Theo bà, điều lăn tăn duy nhất khi nhóm doanh nghiệp có vốn nước ngoài này lên sàn là rủi ro bán cổ phần, chuyển tiền ra nước ngoài. Lo ngại này hoàn toàn có thể được kiểm soát bởi các cơ chế về giữ tiền, tái đầu tư. Cơ quan quản lý có thể chia sẻ với doanh nghiệp để đưa ra lộ trình phù hợp.

Theo đại diện SSI, hiện các quỹ đầu tư nội địa ở Việt Nam chỉ có 10% đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, với yêu cầu các doanh nghiệp này phải niêm yết trong vòng 1 năm, nếu không quỹ sẽ phải bán ra cổ phiếu. Đây là một cách mà các quỹ tạo alpha (hệ số đo lường hiệu quả đầu tư) khi đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết.

Bà Lê Thị Lệ Hằng đề xuất cơ quan quản lý nên cân nhắc một chế tài tương tự tại hệ thống giao dịch UPCoM. Hiện UPCoM có nhiều doanh nghiệp năng động nên được giao dịch niêm yết chính thức.

Trước đó, ông Bùi Hoàng Hải cho biết có 2 nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn trên UPCoM chưa thực hiện niêm yết chính thức. Thứ nhất là do ý chí của bản thân doanh nghiệp. Thứ hai là do chưa đáp ứng các tiêu chí của sàn giao dịch chính thức như báo cáo tài chính có khoản bị loại trừ,… Các tiêu chí này dù rất bé nhưng nếu doanh nghiệp chưa giải quyết thì không thể niêm yết chính thức.

Theo đại diện UBCKNN, cơ quan này đang thực hiện tái cấu trúc để phân chia lại các mảng của thị trường chứng khoán, sắp xếp các doanh nghiệp trong các mảng của thị trường 1 cách phù hợp.

“Câu chuyện sắp xếp của Bộ Tài chính và UBCKNN phải dựa trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp, không có tính chất bắt buộc và không để xảy ra tình trạng bất ổn, đảm bảo tính ổn định của thị trường”, ông Bùi Hoàng Hải cho biết.

Chứng khoán sắp nâng hạng: DN đồng loạt lên kế hoạch niêm yết, chuyển sàn

Chứng khoán sắp nâng hạng: DN đồng loạt lên kế hoạch niêm yết, chuyển sàn

Tài chính
(VNF) - Trong mùa ĐHCĐ thường niên năm 2024, nhiều DN đã tiết lộ kế hoạch niêm yết, chuyển sàn đối với các công ty con trong hệ sinh thái. Đây là động thái được cho là đón đấu cơ hội huy động vốn khi TTCK Việt Nam nâng hạng.
Cùng chuyên mục
Tin khác