Dự án điện gió khổng lồ 6.000MW xây dựng ở cửa biển Cần Giờ - TP.HCM

Trần Lê - 15/06/2023 22:37 (GMT+7)

(VNF) - Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000MW được đề xuất đưa vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050.

VNF
Huyện Cần Giờ, TP. HCM (ảnh minh họa)

Nhà đầu tư liên doanh các nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á - Tập đoàn Tokyo Gas - Tập đoàn Shizen Energy đang tiến hành các thủ tục nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ.

Địa điểm đầu tư tại khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông (thuộc vùng biển Cần Giờ, TP. HCM), tổng diện tích khảo sát khoảng hơn 325.000 ha. Khu đất liền nằm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thuộc xã Hiệp Phước, Nhà Bè, với diện tích khoảng 8 ha.

Dự án có quy mô tổng công suất lắp đặt 6.000MW được chia thành 4 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2031 - 2035 (giai đoạn 1) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2031 và 1.000 MW (giai đoạn 2) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen vào năm 2035.

Giai đoạn 2036 - 2040 (giai đoạn 3) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho các mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 1.000 MW (giai đoạn 4) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen.

Dự kiến số lượng điện phát lên lưới, giai đoạn 2031 - 2035 là hơn 12,3 triệu MWh/năm, giai đoạn 2036 - 2040 là hơn 24,5 triệu MWh/năm.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 300.000 tỷ đồng. Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 607,97 ha (giai đoạn 2031 - 2035) và 550,97 ha (giai đoạn 2036 - 2040).

Dự án dự kiến được đấu nối vào lưới điện quốc gia 500kV tại trạm 500kV Đa Phước.

Hiện nay, mỗi năm TP. HCM tiêu thụ 25 tỷ MW điện (10% cả nước) nhưng nguồn lấy từ Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực xung quanh nên địa phương không chủ động được nguồn cung.

Theo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050), cơ cấu nguồn điện Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giảm và bỏ hẳn nhiệt điện than.

Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW, không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.