Dự án điện khí LNG gặp khó khi giá khí tăng cao

Thanh Hương - 21/03/2022 08:52 (GMT+7)

Giá khí LNG đang ở mức cao và biến động mạnh theo giá dầu chắc chắn làm khó các dự án điện khí LNG ngay trong quá trình đàm phán giá điện.

VNF
Giá LNG tăng mạnh khiến nhiều người e ngại sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án LNG tại Việt Nam.

Giá LNG tăng chóng mặt

Trong các báo cáo và nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) đã nhắc tới việc giá LNG đã tăng từ 8,21 USD/MMBTU (metric million British thermal unit) hồi tháng 1/2021 lên 24,71 USD/MMBTU vào tháng 1/2022.

Tiếp theo, xung đột Nga - Ukraine mới đây đã khiến giá LNG trên thế giới biến động mạnh, vượt ngoài các dự đoán trước đó.

Theo Purva Jain, nhà phân tích của IEEFA, giá LNG giao ngay được dự báo ở mức trên 50 USD/MMBTU từ nay đến tháng 9/2022 và 40 USD/MMBTU trong quý IV/2022.

Trước đó, các đánh giá của giới chuyên môn cũng cho thấy, năm 2022 sẽ chứng kiến bước ngoặt đối với các hợp đồng LNG tính trên cơ sở chỉ số dầu mỏ có xu hướng tăng lên.

Thực tế, giá LNG tăng mạnh khiến nhiều người e ngại sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án LNG tại Việt Nam.

Theo báo cáo của bộ Công thương, đã có hơn 50 địa phương đề nghị bổ sung tổng cộng 550.000 MW điện các loại vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong số này có 140 MW điện từ khí LNG nhập khẩu.

Sau khi rà soát lại, trong báo cáo ngày 21/2/2022 về Đề án Quy hoạch Điện VIII (giai đoạn 2022-2030) gửi Chính phủ, Bộ Công thương chỉ tính toán tới năm 2030 có tổng cộng 38.830 MW điện khí LNG, bao gồm 23.900 MW điện khí LNG được đầu tư mới và 14.930 MW được chuyển đổi sang LNG do nguồn khí nội không đáp ứng được tiến độ cung cấp. Con số tới năm 2045 là 56.830 MW điện khí LNG, bao gồm 41.900 MW nguồn điện mới dùng khí LNG và 14.930 MW điện khí LNG được chuyển đổi từ các dự án khí trong nước.

Dù đã giảm đáng kể số nhà máy và công suất, nhưng sự biến động của giá LNG thế giới hiện nay và khó dự đoán trong tương lai khiến việc triển khai dự án gặp thách thức lớn, do đầu vào của các dự án điện khí LNG phụ thuộc hoàn toàn vào khí LNG nhập khẩu.

Đàm phán bán điện không dễ

Các chuyên gia và doanh nghiệp có liên quan đến dự án điện khí LNG đều cho biết, nhà máy điện khí LNG muốn bán điện ở mức giá 8 - 9 UScent/kWh, thì giá LNG đầu vào phải quanh mức 12 USD/MMBTU.

“Năm 2019-2020, khi lập báo cáo về dự án điện khí LNG nhập khẩu, chúng tôi tính toán giá khí đầu vào khoảng 10 USD/MMBTU”, một doanh nghiệp đang triển khai dự án điện khí LNG cho hay.

Năm ngoái, khi giá dầu xuống thấp kỷ lục, kéo theo giá khí LNG cũng chịu tác động hạ xuống, khiến các nhà đầu tư hân hoan vì khả năng thắng lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bình, chuyên gia tư vấn các dự án điện nhấn mạnh, nguồn khí cấp cho dự án cũng phải đảm bảo 20-25 năm và phải tính hết các biến động, chứ không thể chỉ nhìn vào giá dầu thế giới xuống mức 30-35 USD/thùng mà tự tin cho cả đời dự án.

Cũng theo ông Bình, mọi dự báo khó chính xác, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột, nên doanh nghiệp làm điện khí LNG và mua điện phải thận trọng để đàm phán và tính toán.

Dĩ nhiên, nếu mức giá LNG lên tới 40-50 USD/MMBTU, thì giá bán điện không thể dưới 20 UScent/kWh - mức khó có thể bán được.

Tại các dự án điện khí LNG đang thảo luận giá điện với EVN như Bạc Liêu hay Nhơn Trạch 3-4, câu chuyện khó nhất là sản lượng điện bán ra hàng năm để tính dòng tiền thu về, từ đó mới thuyết phục được các bên cho vay vốn mở hầu bao.

Hiện các nhà máy điện khí LNG được chấp nhận chủ trương đầu tư dưới hình thức nhà máy điện độc lập (IPP). Theo hình thức này, các nhà máy đều phải tham gia thị trường điện. Do vậy, hiện không có quy định bên mua điện phải bao tiêu sản lượng điện, trừ các nhà máy có ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu và có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy trong hợp đồng cung cấp nhiêu liệu sang hợp đồng mua bán điện (PPA).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho hay, chủ đầu tư các nhà máy điện IPP có công suất lớn hơn 30 MW đều đàm phán, ký kết PPA với EVN và tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng hoặc sản lượng hợp đồng và tham gia thị trường điện theo quy định hiện hành. Các nhà máy IPP này đều không có điều kiện bao tiêu, trừ các nhà máy điện tua-bin khí dùng khí mỏ Nam Côn Sơn và khí PM3 theo các thỏa thuận trước đây được cơ quan hữu trách chấp thuận.

Khi quyết định bổ sung nhiều dự án điện khí LNG mới vào quy hoạch điện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng không yêu cầu cam kết, bảo lãnh bất cứ nghĩa vụ gì của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam, nên việc ký PPA là thỏa thuận thương mại giữa hai doanh nghiệp liên quan.

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác