(VNF) - Ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với UBND TP. HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai về tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 3 TP. HCM.
Theo báo cáo chung, đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của TP. HCM đã đạt 94%, Bình Dương 75%, Long An 98%. Riêng Đồng Nai vẫn còn chậm, chỉ đạt 66%. Các địa phương đã từng bước khởi công những gói thầu xây dựng đầu tiên sau khi hoàn tất các thủ tục.
Tại TP. HCM, tuy công tác GPMB đạt trên 94%, diện tích cần giải phóng mặt bằng còn lại rất ít nhưng sẽ khó khăn. Về nguồn vật liệu, với việc dự án cần tới 7,23 triệu m3 cát san lấp, TP. HCM cần có sự điều phối hợp lý giữa các địa phương để đảm bảo tiến độ dự án. Về các gói thầu còn lại. TP. HCM đang tiếp tục đấu thầu, sẵn sàng khởi công trong năm 2023.
Tại Bình Dương, dự án đường vành đai 3 TP. HCM qua địa bàn tỉnh có 4 gói thầu, tỉnh đã tổ chức thi công 2 gói. Trong tháng 10, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để triển khai 2 gói còn lại. Về công tác GPMB, đến nay đã đạt 75%, tỉnh tiếp tục vận động để hoàn thành vào cuối năm.
Tại Đồng Nai, hiện công tác GPMB còn khá chậm, chỉ đạt 66%, là khó khăn không chỉ với riêng tuyến vành đai 3 mà còn đối với cả các dự án giao thông khác trên địa bàn. Hiện tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực để sớm giao mặt bằng theo đúng kế hoạch, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tại Long An, sau khi khởi công, các nhà thầu cần có thời gian để triển khai công tác chuẩn bị lán trại, nhà điều hành, thiết bị máy móc, nhân lực… Đến nay công tác chuẩn bị đã cơ bản xong, nhà thầu đang bước vào giai đoạn triển khai trên thực địa. Tỉnh sẽ giám sát và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đáng chú ý là nguồn vật liệu đất, cát cho dự án rất khó khăn. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương phối hợp hỗ trợ về vật liệu cát, kiểm soát chặt chẽ nguồn cát, chất lượng, giá cả, cần phát huy vai trò điều phối của TP. HCM trong việc sử dụng nguồn vật liệu.
Đường vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,34km (đoạn qua TP. HCM dài 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km), chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội thông qua giữa tháng 6, giao UBND TP. HCM chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đây là trục đường liên vùng và điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như: TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; TP. HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành... Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP. HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.