Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng: Căng thẳng sở hữu chéo, nóng chuyện room
Mai Anh -
29/04/2023 14:08 (GMT+7)
(VNF) - Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đang gây tranh cãi với nhiều vấn đề như: siết giới hạn cho vay để chống sở hữu chéo hay room tín dụng, nới room ngoại lên 49%...
Chống sở hữu chéo: Cuộc chiến âm thầm kéo dài
Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, phá sản, giải thể ngân hàng; thu giữ tài sản, vấn đề sở hữu chéo, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng… được quan tâm hơn cả.
Để siết chặt tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông và siết chặt giới hạn về cho vay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhóm cổ đông, dự thảo khống chế tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng giảm từ mức 15% hiện hành xuống còn 10% vốn tự có. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng và người có liên quan không vượt quá 15% vốn tự có, giảm so với mức 25% hiện hành. Dự thảo cũng rút tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ 5% xuống còn 3%. Cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan tại tổ chức tín dụng cũng được đề xuất giảm xuống 15% so với hiện tại 20%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các quy định mới nêu trên sẽ giúp việc quản lý trở nên chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trên quá chặt và có thể gây khó cho nền kinh tế đang khát vốn. Tại tọa đàm góp ý mới đây, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TP Bank, bày tỏ việc giảm tỷ lệ cho vay có thể khiến dòng chảy vốn đến nền kinh tế khó khăn hơn. Giới hạn cho vay 15% và 25% như luật hiện hành đã là thấp nếu so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore. Các quốc gia trên đều không quy định tỷ lệ cứng mà đưa ra ngưỡng tham chiếu 25%. Trong khi đó, một số nước khác quy định giới hạn cho vay theo loại hình doanh nghiệp, tài sản bảo đảm, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) mà không có hạn mức cứng.
Thực tế, câu chuyện chống sở hữu chéo và cấp tín dụng sân sau, ngăn cổ đông lớn lũng đoạn ngân hàng… là một cuộc chiến âm thầm và kéo dài trong hệ thống ngân hàng. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, sở hữu chéo là tồn tại lâu đời của hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng là cội nguồn của mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước ta. Dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con nhưng các tập đoàn có thể lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN, đánh giá dù câu chuyện vượt giới hạn sở hữu chéo, sở hữu cổ phần của các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng cơ bản đã được xử lý nhưng thực tế tình trạng lách luật để ngầm sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp sân sau của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng luôn hiện hữu. Tuy nhiên, việc phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản, có hiện tượng sở hữu chéo mà thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy nhưng cũng có những biểu hiện sở hữu chéo chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.
Trong báo cáo gửi Quốc hội cuối năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần. Việc này chỉ có thể được phát hiện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra. Giải quyết tình trạng này luôn là một thách thức lớn. Vì thế, TS Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh: “Một công cụ quan trọng là yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo điều kiện về an toàn vốn, công khai minh bạch, quản trị rủi ro... Một khi đã công khai minh bạch, việc sở hữu chéo bên trong ngân hàng cũng sẽ giảm”.
Những câu chuyện room
Góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) quan tâm nhiều về giới hạn tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Tại điểm e, khoản 2, Điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng: quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Tuy nhiên, quy định này không nói rõ biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng này sẽ được áp dụng rộng rãi cho tất cả tổ chức tín dụng hàng năm hay chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng mà qua thanh tra, giám sát phát hiện có rủi ro cao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Theo VCCI, điều này dẫn đến sự không rõ ràng, nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào dự thảo luật này.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ, room là biện pháp hành chính nặng tính xin - cho, dễ phát sinh tiêu cực... Trên thị trường tài chính quốc tế, nhiều quốc gia không còn sử dụng công cụ này để điều hành. Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, cho biết công cụ này đã được Ngân hàng Nhà nươccs sử dụng để điều hành và có hiệu quả trong giai đoạn cách đây khoảng 11 năm, khi lạm phát tăng cao. Hiện nay, khi nền kinh tế không chịu sức ép tương tự như giai đoạn trước, sức khỏe của hệ thống cũng khác thì nó bộc lộ sự thiếu ưu việt. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đang có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn. Vì vậy, về mặt pháp lý, sớm hay muộn Ngân hàng Nhà nước cũng phải cân nhắc bỏ room tín dụng.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, nên duy trì room tín dụng khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào vốn tín dụng trong khi thị trường vốn chưa hoàn toàn phát triển và vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau... Nếu lỏng tay với tín dụng, sẽ có thể gây ra hệ quả nợ xấu bùng phát, bất ổn hệ thống, tác động lạm phát.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định, dù vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo năm nhưng cơ quan này có điều chỉnh linh hoạt dựa trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Liên quan đến việc nới room ngoại lên 49%, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Dự thảo này điều chỉnh quy định room của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cho phép room ngoại tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc. Theo cơ quan quản lý, mức này chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chưa nên mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính đến 15/2, có 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại. Còn lại vẫn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại 30%. Trong khi đó, một số ngân hàng chọn phương án tạm thời khóa room ngoại.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị. Vì thế, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Chứng khoán KB, nhận định: “Khi được tăng room ngoại, tổ chức tín dụng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn, qua đó có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cao hơn, giảm thiểu rủi ro hoạt động”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone