Ngân hàng ngóng room tín dụng năm 2023 để tính bơm tiền
Minh Dũng -
19/01/2023 14:38 (GMT+7)
(VNF) - Nhiều ngân hàng mong chờ room tín dụng năm 2023 sẽ được cấp ngay trong tháng 1 để ccó cơ sở cân đối vốn. Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2023 sẽ giảm, xuất phát từ nền cao năm 2022.
Ngân hàng ngóng chờ room tín dụng
Một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cấp thêm hạm mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 1 này. Theo đó, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10-12% tùy theo sức khỏe mỗi ngân hàng.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.
Điều đáng nói, tăng trưởng tín dụng đóng góp bình quân vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất của các ngân hàng.
Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, có dấu hiệu chững lại trong tăng trưởng lợi nhuận theo quý của ngành ngân hàng kể từ quý II/2022. Theo đó, sự phân hóa tiếp diễn trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng, cụ thể, nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm 1 có mức tăng bình quân lần lượt là 33% và 48%, trong khi nhóm 2 và nhóm 3 là 37% và âm 0,5%.
“Tăng trưởng tín dụng theo năm vẫn là động lực quan trọng với mức đóng góp bình quân vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất”, báo cáo của VDSC đánh giá.
Vì vậy, nhiều ngân hàng thương mại đang rất mong chờ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm mới.
Mới đây, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đề nghị cơ quan quản lý sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công bố các giới hạn tăng trưởng trong năm 2023 và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để VietinBank và các ngân hàng khác cân đối vốn, từ đó có sự chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng đề xuất, NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Theo ông Dũng, việc gỡ room tín dụng cho khối Big 4 sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.
Không chỉ ngóng room tín dụng, nhiều ngân hàng còn mong chờ NHNN sớm sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo hướng phù hợp hơn với thị trường. Tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) được hi vọng sẽ được nâng từ 85% lên 90%, sẽ giúp giải phóng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế.
Room tín dụng 2023 ra sao?
Trong cả năm 2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5% - mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2022, các chuyên gia cho hay, năm qua, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh nửa đầu năm và giảm nhiệt vào cuối năm, trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Giới phân tích cho rằng, tín dụng năm 2023 sẽ giảm tốc, xuất phát từ nền cao năm 2022. Hạn mức tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2023 sẽ chỉ trong khoảng 11-14%.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, NHNN dự kiến sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức độ vừa phải. Hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể tiếp tục xoay quanh khoảng 13-14% trong năm mới, với định hướng nhất quán tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn ở mức cao.
Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ vào khoảng 11-12%, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022, do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng và một số động lực tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm, bên cạnh đó là quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng sẽ đạt khoảng 12% trong năm 2023. Nguyên nhân làm tăng trưởng tín dụng chậm lại là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng; áp lực lạm phát; căng thẳng thanh khoản... Tín dụng chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả năm 2023-2024.
"Hé lộ" về hạn mức tín dụng năm 2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho hay: "Chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc. Riêng với điều hành tín dụng năm 2023 cũng như các năm gần đây, NHNN luôn có thông điệp rất rõ ràng đó là NHNN luôn luôn hỗ trợ, cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Luôn lấy mục tiêu lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tăng trưởng tín dụng".
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2023, NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Lãnh đạo NHNN cho biết, việc phân bổ tín dụng ưu tiên những ngân hàng thanh khoản dồi dào và có chính sách giảm lãi suất hiện nay. Bên cạnh đó, NHNN thấy rằng cần thiết hạn chế tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao.
Như vậy, các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt... có thể sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.