'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) là một trong những "ông lớn" quốc doanh hàng đầu ở lĩnh vực năng lượng nói chung và lĩnh vực than, khoáng sản nói riêng.
Với vị thế lớn mạnh, tập đoàn TKV có vai trò đầu tàu trong việc cung ứng đủ lượng than cần thiết cho nền kinh tế, đặc biệt là cung cấp cho sản xuất điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Ở lĩnh vực sản xuất điện, không chỉ chiếm phần lớn trong tổng công suất điện, nhiệt điện than còn rất nổi bật khi có giá trị cao về sản xuất ra điện lượng. Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện hiện nay, đặc biệt mỗi thời điểm sản lượng huy động từ các nhà máy thủy điện gặp khó khăn do điều kiện thủy văn, lưu lượng nước về các hồ thấp thì các nhà máy nhiệt điện than luôn được huy động ở mức cao nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt này.
Vì lẽ đó, các hoạt động thương mại xoay quanh mặt hàng than, nguồn nhiên liệu chính luôn sôi động, khối lượng mua - bán có thể lên đến cả trăm triệu tấn mỗi năm.
Đối với tập đoàn TKV, do thị phần cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện khá lớn, nên doanh nghiệp qua các năm sẽ chi cả nghìn tỷ đồng cho các đối tác vận tải để phục vụ nhu cầu vận chuyển than, thông qua hình thức đấu thầu.
Một trong số những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải cho tập đoàn TKV đáng chú ý là Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, đơn vị đã trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng.
Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận được thành lập vào cuối tháng 8/2005, là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường thủy nội bộ khá kín tiếng. Việt Thuận có trụ sở chính ở TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Theo giới thiệu, Việt Thuận sở hữu một lượng lớn các phương tiện vận tải hiện đại và đa dạng, bao gồm tàu biển, tàu SB và tàu sông có tải trọng từ 3.000 đến 22.000 tấn.
Lĩnh vực kinh doanh và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp tập trung vào một số dịch vụ chính là dịch vụ vận tải chuyên dụng hàng rời, dịch vụ thuê và cho thuê tàu, dịch vụ kho bãi và dịch vụ vận tải bằng sà lan.
Những năm gần đây, vốn điều lệ của Việt Thuận tăng theo hệ số nhân, liên tục được mở rộng ra gấp hàng trăm lần. Nếu như cuối tháng 3/2016, Việt Thuận có vốn điều lệ 36 tỷ đồng, thì đến tháng cuối tháng 6/2017, con số này là 108 tỷ đồng và tăng gần gấp đôi chỉ sau ba tháng kế tiếp (198 tỷ đồng).
Đến tháng 8/2018, vốn điều lệ của Việt Thuận đứng ở mức 389 tỷ đồng, một năm sau là 800 tỷ đồng và mới đây nhất vào cuối tháng 10/2020, doanh nghiệp vận tải có vốn tròn 1.000 tỷ đồng.
Cho dù trải qua không ít lần thay đổi vốn trong thời gian ngắn, thế nhưng cổ đông của Việt Thuận vẫn rất ổn định, xoay quanh cặp vợ chồng ông Trịnh Trung Úy - bà Nguyễn Thị Nga và bà Nguyễn Thúy Hiền.
Hiện tại ông Úy nắm giữ gần 80% cổ phần và cũng là tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, bà Nga và bà Hiền lần lượt sở hữu gần 13% và hơn 7% còn lại.
Theo thống kê của VietnamFinance, từ giữa năm 2018 đến nay, Việt Thuận đã trúng ít nhất 9 gói thầu của tập đoàn TKV hoặc các đơn vị thành viên với tổng giá trị lên đến 1.140 tỷ đồng. Toàn bộ các gói thầu đều cung cấp dịch vụ vận chuyển than bằng đường thủy, trong đó giá trị lớn nhất là 4 gói thầu chở đến nhà máy điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) và Duyên Hải 1 (Trà Vinh), xấp xỉ 1.030 tỷ đồng.
Cụ thể, tại gói thầu Cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường thủy cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (tháng 5/2018), Việt Thuận đã trúng thầu với giá 304 tỷ đồng, thấp hơn 7,8% so với giá gói; một năm sau đó, doanh nghiệp trúng gói thầu Cung cấp dịch vụ vận tải than bằng đường biển đi nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (tháng 4/2019) với giá 202 tỷ đồng, thấp hơn 7,8%.
Và mới đây, đầu tháng 2/2021, Việt Thuận một lần nữa trúng lại cả hai gói thầu nêu trên, với giá trúng là 201 tỷ đồng và 322 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 1,6% và 5,5% so với giá gói thầu.
Một điểm khá thú vị, đó là mối quan hệ giữa Việt Thuận và tập đoàn TKV khá thân thiết, khi doanh nghiệp vận tải này từng chi gần 85 tỷ đồng để mua toàn bộ hơn 6,9 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vận tải thủy - Vinacomin (UPCoM: WTC), xấp xỉ 70% vốn do TKV sở hữu vào ngày 4/1/2019.
Mức giá trúng bình quân khi đó là 12.200 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4 lần so với giá kết phiên 3/1/2019. Càng đặc biệt hơn khi tình hình tài chính khi đó của WTC rất kém tích cực, tại thời điểm 30/6/2018 doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng, vượt quá nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu là hơn 2,8 tỷ đồng.
Cũng tại ngày này, khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt quá tổng tài sản ngắn hạn gần 34 tỷ đồng, kiểm toán viên khi đó đã nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của WTC.
Ở WTC, ông Trịnh Trung Úy giữ vị trí chủ tịch HĐQT kể từ ngày 18/1/2019 đến nay. Liên quan đến đấu thầu, tương tự Việt Thuận trong những ngày đầu tháng 2/2021, WTC cũng trúng gói thầu Cung cấp dịch vụ vận chuyển than bằng đường biển đi nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tới từ tập đoàn TKV với giá 71 tỷ đồng, thấp hơn giá gói 9%.
Trước đó, WTC trúng gói thầu Dịch vụ tiếp nhận, chế biến than nhập khẩu năm 2020 (tháng 3/2020) với giá trúng 66,8 tỷ đồng, tiết kiệm 0,8% cho chi nhánh Tập đoàn TKV Công ty Kho vận Đá Bạc Vinacomin. Đặc biệt, WTC trúng thầu dưới vai trò liên danh với Công ty Cổ phần Khai thác Khoáng sản và Dịch vụ Itasco, doanh nghiệp được ông Úy nắm giữ 53,3% vốn.
Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, nhờ thắng lớn ở các gói thầu liên quan đến tập đoàn TKV, những năm qua tình hình kinh doanh của Việt Thuận được cải thiện rõ rệt.
Trong đó, doanh số của Việt Thuận ghi nhận tăng trưởng khá tốt với tốc độ tăng bằng lần. Cụ thể, năm 2016 là 396,3 tỷ đồng; năm 2017 là 586,4 tỷ đồng; năm 2018 là 1.103 tỷ đồng và năm 2019 là 1.729 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn luôn chiếm trên 85% doanh thu, dẫn tới lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp không quá cao, chỉ đạt 11,1 tỷ đồng (năm 2016), 21,1 tỷ đồng (năm 2017), 87,8 tỷ đồng (năm 2018) và 119 tỷ đồng (năm 2019).
Để mở rộng quy mô hoạt động nhanh chóng, vợ chồng ông Úy không chỉ liên tiếp rót thêm các khoản vốn khủng, mà còn đẩy mạnh các khoản nợ ngoài. Tính đến cuối 2019, vốn chủ sở hữu của Việt Thuận đứng ở mức 858 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.893 tỷ đồng, đối ứng tổng tài sản đạt 2.751 tỷ đồng.
Đối với Khai thác Khoáng sản và Dịch vụ Itasco, doanh nghiệp bán buôn than đá và nguyên liệu rắn khác ghi nhận doanh thu rất trồi sụt trong giai đoạn 2016 - 2019. Nếu năm 2016 chỉ đạt 352 tỷ đồng, thì đến năm 2018 tăng vọt lên mức 1.937 tỷ đồng, tuy nhiên nhanh chóng giảm còn 638 tỷ đồng năm 2019.
Đáng chú ý, bất chấp doanh số biến động mạnh, song lợi nhuận ròng của doanh nghiệp ổn định ở mức rất mỏng. Cụ thể, Khai thác Khoáng sản và Dịch vụ Itasco có lãi lần lượt 4,5 tỷ đồng, 10,5 tỷ đồng, 31,4 tỷ đồng và 4,9 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2019.
Tổng tài sản cũng có xu hướng giảm mạnh, từ 240 tỷ đồng năm 2016, đến năm 2019 chỉ còn 95,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối năm 2019 đạt 73,8 tỷ đồng, nợ phải trả ở mức 21,6 tỷ đồng.
Ngoài hai pháp nhân nêu trên, ông Úy cũng đang nắm giữ 55% vốn tại Công ty TNHH Thương mại Linh Việt Hải, 62% vốn tại Công ty TNHH Vận tải Nam Việt Thuận, 75% vốn tại Công ty TNHH Thương mại Xan Da và 30% vốn tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu than đá Nam Anh.
Ngoài Vận tải Nam Việt Thuận, các doanh nghiệp còn lại đều có quy mô khá nhỏ, đơn cử như Thương mại Linh Việt Hải chỉ đăng kí 8 nhân viên (công ty mẹ), có vốn chủ sở hữu 7 tỷ đồng, doanh thu đạt 744 triệu đồng và lãi 40 triệu đồng trong năm 2019...
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.