Tài chính quốc tế

Đưa loạt công ty Trung Quốc vào danh sách đen, Mỹ có động thái 'ngoại lệ' gây tranh cãi

(VNF) - Mới đây, Tổng thống Joe Biden đã kí giấy phép trị giá hơn 23 tỷ USD cho phép các công ty Mỹ vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho một số công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen. Động thái này của Tổng thống Mỹ bị chỉ trích là không công bằng khi tạo thành "ngoại lệ" riêng cho các thực thể của Bắc Kinh.

Đưa loạt công ty Trung Quốc vào danh sách đen, Mỹ có động thái 'ngoại lệ' gây tranh cãi

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện về kế hoạch đầu tư vào sản xuất chip ở New York.

Động thái này được đưa ra một tuần sau khi chính quyền Biden bổ sung thêm các công ty của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại và nhiều tháng sau khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách mới nhằm hạn chế việc vận chuyển chip và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc.

Việc cấp giấy phép trị giá hơn 23 tỷ USD cho các công ty Trung Quốc của tổng thống Mỹ đã vấp phải không ít chỉ trích từ các chính trị gia trong nước, đặc biệt tại Hạ Viện, khi Washington trước đó đã tỏ ra vô cùng quyết liệt trong việc hạn chế lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh. 

“Thật ngạc nhiên, Bộ Thương mại tiếp tục cấp giấy phép bán công nghệ quan trọng của Mỹ cho các đối thủ của chúng ta”, ông Michael McCaul, Đại diện Đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, cho biết.

Ông McCaul cũng cho biết Bộ Thương mại, cơ quan trực tiếp kiểm soát việc xuất nhập khẩu, chỉ từ chối khoảng 8% yêu cầu cấp phép xuất khẩu trong quý I/2022 cho các công ty nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ.

Đại diện Đảng Cộng hòa cho rằng điều này không phù hợp tuyên bố của Tổng thống Joe Biden trước đó về việc chính quyền ông đang làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn các công nghệ nhạy cảm của Mỹ lọt vào tay quân đội, các cơ quan tình báo hoặc các bên khác của Trung Quốc.

Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng thực tế, đây không phải lần đầu Mỹ có những động thái ngoại lệ cho các công ty Trung Quốc. Ông Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách Công nghiệp và An ninh Mỹ, cho biết những chính sách tương tự cũng từng được đưa ra dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.

Ví dụ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị chính quyền cựu Tổng thống Trump thêm vào danh sách đen thương mại vào năm 2019 bởi các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt, khả năng gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Nhưng thay vì tẩy chay hoàn toàn, chính quyền của ông Trump đã thực hiện chính sách đặc biệt đối với Huawei: Từ chối cho họ tiếp cận một số công nghệ như chip 5G nhưng cho phép họ nhận các mặt hàng khác, chẳng hạn như chip 4G.

Xem thêm >> Kinh tế Trung Quốc phục hồi, ‘thổi luồng sinh khí mới’ cho châu Á

Tin mới lên