Được ông Trump trao quyền, tỷ phú Elon Musk có tiết kiệm được 2.000 tỷ USD cho nước Mỹ?
(VNF) - Tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla và trang mạng xã hội X, đã gợi ý vào tháng trước tại cuộc vận động của ông Donald Trump ở thành phố New York rằng có thể cắt giảm "ít nhất 2.000 tỷ USD" khỏi chi tiêu của chính phủ Mỹ bằng cách xóa bỏ các khoản chi "lãng phí".
- EU cai năng lượng Nga, khí đốt LNG thành 'con bài' trong tay Mỹ 13/11/2024 08:45
Tổng thống đắc cử Trump ngày 12/11 thông báo bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ, cơ quan cắt giảm chi tiêu lãng phí và giám sát hiệu quả hoạt động của chính phủ. Ông Trump cho biết ban này không thuộc chính phủ, chịu trách nhiệm tham vấn cho những người ở Nhà Trắng về việc cải tổ các cơ quan liên bang.
Việc được bổ nhiệm vị trí mới trao cho vị tỷ phú giàu nhất thế giới cơ hội để đưa các kế hoạch của mình vào thực tiễn.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong năm tài chính gần đây nhất (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), chính phủ liên bang Mỹ đã chi 6.750 tỷ USD.
Điều này có nghĩa là khoản cắt giảm 2.000 tỷ USD mà Elon Musk đề xuất sẽ tương đương với mức cắt giảm khoảng 30% tổng chi tiêu của chính phủ liên bang (hay có thê hiểu là chi tiêu quốc gia).
Vậy đề xuất đó thực tế đến mức nào?
Khoảng 880 tỷ USD (chiếm 13% tổng chi tiêu của chính phủ Mỹ) được dùng để trả lãi cho khoản nợ quốc gia, điều đó có nghĩa là không thể cắt giảm khoản chi tiêu này mà không khiến chính phủ Mỹ vỡ nợ.
Khoảng 1,46 nghìn tỷ USD (22%) được dành cho An sinh xã hội, chủ yếu là lương hưu cho người Mỹ ở độ tuổi nghỉ hưu. Đây là một khoản chi tiêu “bắt buộc”, nghĩa là phải được chi theo luật cho những người đủ điều kiện.
Các khoản chi tiêu bắt buộc lớn khác của chính phủ bao gồm Medicare - một chương trình bảo hiểm y tế do chính phủ tài trợ chủ yếu phục vụ người Mỹ trên 65 tuổi.
Cái gọi là chi tiêu "linh động" của chính phủ Mỹ (khoản chi không được quy định vĩnh viễn trong luật nhưng phải được các nhà lập pháp Mỹ bỏ phiếu hàng năm) bao gồm quốc phòng (874 tỷ USD, chiếm 13%), giao thông vận tải (137 tỷ USD, chiếm 2%) và giáo dục, đào tạo, việc làm và dịch vụ xã hội (305 tỷ USD, chiếm 5%).
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, tổng chi này chiếm khoảng 25% tổng số trong năm tài chính 2023, trong đó hơn một nửa dành cho quốc phòng.
Về lý thuyết, chính quyền ông Trump sắp tới sẽ dễ cắt giảm chi tiêu linh động hơn là chi tiêu bắt buộc.
Ông Donald Trump đã nói rằng lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ gồm tỷ phú Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy sẽ đạt được mục tiêu tiết kiệm từ việc phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa và tái cấu trúc các cơ quan chính phủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 4/2023, tỷ phú Musk tuyên bố đã cắt giảm nhân sự của Twitter (hiện là X) từ 8.000 xuống còn 1.500 sau khi mua lại mạng xã hội này vào năm 2022.
Tuy nhiên, nếu tất cả 2.000 tỷ USD trong khoản tiết kiệm chi tiêu của chính phủ Mỹ hiện đang được ông Musk nhắm đến đều đến từ chi tiêu linh động, các nhà phân tích tính toán rằng toàn bộ các cơ quan - từ giao thông, nông nghiệp đến An ninh Nội địa - sẽ phải đóng cửa hoàn toàn. Chi tiêu linh động chỉ chiếm 1.700 tỷ USD vào năm 2023.
Tỷ phú Elon Musk không nói rõ liệu ông có đặt mục tiêu tiết kiệm 2.000 tỷ USD chỉ trong một năm hay trong thời gian dài hơn hay không, nhưng nhiều chuyên gia tài chính công Mỹ, bao gồm cả những người về nguyên tắc ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ Mỹ, đều nghi ngờ khả năng tiết kiệm ở quy mô như vậy trong thời gian ngắn nếu không có tác động mạnh tới các chức năng quan trọng của chính phủ hoặc gây ra sự phản kháng lớn của công chúng.
Sau khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào năm 2022, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã phải vật lộn để thông qua luật cắt giảm đáng kể 130 tỷ USD chi tiêu linh động của chính phủ sau khi gặp phải sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa khác.
Điều quan trọng nữa là phải lưu ý rằng ông Donald Trump đã vận động tranh cử trên nền tảng làm cho An sinh xã hội được cản thiện hơn về mặt tài chính, chứ không phải ít hơn, bằng cách xóa bỏ thuế thu nhập phải trả cho nó. Và, về quốc phòng, ông Trump cho biết ông sẽ xây dựng một "lá chắn phòng thủ tên lửa mái vòm sắt" xung quanh nước Mỹ, ngụ ý chi tiêu nhiều hơn trong lĩnh vực này, chứ không phải cắt giảm.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, tổng chi tiêu của chính phủ liên bang Mỹ so với nền kinh tế Mỹ vào năm 2024 là khoảng 23% .
Đây là một tỷ lệ nhỏ hơn đáng kể so với chi tiêu của chính phủ quốc gia ở các nước phát triển khác.
Tuy nhiên, một phần lớn chi tiêu của chính phủ tại Mỹ, bao gồm hầu hết chi tiêu cho trường học, được thực hiện ở cấp tiểu bang chứ không phải cấp liên bang, và các tiểu bang được tài trợ bởi thuế bán hàng và thuế tài sản địa phương.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo rằng tổng "chi tiêu của chính phủ nói chung" của Mỹ, bao gồm chi tiêu của từng tiểu bang, sẽ vào khoảng 37,5% GDP vào năm 2024.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở Anh là 43%, ở Đức là 48% và ở Pháp là 57%.
Chính phủ Mỹ hiện đang thâm hụt hàng năm (thâm hụt giữa chi tiêu và doanh thu thuế) tương đương khoảng 6% nền kinh tế. Và nợ quốc gia của Mỹ hiện tương đương khoảng 97% quy mô nền kinh tế.
Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm Mỹ (CRFB - một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận) đã dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên 125% vào năm 2035.
CRFB dự đoán rằng nếu không cắt giảm chi tiêu mạnh, kế hoạch cắt giảm thuế của ông Donald Trump sẽ làm tăng đáng kể thâm hụt ngân sách của Mỹ trong thập kỷ tới và đẩy nợ quốc gia của Mỹ lên 143% vào giữa thập kỷ tiếp theo.
Nga - Trung hợp tác kinh tế lập đỉnh lịch sử, ông Trump khó bề ‘chia rẽ’
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.