Người dân Trung Quốc chi 210 tỷ USD mua thuốc lá, tiêu thụ 2,4 nghìn tỷ điếu/năm

Mộc An - 12/11/2024 10:28 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng hạn chế hút thuốc toàn cầu khi doanh số bán thuốc lá tăng vọt tại nước này, được thúc đẩy bởi “công ty thuốc lá lớn nhất thế giới” China Tobacco.

Tập đoàn Thuốc lá Quốc gia Trung Quốc (thường được gọi là China Tobacco) gần như độc quyền về doanh số bán sản phẩm thuốc lá tại Trung Quốc, giúp công ty nhà nước này phát triển thành nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới, mặc dù ít được biết đến ở nước ngoài.

Doanh số bán lẻ thuốc lá tại Trung Quốc đã tăng trong 4 năm qua, đạt 2,44 nghìn tỷ điếu vào năm 2023, dữ liệu từ Euromonitor cho thấy. Nhóm nghiên cứu dự báo doanh số sẽ tiếp tục tăng hàng năm, đạt 2,48 nghìn tỷ điếu vào năm 2028 .

Euromonitor cho biết thêm rằng sự tăng trưởng này trùng hợp với sự gia tăng mức độ phổ biến của thuốc lá “mỏng”, thường được quảng cáo là “ít hắc ín” và nhiều loại thuốc lá có hương vị khác.

Doanh số bán lẻ thuốc lá tại Trung Quốc đã tăng trong 4 năm qua, đạt 2,44 nghìn tỷ điếu vào năm 2023 (Ảnh: Getty Images)

Những xu hướng này, được thúc đẩy bởi China Tobacco, diễn ra trong bối cảnh doanh số bán thuốc lá toàn cầu suy giảm trong dài hạn. Theo dữ liệu của Euromonitor, từ năm 2019 đến năm 2023, doanh số bán thuốc lá điếu hàng năm trên toàn thế giới đã giảm khoảng 2,7% xuống còn 5,18 nghìn tỷ điếu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc là quốc gia có nhiều người hút thuốc lá nhất thế giới (khoảng 300 triệu người), chiếm gần 1/3 tổng số người hút thuốc lá trên toàn thế giới.

Mặc dù Bắc Kinh đã cam kết hạn chế tình trạng hút thuốc lá nhưng dường như điều này vẫn chưa tác động đáng kể đến doanh số bán thuốc lá.

Cục Độc quyền thuốc lá nhà nước Trung Quốc (STMA - cơ quan quản lý thuốc lá của Trung Quốc), đơn vị giám sát hoạt động của China Tobacco, báo cáo rằng ngành công nghiệp thuốc lá của Trung Quốc đã đạt doanh thu khoảng 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (210 tỷ USD) trong năm tài chính 2023, tăng 4,3% so với năm trước. China Tobacco ước tính chiếm 97% sản lượng và doanh số bán thuốc lá của cả nước.

Philip Morris International (Mỹ), công ty thuốc lá lớn thứ hai thế giới, báo cáo doanh thu ròng là 35,2 tỷ USD vào năm 2023.

"Xung đột lợi ích"

Các chuyên gia nói với CNBC rằng một trong những yếu tố chính giúp cắt giảm việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước giàu có, chính là Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm mục đích giảm việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu.

Ông Gan Quan, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận kiểm soát thuốc lá tại Vital Strategies, cho biết: “Chúng tôi có xu hướng thấy ít tiến triển hơn ở những quốc gia mà ngành công nghiệp thuốc lá có thể tác động đến chính sách của chính phủ”.

Trong trường hợp của China Tobacco, chính sách của ngành và chính phủ chồng chéo trực tiếp lên nhau. Công ty được thành lập vào năm 1982 với mục đích rõ ràng là đưa ngành công nghiệp vào một tổ chức được lập kế hoạch tập trung.

Theo ông Quan, STMA của Trung Quốc tham gia trực tiếp vào việc thiết lập chính sách kiểm soát thuốc lá trong nước. Do đó, China Tobacco hoạt động như một công ty và một cơ quan quản lý cho thị trường thuốc lá Trung Quốc, tạo ra “một xung đột lợi ích rõ ràng”.

Ông nói thêm: “China Tobacco đã lợi dụng vị thế nội bộ này và gây ảnh hưởng trong chính phủ để ngăn chặn hiệu quả việc thông qua các chính sách kiểm soát thuốc lá”.

Đến năm 2014, tập đoàn khổng lồ này đã có hơn nửa triệu nhân viên và kiểm soát 33 cơ quan quản lý thuốc lá cấp tỉnh, 57 doanh nghiệp thuốc lá và hơn 1.000 doanh nghiệp thương mại nhỏ khác.

Theo Đại học Bath, công ty này ước tính đóng góp tới 12% vào doanh thu thuế của Trung Quốc.

China Tobacco và công ty con có trụ sở tại Hồng Kông là China Tobacco International (HK) đã không trả lời câu hỏi của CNBC.

Mở rộng toàn cầu

Bà Jennifer Fang, nghiên cứu viên và quản lý dự án tại Viện nghiên cứu bệnh học, đại dịch và xã hội Thái Bình Dương, nói với CNBC rằng vị thế độc quyền của China Tobacco đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty này tại quê nhà, kết hợp với lượng người hút thuốc lớn tại Trung Quốc và việc thiếu sự cạnh tranh từ các thương hiệu phương Tây.

Trung Quốc là quốc gia có nhiều người hút thuốc lá nhất thế giới, chiếm gần 1/3 tổng số người hút thuốc lá trên toàn thế giới.

Trong khi các thương hiệu như Marlboro của Phillip Morris được bán ở Trung Quốc, cũng là thông qua các thỏa thuận cấp phép với China Tobacco.

Với sự thống trị trong nước, China Tobacco gần như hoàn toàn tập trung vào thị trường Trung Quốc trong hầu hết lịch sử hoạt động của mình.

Tuy nhiên, nghiên cứu mà bà thực hiện về China Tobacco từ năm 2016 đến năm 2020 cho thấy công ty này đã mở rộng hoạt động trên toàn cầu theo sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh, khi phải đối mặt với nguy cơ thị trường bão hòa hơn và quy định chặt chẽ hơn về thuốc lá trong nước.

Theo bà Fang, tính đến năm 2019, China Tobacco đã mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu sang 20 quốc gia, hoạt động thông qua 34 cơ sở ngoài khơi, bao gồm các văn phòng bán hàng, nhà máy sản xuất và các công ty thu mua thuốc lá chuyên dụng.

Xu hướng này dường như vẫn tiếp tục trong những năm gần đây dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo báo cáo, xuất khẩu thuốc lá của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 ở mức 9,173 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một phần quan trọng trong quá trình mở rộng gần đây là công ty con China Tobacco International, đã IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào tháng 6/2019.

Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 376% kể từ khi ra mắt tại Hồng Kông, theo tính toán dựa trên dữ liệu của LSEG. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu đã tăng gần 160% trong năm nay.

Vào thời điểm IPO, một nhà phân tích tại Tobacco Control đã viết rằng “mục tiêu của IPO là tài trợ cho việc mở rộng thị trường tại các thị trường mục tiêu của China Tobacco và thiết lập sự hợp tác chiến lược với các công ty thuốc lá khác”.

Bà Judith Mackay của Asian Consultancy on Tobacco Control cho biết sự mở rộng này cho thấy China Tobacco mong muốn đi theo bước chân của những "gã khổng lồ" thuốc lá quốc tế như Philip Morris International và British American Tobacco.

“Mục tiêu cuối cùng, giống như mọi công ty thuốc lá khác, là bán được nhiều thuốc lá hoặc sản phẩm nicotine hơn”, bà Judith nhấn mạnh thêm.

Theo CNBC
Bất chấp các gói kích thích khổng lồ, kinh tế Trung Quốc vẫn ‘ì ạch’

Bất chấp các gói kích thích khổng lồ, kinh tế Trung Quốc vẫn ‘ì ạch’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng với tốc độ chậm nhất trong bốn tháng trong khi tình trạng giảm phát giá sản xuất ngày càng trầm trọng, ngay cả khi Bắc Kinh tăng gấp đôi biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ.
Cùng chuyên mục
Tin khác