Nga sáp nhập 3 ‘ông lớn’ dầu mỏ thành một để ứng phó với trừng phạt?
(VNF) - Nga đang xem xét kế hoạch sáp nhập ba công ty dầu mỏ lớn nhất thành một công ty sản xuất dầu mỏ lớn duy nhất, theo Wall Street Journal (WSJ).
Tạo ra nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới
Các nguồn tin thân cận của WSJ cho hay Rosneft Oil (do nhà nước hậu thuẫn) sẽ tiếp quản Gazprom Neft (một công ty con của tập đoàn khí đốt tự nhiên khổng lồ Gazprom) và Lukoil để tạo ra nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Aramco của Saudi Arabia, và sẽ bơm gần gấp ba lần sản lượng dầu của Exxon Mobil của Mỹ.
Wall Street Journal cho hay thỏa thuận này sẽ cho phép Nga tính giá cao hơn cho khách hàng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán giữa các giám đốc điều hành và quan chức chính phủ đã diễn ra trong vài tháng qua và tờ báo cho biết cũng có thể không có thỏa thuận nào được đưa ra, trích dẫn nguồn tin từ những người am hiểu vấn đề mà tờ báo không nêu tên.
Tờ báo cho biết vẫn còn một số trở ngại, bao gồm sự phản đối của một số giám đốc điều hành của Rosneft và Lukoil cũng như lượng tiền mặt "khổng lồ" để trả cho các cổ đông của Lukoil.
Theo các nguồn tin của WSJ, các cuộc thảo luận về việc sáp nhập làm nổi bật lên mong muốn của chính quyền trong việc sử dụng ngành năng lượng như một nguồn thu nhập cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Các nguồn tin cho biết một tập đoàn năng lượng lớn như vậy sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dầu mỏ và khí đốt là nền tảng của nền kinh tế Nga, đóng góp gần một phần ba doanh thu liên bang.
Các nhà lãnh đạo của ba công ty này có quyền lực vô cùng lớn ở Nga, và việc tái tổ chức sẽ đi kèm với rủi ro là trao quá nhiều quyền lực vào tay một người. Tuy nhiên, những người ủng hộ kế hoạch này tin rằng 3 công ty kết hợp lại có thể mang về doanh thu nhiều hơn đáng kể, theo WSJ.
Người phát ngôn của Rosneft nói với WSJ rằng thông tin của họ là không chính xác nhưng từ chối trả lời các câu hỏi, trong khi người phát ngôn của Lukoil nói với tờ báo rằng cả công ty lẫn các cổ đông đều không tham gia đàm phán sáp nhập "với bất kỳ bên nào vì điều này sẽ không vì lợi ích của công ty".
Tờ báo trích lời người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết chính quyền không biết gì về thỏa thuận này.
Tháng trước, Điện Kremlin cho biết họ không thể xác nhận thông tin về việc Bộ trưởng năng lượng Nga đã đưa ra đề xuất quốc hữu hóa ngành năng lượng.
Sản lượng dầu của Nga sẽ đạt 540 triệu tấn vào năm 2030
Sản lượng dầu của Nga có thể tăng từ 531 triệu tấn vào năm 2023 lên 540 triệu tấn vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch, và duy trì ở mức đó cho đến năm 2050, theo chiến lược năng lượng sửa đổi đến năm 2050 đã được đệ trình lên chính phủ Nga.
Ban đầu, bản dự thảo chiến lược ước tính Nga sẽ đạt sản lượng 540 triệu tấn vào năm 2036, theo kịch bản mục tiêu. Bản dự thảo tài liệu cũng chỉ có hai kịch bản phát triển ngành nhiên liệu và năng lượng của đất nước, một kịch bản mục tiêu và một kịch bản quán tính, trong khi phiên bản sửa đổi của tài liệu bổ sung thêm hai kịch bản nữa, một kịch bản căng thẳng và "tiềm năng kỹ thuật".
Kịch bản căng thẳng cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng về sản lượng sản xuất trong các lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng trong bối cảnh khả năng xuất khẩu bị thu hẹp và tình hình bên ngoài nói chung trở nên tồi tệ hơn, theo tài liệu.
Cụ thể, theo kịch bản căng thẳng, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm xuống mức 0 vào năm 2050. Trong khi đó, kịch bản "tiềm năng kỹ thuật" bao gồm các mức hiệu suất cao nhất có thể tùy thuộc vào trình độ kỹ thuật hiện tại và dự kiến của các lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng, các hạn chế về cơ sở hạ tầng...
Kịch bản mục tiêu cho thấy xuất khẩu dầu sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 - từ 234 triệu tấn lên 235 triệu tấn vào năm 2030 và duy trì ở mức đó vào năm 2050. Nguồn cung dầu cho thị trường trong nước sẽ tăng từ 297 triệu tấn vào năm 2023 lên 305 triệu tấn trong giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050.
Lọc dầu có thể đạt tổng cộng 283 triệu tấn trong giai đoạn 2030-2050 so với 275 triệu tấn vào năm 2023. Xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ có thể đạt 141 triệu tấn trong giai đoạn 2030-2036 và 146 triệu tấn vào năm 2050 so với 132 triệu tấn vào năm 2023.
Chiến thắng của ông Trump 'đe dọa' kinh tế Nga như thế nào?
- Năng lượng xanh: Kỷ nguyên hợp tác mới giữa Mỹ - ASEAN hậu bầu cử 05/11/2024 03:43
- Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: 'Nguy’ và ‘cơ’ với các thị trường Đông Nam Á 05/11/2024 02:54
- Tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lên các loại tài sản quan trọng 05/11/2024 04:39
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.