Chiến thắng của ông Trump 'đe dọa' kinh tế Nga như thế nào?
(VNF) - Không giống như chiến thắng lần đầu tiên của ông Donlad Trump vào năm 2016 được giới tinh hoa Nga chào đón bằng sự hân hoan, sự trở lại lần này của ứng viên đảng Cộng hòa đang dấy lên nhiều lo ngại hơn ở Moscow, ít nhất là về mặt kinh tế.
Áp lực trừng phạt sẽ tiếp tục
Ông Donald Trump đã đưa ra nhiều cam kết và đe dọa gây tranh cãi trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.
Phát biểu ngẫu hứng của ông vào tháng 9 về triển vọng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga và Iran để đảm bảo đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới đã khiến một số nhà quan sát lo ngại. Tuy nhiên, khả năng điều này xảy ra có vẻ rất thấp.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ngay cả khi ông Trump có vẻ sẵn sàng kết bạn với Nga thì đảng Cộng hòa vẫn không thể giảm bớt áp lực lên Moscow.
Ngược lại, các lệnh trừng phạt đã được thắt chặt. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nổi tiếng, trong đó có các biện pháp vượt xa những biện pháp do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra.
Các biện pháp này đã được Quốc hội thông qua mà không cần sự chấp thuận của ông Trump, người đã phải rút lại sự phản đối và ký vào dự luật.
Ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của Điện Kremlin cũng thừa nhận rằng hy vọng cho rằng ông Trump sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt ngay lúc này, khi chiến sự Nga-Ukraine đang diễn ra và rất nhiều nguồn lực được chi ra để giúp đỡ Kyiv là quá khó tin.
Chắc chắn, về mặt lý thuyết, ông Trump có thể hợp pháp đưa ra ngoại lệ đối với chế độ trừng phạt hiện hành đối với Nga. Ông cũng có thẩm quyền thu hồi các lệnh hành pháp cho phép trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã sử dụng để trừng phạt Nga.
Nhưng với việc Quốc hội dường như đã đạt được thỏa thuận lưỡng đảng về các hạn chế liên quan đến Nga và cam kết hỗ trợ Ukraine, các nhà lập pháp có thể ngăn chặn mọi động thái của ông Trump giống như họ đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, mặc dù miễn cưỡng tăng tài trợ cho Ukraine, đã chỉ trích Nga vì việc đưa quân tới Ukraine và không bày tỏ mong muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Các nhà lập pháp John Thune, John Cornyn và Rick Scott, đều được nêu tên là ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo tiếp theo của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, cũng đã chỉ trích Nga và thúc đẩy các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow.
Đẩy khí đốt Nga ra khỏi châu Âu
Việc gia tăng mạnh mẽ nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho châu Âu để thay thế khí đốt đường ống của Nga kể từ xung đột Ukraine nổ ra đã giúp đưa Mỹ trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu của châu lục vào năm 2023.
Mỹ và châu Âu cũng đang gây áp lực ngày càng tăng lên ngành công nghiệp LNG của Nga. Moscow cần LNG để có thể vận chuyển khí đốt bằng đường biển, trái ngược với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên truyền thống bằng đường ống, vốn đang gặp phải nhiều trở ngại do địa chính trị và tình trạng tắc nghẽn cơ sở hạ tầng.
Cho đến nay, nạn nhân chính chịu áp lực từ phương Tây chính là dự án LNG Arctic-2 quan trọng của Nga, vốn đã phải cắt giảm sản lượng và đang phải đối mặt với những trở ngại về vận chuyển .
Tuy nhiên, Nga vẫn cung cấp được khoảng 14,5 triệu tấn LNG cho châu Âu trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, mặc dù con số này còn kém xa so với khối lượng của Mỹ.
Năm 2023, Mỹ cung cấp khoảng 53,2 triệu tấn LNG cho EU và Vương quốc Anh, gấp khoảng 4 lần so với con số 13,5 triệu tấn của Nga.
Trong khi đó, một nước EU đang thúc đẩy các biện pháp mới chống lại LNG của Nga, điều này sẽ khiến khí đốt của Mỹ trở nên quan trọng hơn đối với châu Âu và là điều mà ông Trump khao khát ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Giá dầu thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến ngân khố của Nga
Một mối đe dọa tiềm tàng khác đối với Nga đến từ các biện pháp mà chính quyền ông Trump có thể áp dụng nhằm khuyến khích tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ, ngay khi cuộc đối đầu kinh tế giữa nước này với Trung Quốc có khả năng sẽ gia tăng.
Tất cả những điều này có nguy cơ cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Nga, một động lực chính của nền kinh tế nước này. Sản lượng dầu của Mỹ cao hơn có nghĩa là nguồn cung toàn cầu nhiều hơn, trong khi khả năng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, một trong những thị trường dầu mỏ quan trọng của Nga, có thể làm giảm nhu cầu dầu khí của Nga.
Giá dầu đã giảm khoảng 3% vào ngày 6/11, với giá dầu thô Brent tương lai ở mức 74,02 USD/thùng sau chiến thắng của ông Trump, Reuters đưa tin .
Nhà phân tích Tina Teng cho biết đồng USD mạnh đang gây sức ép lên giá hàng hóa và các chính sách tiềm tàng của ông Trump gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc như mức thuế quan mới là những yếu tố gây sức ép lên giá dầu.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá trung bình của một thùng dầu thô Brent sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm là 73 USD một thùng vào năm 2025, giảm so với mức 80 USD một thùng trong năm nay.
Theo báo cáo, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ vượt quá nhu cầu, phản ánh "sự thay đổi lớn" tại Trung Quốc, nơi nhu cầu dầu đã đi ngang kể từ năm 2023 trong bối cảnh sản xuất công nghiệp chậm lại và doanh số bán xe điện và xe tải chạy bằng LNG tăng.
Ông Tập cảnh báo ông Trump sẽ 'thua thiệt trong cuộc đối đầu' với Trung Quốc
- Năng lượng xanh: Kỷ nguyên hợp tác mới giữa Mỹ - ASEAN hậu bầu cử 05/11/2024 03:43
- Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: 'Nguy’ và ‘cơ’ với các thị trường Đông Nam Á 05/11/2024 02:54
- Tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lên các loại tài sản quan trọng 05/11/2024 04:39
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.