‘Đường ra biển lớn’ và hành trình phi thường của ‘tỷ phú điên’ Richard Branson

Thu Hà - 31/07/2018 08:41 (GMT+7)

(VNF) - Đường ra biển lớn (tựa tiếng Anh: Losing my Virginity) là cuốn tự truyện kể về hành trình “sống sót, tận hưởng và kiếm tiền nhờ kinh doanh” của tỷ phú người Anh Richard Branson.

Cuốn sách tập hợp những trải nghiệm trong kinh doanh và cuộc sống của Branson từ những ngày đầu lập nghiệp, quy tắc riêng mà tự ông xây dựng cho đế chế của mình. Qua đây, có thể thấy rằng chính sức mạnh nội tại cùng cái “chất” ưa mạo hiểm, luôn sống và tận hưởng hết mình đã tạo nên hình mẫu một doanh nhân năng động và thành công trong sự nghiệp cuộc sống hàng ngày.

Sự phi thường của Branson không chỉ nằm ở đế chế kinh doanh đa ngành hàng đầu thế giới Virgin Group mà ông bắt đầu xây dựng gần 50 năm trước, mà còn ở cuộc sống đầu màu sắc với những ý tưởng “điên rồ” và mạo hiểm giống như thông điệp ngay trong phần mở đầu cuốn sách: “Mặc kệ nó, làm tới đi”.

Tỷ phú Richard Branson.

Không giống như Mark Zuckerberg hay Elon Musk - những người có tài năng xuất chúng trong lĩnh vực của mình, Branson là kiểu doanh nhân đậm chất “cuốn theo chiều gió”. Mặc rủi ro, mạo hiểm, ông để bản thân cuốn theo những “cơn lốc ý tưởng” tưởng chừng như điên rồ nhưng lại thành công bất ngờ với tình thần “luôn sẵn sàng thử nghiệm bất cứ điều gì”.

Richard Branson khởi nghiệp năm 16 tuổi với một tạp chí có tên Student. Nhưng không chỉ là một tạp chí, Student nhanh chóng xây dựng mạng lưới đường dây nóng cho sinh viên, học sinh để họ chia sẻ những trở ngại không thể nói với ai. Từ nền tảng của tạp chí này, Branson bắt đầu kiếm tiền thực sự bằng việc bán băng đĩa nhạc với công ty Virgin thành lập vào năm 1970 mà sau này trở thành Virgin Records.

Ông lập ra hãng hàng không Virgin Atlantic Airways.

Điểm đặc biệt của cửa hàng băng đĩa Virgin là nó được xây dựng bởi những người trẻ cho người trẻ. Khi đó, người trẻ thường dành hàng tiếng đồng hồ ở cửa hàng để nghe nhạc trước khi quyết định mua vài băng đĩa và đây chính là nhóm người mang lại doanh thu băng đĩa lớn nhất trên toàn cầu. Họ chọn cửa hàng của Virgin vì chúng ấn tượng và có thể dễ dàng nhận diện thương hiệu.

Có lẽ canh bạc lớn nhất của Branson là Virgin Atlantic Airways khi ông dám lập ra một hãng hàng không để cạnh tranh với British Airways với cáo buộc họ độc quyền và cạnh tranh thiếu công bằng trong thời gian quá dài.

Cùng công thức đó, Branson mở rộng thành đế chế gồm 400 công ty mang thương hiệu Virgin trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch vũ trụ, giải trí, bán lẻ, truyền thông, viễn thông, dịch vụ tài chính, xuất bản… 

Khi các chuyên gia nói rằng “đừng làm điều đó”, Branson lại luôn tìm được những cơ hội vàng trên những thị trường mà khách hàng bị gạt bỏ hoặc không được phục vụ, những nơi sự hỗn loạn đang thống trị và sự cạnh tranh khiến người ta tự mãn.

Branson luôn thích thú, tận hưởng những gì mình đang làm.

Dù rơi vào tình cảnh túng quẫn hay lúc chi hàng trăm triệu USD để mua hòn đảo riêng, tỷ phú này chưa bao giờ ngừng thách thức bản thân và chưa bao giờ ngừng “xây dựng những điều tuyệt vời hơn nữa”. Bởi với ông, kinh doanh không chỉ là kinh doanh hay một cách để kiếm tiền, đó là niềm vui và ông luôn thích thú, tận hưởng những gì mình đang làm.

"Hơn tất cả mọi yếu tố khác, sự vui vẻ chính là bí quyết thành công của Virgin”, Branson nói trong cuốn tự truyện.

Gia đình, bạn bè, những chuyến phiêu lưu luôn được đặt ngang hàng với sự nghiệp kinh doanh của Branson. Cả trong kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân, ông đều thách thức bản thân để đạt được thành công ở cấp độ ngày càng cao. Ông từng là người đầu tiên trên thế giới chinh phục Thái Bình Dương bằng khinh khí cầu. Ông cũng từng là người cao tuổi nhất lướt ván diều qua eo biển Manche năm 61 tuổi.

Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng nhận xét về Branson: “Ông ấy là người có thể kiếm hàng tỷ USD trước bữa sáng nhưng vẫn có biết làm gì để tận hưởng niềm vui”.

Ông đã ra mắt cuốn tự truyện Đường ra biển lớn (tựa tiếng Anh: Losing my Virginity).

Năm 2000, ông được hoàng tử xứ Wales phong tước hiệp sĩ vì những đóng góp trong lĩnh vực kinh doanh. Branson hiện sở hữu khối tài sản trị giá 5,1 tỷ USD, là người giàu thứ 388 trong danh sách tỷ phú năm 2018 của Tạp chí Forbes. Đế chế Virgin Group của ông đã mở rộng ra hơn 400 công ty con mang thương hiệu “Virgin” hoạt động trong hàng trăm lĩnh vực với doanh thu toàn cầu hơn 20 tỷ USD trong năm 2016.

Một trong những sức mạnh của cuốn tự truyện “Đường ra biển lớn” nằm ở sự chân thật, khiêm tốn và hài hước trong văn phong của Branson. Độc giả có thể nghe thấy văn nói của tỷ phú này gần như mọi câu chữ trong cuốn tự tuyện. Với lối tư duy phóng thoáng và cái nhìn rộng mở, Branson đã chia sẻ với bạn đọc những tư tưởng và triết lý đầy lý thú và màu sắc.

Cùng chuyên mục
Tin khác