Đường tới Quốc hội: Doanh nhân Lê Xuân Quế và dấu ấn tại Tập đoàn Sao Mai

Hải Đường - 12/05/2021 08:23 (GMT+7)

(VNF) - Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức 868 người để bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong số doanh nhân có mặt trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, một cái tên đáng chú ý là ông Lê Xuân Quế, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM).

VNF
Đường tới Quốc hội: Doanh nhân Lê Xuân Quế và dấu ấn tại Tập đoàn Sao Mai

Ông Lê Xuân Quế sinh năm 1968 tại Triệu Sơn, Thanh hóa. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng, ông bắt đầu công tác tại Xí nghiệp Tây Sông Hậu – Bộ Xây dựng từ năm 1992.

5 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Phương Nam ở tuổi 29. Ông Lê Xuân Quế bắt đầu công tác tại Tập đoàn Sao Mai từ năm 2003 với chức vụ thành viên HĐQT và đương nhiệm cho đến tháng 4/2019.

Trong quá trình công tác, Ông Quế cũng tham gia hoạt động thành lập và giữ các chức vụ quản trị các công ty thành viên của Tập đoàn Sao Mai như thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản…

Ông Lê Xuân Quế hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Sao Mai đồng thời là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch An Giang. Tính đến cuối năm 2020, số cổ phiếu ASM mà ông Quế nắm giữ là 716.793 đơn vị, tương đương 0,28% vốn điều lệ.

Về hoạt động chính trị, năm 2016, ông Lê Xuân Quế trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Đầu tháng 3 vừa qua, ông được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Quế bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các đồng chí lãnh đạo, các ngành của tỉnh và của cử tri nơi công tác đã tin tưởng giới thiệu ông tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và tái cả đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đồng thời, ông cũng cho biết, nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để thay mặt cho hơn 12.000 cán bộ, nhân viên, người lao động của Tập đoàn Sao Mai, kịp thời có những phản ánh, đề xuất chính đáng đến Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển của đất nước và của tỉnh nhà.

Về phía Tập đoàn Sao Mai, đơn vị này tiền thân là Công ty liên doanh Kiến trúc tỉnh An Giang, được thành lập năm 1988. Đến năm 1997, theo xu hướng mở cửa hội nhập của nền kinh tế lúc bấy giờ, các cán bộ chủ chốt đã tách ra thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang, là doanh nghiệp quốc doanh có chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh.

Tập đoàn Sao Mai chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực xây dựng và thủy sản, trong đó, quỹ đất mà tập đoàn này đang sở hữu là hơn 200ha (tương đương 1.000 tỷ đồng đã thực hiện xong thủ tục giải tỏa đền bù).

Về tình hình kinh doanh, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt hơn 12.524 tỷ đồng, giảm khoảng 12% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn ở mức 30%, thu về 572 tỷ đồng. Theo giải trình, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Sao Mai, dẫn đến sự sụt giảm trong doanh thu cả năm của công ty.

Cùng với đó, chi phí tài chính ghi nhận tăng thêm 259 tỷ đồng (tăng khoản vay từ dự án năng lượng mặt trời) và thu nhập khác giảm hơn 81 tỷ đồng đã dẫn đến việc lợi nhuận sau thuế của Sao Mai có giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu.

Năm 2021, Tập đoàn Sao Mai đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần mục tiêu là 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 700 tỷ đồng. Kết thúc quý I, tập đoàn đều đã hoàn thành trên 21% kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận.   

Cùng chuyên mục
Tin khác