Tài chính quốc tế

EU sắp giáng loạt đòn trừng phạt mới lên Nga, vẫn ‘né’ khí đốt?

(VNF) - Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn nguồn thạo tin cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga và có thể công bố trong những tuần tới, trong đó khả năng cao sẽ không bao gồm lệnh cấm khí đốt của Nga.

EU sắp giáng loạt đòn trừng phạt mới lên Nga, vẫn ‘né’ khí đốt?

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga.

Theo Bloomberg, gói trừng phạt mới có thể nhắm tới các cá nhân và pháp nhân mới từ Nga, hạn chế nhập khẩu vàng, mở rộng danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga…

Theo nguồn tin của Bloomberg, các cuộc thảo luận về việc áp mức giá trần với dầu Nga vẫn đang diễn ra. Bên cạnh đó, những nguồn tin này cũng cho biết một số quốc gia thành viên EU muốn giáng đòn vào khí đốt Nga. Tuy nhiên, "đại đa số các quốc gia không hưởng ứng biện pháp này".

Thủ tướng Czech Petr Fiala là một trong những người không tán thành việc đưa khí đốt vào gói trừng phạt bởi hiện nhiều nước trong khối này vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga.

"Có một quy tắc phải tuân thủ là lệnh trừng phạt phải có tác động lớn hơn với Nga so với các nước áp đặt lệnh trừng phạt", ông Fiala nói.

Cho tới nay EU đã áp 6 gói trừng phạt lên Nga. Trong đó, gói trừng phạt thứ 6 được cho là mạnh tay nhất khi bao gồm cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng từ 6 tháng đối với dầu thô và 8 tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

Dù ra đòn “mạnh tay” với dầu nhưng cho tới nay EU vẫn chưa hề tung ra các đòn trừng phạt với khí đốt Nga.

Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, nhập khẩu trung bình 155 tỷ m3/năm, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Khí đốt Nga chiếm 40% trên tổng số khí đốt nhập khẩu của khối.

Kể từ khi Nga “động binh” vớ Ukraine, EU đã tung ra loạt biện pháp trừng phạt Moscow, trong đó có việc cắt giảm đáng kể khí đốt, hướng tới ngưng hẳn nhập khí đốt từ Nga vào năm 2027 (theo kế hoạch REPowerEU).

Theo một nghiên cứu của trung tâm tư vấn Bruegel công bố hôm 7/7, khối 27 nước thuộc EU đã cắt giảm được 15% lượng tiêu thụ khí đốt Nga so với trước khi chiến sự tại Ukraine diễn ra. Dù vậy, khối này vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga trong ngắn hạn.

Khí đốt từ Nga đưa sang châu Âu chủ yếu theo 3 tuyến đường ống. Tuyến đường Yamal, qua ngả Belarus, rồi Balan; tuyến đường qua Ukraine và tuyến thứ ba qua biển Baltic, tức đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream). Hiện tại, tuyến đường Yamal qua Ba Lan đã bị đóng bởi nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Trong khi đó, lượng khí đốt đi qua tuyến đường Ukraine bị giảm mạnh. Theo công ty OGTSOU của Ukraine, công ty Gazprom hiện chỉ khai thác 1/7 khả năng vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống qua Ukraine.

Như vậy, việc Nga hạn chế và có thể đóng hẳn tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc gần như đồng nghĩa với việc tiến đến cắt hoàn toàn khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.

EU mới đây đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên giảm nhu cầu khí đốt bằng cách khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng ít khí đốt hơn.

Động thái này được đánh giá là một nỗ lực chuẩn bị ứng phó với nguy cơ nguồn cung từ Nga tiếp tục bị cắt giảm.

Xem thêm >> ‘Ông lớn’ năng lượng Nga: Không đảm bảo sự vận hành của Dòng chảy phương Bắc

Tin mới lên