EU thực thi chính sách Xanh, hàng Việt đối mặt thách thức mới

Hồng Hạnh - 29/11/2024 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP).

EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao dưới tác động tích cực, lan tỏa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Thế nhưng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách Xanh của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP).

Ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Bộ Công Thương trao đổi với Vietnamfinance về vấn đề này.

Thưa ông, Hiệp định EVFTA được đánh giá là một động lực rất là quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EU đã thực thi được 4 năm. Vậy xin ông cho biết tình hình thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU và việc tận dụng lợi thế của EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam sau 4 năm thực hiện Hiệp định này?

Ông Đỗ Hữu Hưng

Ông Đỗ Hữu Hưng: Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU là đòn bẩy rất là tích cực đối với cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU.

Cụ thể, thời điểm trước khi ký hiệp định, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt khoảng gần 49 tỷ USD, nhưng sau thời điểm 4 năm, khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều hai bên đã lên gần 64 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã tác động đến những thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi về cơ cấu thị trường xuất khẩu.

Ví dụ, trước đây các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu vào thị trường một số cửa ngõ, thị trường trọng tâm, trọng điểm như là Pháp, Hà Lan, Bỉ…thì bây giờ chúng ta cũng quan sát được có sự chuyển dịch tăng trưởng xuất khẩu sang những thị trường ngách, thị trường nhỏ hơn, ví dụ như các thị trường ở khu vực Đông Âu, thị trường Bắc Âu và thị trường Nam Âu. Chúng tôi có thể kể đến một số thị trường như Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Séc hoặc là Bulgaria.

Về các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang EU,hầu hết đều có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, có thể kể đến các nhóm hàng về công nghiệp như máy móc thiết bị, các phương tiện vận tải, các nhóm hàng về hóa chất và đặc biệt những nhóm hàng về nông sản, thủy sản cũng đạt được sự tăng trưởng rất tốt.

Ngoài ra, về nhập khẩu thì thông qua EVFTA chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu chủ yếu những nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, ví dụ như hóa chất, thức ăn chăn nuôi, những phụ liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong lĩnh vực dệt may hoặc da giày.

Còn việc các doanh nghiệp tận dụng những lợi thế của EVFTA như thế nào thì có thể khẳng định là các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tận dụng rất tốt.

Chúng ta có thể nhìn qua một số con số như là, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1, tức là mẫu chúng ta sử dụng để hưởng những lợi thế ưu đãi về thuế quan. Chẳng hạn, trong năm 2023 kim ngạch tận dụng C/O mẫu EUR.1 đạt 35%, chiếm kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 15 tỷ USD và có sự tăng trưởng khoảng 26% so với năm 2022.

Trong thời gian tới, tôi nghĩ càng ngày các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt hơn nữa những ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do này.

Nếu nói về lĩnh vực đầu tư, thì nhờ Hiệp định thương mại EVFTA, EU đã trở thành nhà đầu tư đứng thứ 6 có vốn FDI đầu tư nhiều vào Việt Nam; hiện giờ họ có khoảng 2.500 dự án với tổng số vốn đăng ký đâu đó khoảng 28 tỷ USD.

Đặc biệt, chúng tôi quan sát, EVFTA không chỉ tạo điều kiện thu hút những nhà đầu tư của châu Âu, mà còn cả những nhà đầu tư ngoài Châu Âu đầu tư sản xuất tại Việt Nam, tận dụng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU để đưa những hàng hóa sản xuất của nhà máy của họ tại Việt Nam sang thị trường Châu Âu.

Gần đây, EU liên tục có các chính sách, quy định mới nghiêm ngặt liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP). Xin ông cho biết, rõ hơn về các quy định này?

Ông Đỗ Hữu Hưng: Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận xanh Châu Âu. Thỏa thuận xanh châu Âu chúng ta hình dung nó như là một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050.

Để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này thì EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có CEAP và trong CEAP cũng sẽ có những quy định chi tiết cụ thể đối với từng nhóm hàng, từng lĩnh vực.

CEAP sẽ có tác động đến bảy nhóm lĩnh vực chính, trong đó là có thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày cũng có sẽ bị ảnh hưởng cũng như là một số lĩnh vực khác.

CEAP có rất nhiều được mục tiêu, có rất nhiều quy định, nhưng quy định tôi nghĩ các doanh nghiệp cần phải quan tâm là ISPR - đây là một quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững.

Quy định này đã có hiệu lực từ tháng 7/2024; có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì.

Trong ISPR thì có một số quy định, ví dụ như liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, hoặc là có những quy định liên quan đến sau này các sản phẩm sẽ phải có cái hộ chiếu kỹ thuật số DPP.

Những quy định này rất phức tạp, ngay cả bản thân chúng tôi có nghiên cứu cũng thấy như vậy. Tuy nhiên hiện giờ phía EU cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Ví dụ như DPP có thể đến cuối năm 2025 dự kiến họ mới có những quy định, hướng dẫn cụ thể. Hay liên quan đến ngăn chặn, tiêu hủy những sản phẩm dệt may và giày dép tồn kho thì có thể giữa năm 2026 họ mới chính thức áp dụng chẳng hạn.

Vậy, kế hoạch này tác động như thế nào tới các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, thưa ông?

Ông Đỗ Hữu Hưng: Hiện giờ nếu đánh giá tác động thì trước tiên thấy rõ các quy định của EU trong CEAP sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy những sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số chẳng hạn có khả năng sẽ không thể thâm nhập được vào thị trường EU, hải quan họ sẽ không cho thông quan chẳng hạn.

Để đáp ứng được những quy định đó thì các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải đầu tư sản xuất, sẽ phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý; chi phí đầu tư tăng cũng có thể khiến chi phí, giá thành sản phẩm của chúng ta sẽ tăng, sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

Tuy nhiên những quy định này cũng có thể tạo ra một số những cơ hội nhất định. Ví dụ ở Châu Âu, chúng ta có thể sẽ có những tệp khách hàng mới. Tại vì sao? Tại vì là trước khi những quy định của châu Âu có hiệu lực thì bản thân người châu Âu đã có xu hướng tiêu dùng bền vững rồi, một bộ phận đã có xu hướng có nhận thức cao về bảo vệ môi trường, ưu tiên thích những sản phẩm bảo vệ môi trường. Chính vì vậy có lẽ nếu các doanh nghiệp của chúng ta có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn như thế thì có thể sẽ tiếp cận được những đối tượng khách hàng mới.

Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu tư sản xuất để thay đổi, để đáp ứng được những tiêu chuẩn Châu Âu ban đầu có thể cao, nhưng mà sau đó tôi nghĩ khi mà các doanh nghiệp đã có được chiến lược đầu tư bài bản và sau đấy họ sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh sản xuất tốt hơn thì cũng sẽ giảm được chi phí về lâu dài.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp như thế nào để đảm bảo các tiêu chuẩn từ các thỏa thuận xanh châu Âu nói chung và CEAP nói riêng để giữ vững thị trường EU và khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA?

Ông Đỗ Hữu Hưng: Thứ nhất các doanh nghiệp cần phải tự trang bị cho mình những thông tin đầy đủ, đúng.

Tại sao tôi nói là đúng? Vì bây giờ là chúng ta thấy rất là nhiều nguồn thông tin, có những nguồn thông tin không chính xác.

Chẳng hạn như ngoài CEAP thì EU cũng đưa ra ban hành một loạt các quy định, trong đó có CBAM, nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông sản hoặc thực phẩm hỏi tôi là họ e ngại CBAM ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp của họ, nhưng mà thực tế không đúng. Vì CBAM hiện giờ họ mới chỉ áp dụng đến một số lĩnh vực phát thải lớn trong lĩnh vực công nghiệp như xi măng, sắt, thép…

Chúng ta tôi cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thường xuyên phải cập nhật những thông tin vì đây là những quy định chính sách của EU, có thể họ sẽ có những giai đoạn thí điểm và sau đấy họ có thể thay đổi chứ không phải cố định. Quy định đấy bây giờ như thế này nhưng sau họ có thể mở rộng ra những lĩnh vực khác nên là các doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những thông tin đúng và chính xác, đầy đủ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp để mà tiếp cận được những thị trường không chỉ những thị trường như EU mà trong thời gian tới nhiều thị trường sẽ có xây dựng những chính sách phát triển bền vững của riêng mình. Ví dụ như Hoa Kì, Canada, Nhật Bản hay một số các thị trường khác cũng sẽ có những chính sách riêng.

Chính vì vậy, để thâm nhập được thị trường EU thì các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược cụ thể, chi tiết. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương hay Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể đưa ra những khuyến nghị chung, chính sách chung, chiến lược chung nhưng mà chỉ các doanh nghiệp mới hiểu được họ có những năng lực sản xuất như thế nào, họ có những nhóm sản phẩm gì, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường bây giờ hay không? Chính vì vậy mà họ sẽ phải vạch ra được chiến lược cụ thể.

Tuy nhiên, hiện phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất vừa phải, nguồn lực về tài chính cũng rất hạn chế. Chính vì vậy mà việc tự họ nghiên cứu và xây dựng được một chiến lược cũng không phải đơn giản.

Hiện, có rất nhiều cơ quan, tổ chức, ngay cả quốc tế hay trong nước, những tổ chức cung cấp những dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp đạt những chứng chứng chỉ bảo vệ về môi trường chẳng hạn, họ sẵn sàng hỗ trợ. Hoặc những tổ chức quốc tế như Phái đoàn Liên minh châu Âu hay Eurocham cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp vạch ra được chiến lược cụ thể của mình để thâm nhập vào được thị trường châu Âu. Doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ mình thiếu ở đâu để từ đó nhờ các tổ chức hỗ trợ…

Phó thủ tướng muốn sớm gỡ bỏ 'thẻ vàng' đối với thủy sản của Việt Nam xuất sang EU

Phó thủ tướng muốn sớm gỡ bỏ 'thẻ vàng' đối với thủy sản của Việt Nam xuất sang EU

Thị trường
(VNF) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ xem xét những nỗ lực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Cùng chuyên mục
Tin khác