Xuất khẩu gạo sang Canada: Hàng Việt thua thiệt vì thiếu thương hiệu
(VNF) - Thu về hàng triệu USD mỗi năm từ xuất khẩu gạo sang Canada, tiềm năng còn lớn, thế nhưng khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc “không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết để lựa chọn”.
Việt Nam: Top các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất vào Canada
Theo thương vụ Việt Nam tại Canada, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng gạo nhập khẩu vào Canada đạt hơn 207 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam đang nằm trong top 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất vào Canada, với tốc độ tăng trưởng mạnh nhất tới gần 55% và đã đạt kim ngạch khoảng 6,5 triệu USD.
Số liệu của cơ quan thống kê Canada cho thấy, tổng lượng gạo nhập khẩu của Canada từ các nước trên thế giới trong năm 2023 đạt 508 triệu USD, tăng 2% so với năm 2022.
Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo lên tới 56,4% vào thị trường Canada, và là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng top 3, góp phần đưa Việt Nam mở rộng thị phần lên đến gần 2,9% (cao hơn con số 1,6% trước khi có Hiệp định CPTPP).
Năm 2023, gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng xay xát tăng 58% so với năm 2022. Lượng gạo lứt và gạo tấm xuất khẩu không đáng kể tăng lần lượt 73% và 126,5% so với cùng kỳ 2022.
Điểm mới năm nay là thương hiệu gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Canada, kỳ vọng thị phần gạo có chất lượng cao xuất khẩu vào Canada tăng, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu năm 2024.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho hay, Canada là một thị trường tiêu thụ gạo khá lớn, với nhu cầu nhập khẩu khoảng 500.000 tấn/năm và có xu hướng gia tăng, nhưng cũng có những yêu cầu khắt khe về chất lượng.
Do vậy, cần có sự phối hợp của tất cả các bên từ Thương vụ ở địa bàn đến các nhà xuất, nhập khẩu và phân phối để các dòng gạo nhập khẩu vào đây luôn ổn định về chủng loại và chất lượng, đặc biệt là đối với thương hiệu ST25 của ông Cùa.
Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ước tính trong cả năm 2024, Việt Nam có thể xuất khẩu được hơn 15 triệu USD, nâng thị phần gạo của Việt Nam tại địa bàn lên đến khoảng 3,2%.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, gạo của Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh sau 5 năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trước đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Canada chỉ đạt chưa đầy 6 triệu USD/năm. Sau 5 năm thực thi Hiệp định, năm 2023 xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã tăng gấp đôi.
Hiện tại, gạo ST25 chính hãng ông Cua đã chính thức có mặt trên kệ hàng của các nhà bán lẻ tại Canada. Bà Quỳnh hy vọng gạo ST25 chất lượng cao của Việt Nam sẽ nhanh chóng khẳng định được vị trí tại thị trường, góp phần giúp nền sản xuất nông nghiệp tiến thêm một bước trong chuỗi cung ứng quốc tế.
“Canada là nước nhập khẩu gạo phục vụ khoảng 7 triệu người gốc châu Á. Cộng đồng người Việt tại Canada hiện đã lên đến khoảng 300.000, là cộng đồng người Á đông thứ 4 tại Canada. Vì vậy, Canada có nhu cầu khá ổn định đối với mặt hàng gạo”, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada.
Vị đại diện tham tán thương mại cũng cho rằng: Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu gạo quan trọng vào Canada, sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Mặt hàng gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường vì đến nay, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi các đối tác nhập khẩu Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan.
Số liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có thể thấp hơn nhiều so với thực tế vì hiện nay gạo Việt Nam vẫn được xuất khẩu qua Hoa Kỳ, đóng túi tại đây rồi mới trung chuyển lại Canada.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vào thị trường tăng đều qua các năm cho thấy các nhà nhập khẩu Canada bắt đầu quan tâm nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam để thay thế/giảm phụ thuộc vào thị trường gạo trắng của Thái Lan và Hoa Kỳ.
Gạo Việt cần tập trung làm thương hiệu
Từ nhiều năm nay, Canada đã dành nhiều khoản hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực thể chế cho các cơ quan, Hiệp hội, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, Canada có dự án hỗ trợ thiết thực trong lĩnh vực gạo từ năm 2011, đó là thông qua Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Sóc Trăng để hỗ trợ từ giai đoạn nghiên cứu đến thương mại hoá sản phẩm gạo ST25.
Các chuyên gia Canada đã không chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý điều hành, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm, quảng bá thị trường, nâng cao sức cạnh tranh mà đã giúp các cơ sở sản xuất nông nghiệp của Sóc Trăng ứng dụng kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường và sản xuất bền vững.
Nhờ vậy, các hộ nông dân và hợp tác xã hưởng lợi từ các dự án đã ngày càng chủ động trong sản xuất, đạt tiêu chuẩn và đang hướng đến kinh tế tuần hoàn, đảm bảo một quy trình sản xuất khép kín không gây ô nhiễm môi trường.
Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường thời gian tới sẽ vẫn rất tích cực nhờ lợi thế về giá so với các mặt hàng cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Mạng lưới doanh nhân kiều bào đang là những đối tác tích cực hỗ trợ tăng thị phần gạo của Việt Nam tại Canada.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thu, khó khăn đáng kể cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Quyết định lựa chọn mua gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào yếu tố giá chứ không phải sự trung thành với thương hiệu.
Bên cạnh đó, vấn đề khoảng cách địa lý khiến cho xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải/thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh một số nước còn có các hình thức trợ giá xuất khẩu, trợ giá vận tải hoặc hỗ trợ tỷ giá, các sản phẩm gạo của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí/thời gian logistics nội địa quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Gạo Việt 'gây sốc': Hàng cấp thấp đắt hơn hàng cao cấp Thái Lan, Ấn Độ
- Việt Nam nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, top 3 toàn thế giới 18/11/2024 07:15
- Gạo Việt lập kỷ lục lịch sử: Xuất khẩu 8 triệu tấn, thu hơn 5 tỷ USD 08/11/2024 11:30
- Giá gạo chạm đáy, DN Việt chi gần 1,2 tỷ USD nhập về 05/11/2024 02:15
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.