Thị trường

Formosa muốn Hà Tĩnh tạo điều kiện cho lao động nước ngoài sớm quay lại làm vệc

(VNF) - Tại hội nghị đối thoại với chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về các chính sách ‘gỡ vướng” sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp kiến nghị chính quyền tỉnh sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ để ổn định sản xuất kinh doanh. Trong đó, đại diện của công ty Formosa Hà Tĩnh mong muốn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ trong việc đưa đón các chuyên gia nước ngoài về địa phương.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đại diện của công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS), hiện nhiều chuyên gia và lao động có tay nghề cao vẫn chưa thể sang Việt Nam làm việc, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ trong việc đưa đón các chuyên gia về địa phương. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện cách ly để theo dõi sức khỏe người lao động theo quy định của Bộ Y tế”, đại diện FHS đề xuất.

Cũng đang gặp khó như FHS, đại diện công ty Phú Vinh mong muốn tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện cho các lao động nước ngoài có thể sớm quay lại làm việc khi tình hình dịch đã bớt căng thẳng hơn trước.

Trước đó, đã có nhiều khách hàng muốn đến tìm hiểu, thuê đất đầu tư tại khu công nghiệp Phú Vinh nhưng do ảnh hưởng của dịch nên bị "lỡ hẹn”.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đề xuất được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất và lùi thời gian trả nợ gốc với thời gian 6 tháng.

Đối với Tổng công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), ông Lê Viết Thảo, Tổng giám đốc công ty, cho hay dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của cả 12 công ty thành viên.

Đặc biệt, đối với công ty TNHH Việt – Lào, khi chính phủ Lào đóng cửa hoạt động sản tại mỏ, đóng cửa khẩu thì doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất và không thể vận chuyển hàng hóa về Việt Nam dẫn đến mất thị phần và khách hàng.

“Phía doanh nghiệp hi vọng tỉnh Hà Tĩnh sớm đẩy nhanh mở cửa hàng hóa ở cửa khẩu để chúng tôi sớm ổn định sản xuất. Về thuế xuất nhập khẩu, có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan trước, nộp thuế sau”, ông Thảo đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc công ty TNHH Sao Đại Dương Hà Tĩnh 

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Giám đốc công ty TNHH Sao Đại Dương Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hạnh cho biết trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, các ngành nghề khác có thể tạm dừng sản xuất, người lao động không có việc làm, doanh nghiệp có thể cắt giảm được chi phí. Thế nhưng, đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản thì không thể ngừng kinh doanh và phải kéo dài thời gian nuôi trồng, các chi phí khác đều tăng.

“Trong khi đó, về giá cả lại sụt giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước, thị trường xuất khẩu lại bị thu hẹp đi”, bà Hạnh cho hay.

Cũng theo bà Hạnh, một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp ngành này còn khá chật vật là “gặp khó” trong việc vay vốn và hưởng lãi suất ưu đãi của ngân hàng.

“Chính sách cho vay đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản thì tài sản doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thì không được tính vào tài sản thế chấp. Trong khi nguồn vốn đầu tư vào thì quá lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng”, bà Hạnh nói.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan có văn bản làm rõ về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid – 19.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng phát biểu tại hội nghị

“Hà Tĩnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai thiết lập đa dạng các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị  về các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Hà Tĩnh cũng sẽ xử lý nghiêm minh và giải quyết thỏa đáng các khiếu nại đối với các vụ việc vi phạm cạnh tranh, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp”, ông Hưng nói.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, trong 4 tháng đầu năm 2020, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh này giảm mạnh so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 26,2%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm 3,08%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành giảm khoảng 38,3%, giảm đều ở cả 3 ngành dịch vụ.

Về hoạt động tín dụng ngân hàng, Hà Tĩnh có 33.861 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 7.187 tỷ đồng. Trong đó, một số ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hướng lớn với tổng dư nợ là 941 tỷ đồng; ngành bán buôn, bán lẻ là 2.597 tỷ đồng, hoạt động dịch vụ là 762 tỷ đồng...

Tin mới lên