'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Cho dù sẽ phải tiếp tục trải qua các "thủ tục chính trị", với việc được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin Truyền thông, và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, con đường đến với ghế Bộ trưởng chính thức của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Có rất nhiều ví dụ cho sự chuyển mình của các ngành kinh tế trong hai thập kỷ qua, nhưng để lấy một ví dụ điển hình, chúng ta không thể không nói tới công nghệ thông tin và viễn thông. Sở dĩ nói vậy là vì, không chỉ là một trong những ngành phát triển nhanh chóng và đạt nhiều thành tựu nhất, công nghệ thông tin và viễn thông, với những đặc thù riêng, cũng là ngành "vật vã" nhất trong tiến trình phát triển.
Các số liệu thống kê cho thấy, cho đến năm 1990, cả nước chỉ có chưa tới 80.000 máy điện thoại. Các tài liệu cũng chép rằng vào năm 1985, phải mất chín mươi phút mới có thể có một cuộc điện thoại gọi từ Việt Nam ra nước ngoài. Cho đến năm 1993, tỷ lệ điện thoại chỉ đạt 0,087%, nghĩa là một vạn dân Việt Nam chưa có được một máy điện thoại.
Năm 1992, trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các lãnh đạo ngành bưu điện đưa ra kế hoạch đến năm 2000, Việt Nam sẽ có một điện thoại cho 100 dân. Ông Võ Văn Kiệt hỏi: “Tại sao phải là năm 2000 mà không phải là 1995”. Theo cựu Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, người có mặt trong buổi làm việc đó, câu hỏi của Thủ tướng được xem như một mệnh lệnh.
Những nỗ lực liên tục trong gần hai thập kỷ qua của ngành công nghệ thông tin và viễn thông là không ai có thể phủ nhận. Nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế Việt Nam, sự bùng nổ của ngành này trên quy mô toàn cầu và cách nghĩ, cách làm quyết liệt, sáng tạo không giới hạn của người Việt đã cộng hưởng để làm nên những kỳ tích.
25 năm sau câu hỏi của ông Võ Văn Kiệt, cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại trên cả nước đã đạt 127,4 triệu, trong đó số thuê bao di động đạt 119,7 triệu. Tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2017 ước tính đạt 380.000 tỷ đồng. Việt Nam cũng đã có tới 77 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông cũng đã lắp đặt tới 227.250 trạm phát sóng BTS lớn nhỏ.
Song hành với viễn thông, công nghệ thông tin cũng có những bước tiến cuối thập kỷ 80. Năm 1988, một năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một liên doanh mang tên là Genpacific đã ra đời, trở thành "nhà sản xuất máy tính cá nhân" của Việt Nam.
Tiếp theo việc sản xuất và bán ra máy tính, những chuyển động chính sách và thực tiễn quan trọng khác cũng đã diễn ra, mở đường cho việc Việt Nam chính thức kết nối Internet. Ngày 5/3/1997, Chính phủ ban hành Nghị định 21 “quy định tạm thời quản lý Internet” theo nguyên tắc “quản lý được đến đâu thì phát triển tới đó” và ngày 19/11/1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du, Hà Nội, “Lễ kết nối Internet toàn cầu” đã được tổ chức.
Lễ ra mắt Internet Việt Nam tháng 11/1997. Ảnh: TL
21 năm qua, Internet đã đóng góp như thế nào cho nước Việt, có lẽ không cần phải bàn nữa. Cuối năm 2017, Việt Nam đã có 55 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, 4 Khu công nghiệp tập trung và 27 ngàn doanh nghiệp công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp cũng đã tạo ra tổng doanh thu 1,723 triệu tỷ đồng trong năm 2017, trong đó xuất khẩu hơn 1,5 triệu tỷ đồng, riêng xuất khẩu phần mềm đạt 58.500 tỷ đồng.
Không chỉ là những con số thuần túy, ảnh hưởng của công nghệ thông tin và viễn thông lên đời sống của 100 triệu người Việt Nam là hết sức to lớn. Giờ đây một bản tin ngắn, chỉ ít phút sau khi xuất bản, một người lính đang hành quân trên rẻo cao hay một người Việt xa xứ cũng có thể dễ dàng đọc và bình luận, phản hồi, chia sẻ...
Sự lớn mạnh của Viettel trong hai thập kỷ qua là thành quả của nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Ngay cả trong yếu tố "nhân hòa" cũng phải kể đến công lao của nhiều lãnh đạo ngành quân đội, đi trước hoặc song hành. Song, như chính người Viettel thừa nhận, ông Hùng là người đặc biệt quan trọng trong việc làm nên một Viettel hùng mạnh ngày nay.
Cho đến nay, nhiều người vẫn không quên giai đoạn Viettel "vật vã" bước vào cuộc cạnh tranh viễn thông những năm đầu thập kỷ trước, khi mà dường như miếng bánh thị phần đã được Mobiphone và Vinaphone chia chác xong.
Cuộc chiến cước giá rẻ là một câu chuyện hết sức thú vị cho giai đoạn đầu của Viettel. Những năm 2004-2005, với Quyết định 217/2003/QĐ/TTg ban hành trước đó, Nhà nước đã “tôn trọng quyền định giá cước và quyền cạnh tranh về giá cước của các doanh nghiệp BC-VT theo quy định của pháp luật”, theo đó các doanh nghiệp đều “có thể sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bình ổn giá cước”.
Không chỉ là nhân tố đặc biệt trong cuộc chiến giá cước theo tinh thần thị trường hóa cước viễn thông, Viettel xứng đáng được coi là một biểu tượng của cạnh tranh, và là cú đánh đột phá vào tình trạng độc quyền, vốn đè nặng lên nền kinh tế nhiều năm. Về sau, mỗi khi nói về câu chuyện cạnh tranh – chống độc quyền, các nhà quản lý, chuyên gia đều viện dẫn Viettel như một ví dụ điển hình.
Một câu chuyện khác là năm 2003, Viettel bỏ ra 45 ngàn USD để thuê hãng quảng cáo nổi tiếng JWT viết slogan quảng cáo Kết quả là slogan "Say it your way" - "Hãy nói theo cách của bạn" đã ra đời. Khi đó, truyền thông gọi thương vụ này của ông Hùng và đồng sự là "gã nhà quê học làm thương hiệu".
Khi đó, ông Hùng, với chức danh Phó tổng giám đốc Viettel, được giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu, tự thấy mình "không biết gì nhiều về vấn đề này, chỉ hiểu láng máng là đi làm logo cho công ty”. Tuy nhiên, khác biệt là cuối cùng, ông và các lãnh đạo Viettel đều có chung suy nghĩ “phải thuê một công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm để tư vấn”.
Giờ đây khi đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, câu chuyện này có lẽ sẽ khiến những nhân sự trẻ tuổi của chính Viettel ngạc nhiên. Cho dù từ lâu, quân đội đã "làm kinh tế", việc Viettel dám chịu chơi lúc đó là một điểm nhấn.
Ở thời điểm đó, một ngân hàng như MB cũng chỉ mới có thể "bán cổ phần lần đầu ra công chúng" với tổng giá trị là 20 tỷ đồng, chập chững con đường đại chúng hóa. Các “đại gia” doanh nghiệp quân đội khác vẫn chủ yếu tham gia kinh doanh theo lối cũ, hoặc dựa vào lợi thế riêng, hoặc “nhìn” vào các nguồn chi từ ngân sách.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ kỷ niệm 10 năm đầu tư ra nước ngoài của Viettel tổ chức vào cuối năm 2016. Ảnh; TL Viettel
Rất nhiều giai thoại tiếp tục được lưu giữ, chẳng hạn ông Hùng từng có lần vào vai nhân viên kỹ thuật để đi sửa chữa trục trặc liên quan đến dịch vụ gọi VOIP 178, hoặc khả năng “khích tướng” để cấp dưới tự tin đảm trách những nhiệm vụ mới. Không thuộc tuýp người nói năng hùng hổ, hay thị uy với nhân viên, ông nhỏ nhẹ, hài hước và đôi khi, như một giảng viên đại học hơn là một CEO của một định chế công nghệ đang bước ra thế giới.
Viettel của hiện tại có thừa các điều kiện để tiếp tục tăng trưởng. Năm 2017, Trong năm qua, Viettel đạt tổng doanh thu 250.800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 44 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách 41.140 tỷ đồng. Những nhân sự đã cùng ông Hùng đi suốt chặng đường gần hai thập kỷ qua vẫn ở lại và là điểm tựa cho Viettel tiếp tục đi tới, cho dù, không phải con đường nào cũng trải hoa hồng.
Cho đến nay, những giai thoại về những ngày đầu mở cửa thị trường công nghệ thông tin và viễn thông vẫn được giới chuyên gia trong cuộc thuộc nằm lòng.
Tháng 12/1996, Trung ương Đảng khoá VIII họp Hội nghị lần thứ hai bàn về khoa học công nghệ. Tại hội nghị đó, ông Đỗ Trung Tá đã cho mở một phòng máy và dùng sơ đồ đơn giản nhất để giới thiệu Internet và các biện pháp đề phòng cho các Uỷ viên Trung ương tới nghe.
Bằng các thuê bao Internet nối với server của VDC, ông Tá đã cho tải các websites có nội dung tốt xuống cho các uỷ viên Trung ương xem; rồi cho tải những websites xấu, gồm cả “web đen”, để anh em kỹ thuật biểu diễn cách ngăn chặn.
Cú "trình diễn" này của ông Tá đã nhận được sự ủng hộ và sẻ chia sau đó. Các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước thừa nhận Internet có thể “tải được trí tuệ của nhân loại về” và tin rằng có thể ngăn các nội dung xấu, và đó là tiền đề để đi tới Lễ kết nối Internet toàn cầu tháng 11/1997.
Tháng 12/1996, khi ông Tá ngồi cùng các Ủy viên Trung ương, ông Nguyễn Mạnh Hùng khi đó cũng bắt đầu "hành trình công nghệ" của mình. Năm 1995, ông Hùng bắt đầu công tác tại Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội, tiền thân của Tập đoàn Viettel ngày nay.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông là song hành, có thể coi là hai ngành trong một ngành. Nếu lấy mốc tháng 11/1997 khi bắt đầu mở cửa Internet, hành trình của ông Hùng cũng chính là hành trình của ngành này, đi từ một trợ lý kỹ thuật “đi một lèo” đến vị trí Chủ tịch của tổ hợp công nghệ thông tin - viễn thông số 1 Việt Nam và đã có tên trang trọng trên bản đồ quốc tế.
Năm 2002, từ vị trí Chủ tịch VNPT, ông Đỗ Trung Tá được đưa về làm Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông. Cùng với những người như ông Mai Liêm Trực, ông Tá được coi là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và viễn thông nói chung.
Các bộ trưởng kế nhiệm ông Tá cũng đã có những cố gắng để đưa ngành công nghệ thông tin và viễn thông phát triển, cho dù thành tựu đạt được vẫn cần thêm thời gian để đánh giá, rằng liệu đó là dấu ấn cá nhân hay kết quả từ xu thế phát triển chung.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng, bên phải) trải nghiệm công nghệ 4G tại
Lễ khai trương 4G của Viettel năm 2017. Ảnh: TL
Khi hay tin ông Nguyễn Mạnh Hùng về Bộ Thông tin và truyền thông, nhiều người lại nhắc đến yếu tố "gốc công nghệ".
Cũng có người nói rằng "gốc công nghệ" là một điều kiện rất tốt để "Bộ trưởng" mới đi tiếp một hành trình rạng rỡ cho ngành và cho chính cá nhân ông. Nhưng cũng có ý kiến rằng điều khó khăn để đánh giá là đôi khi các mục tiêu chính trị và kỹ trị là ít song hành.
Sau hai thập kỷ, những giằng xé về việc "mở" hay "đóng" về Internet vẫn là câu chuyện nguyên vẹn tính thời sự, thể hiện rất rõ qua cuộc tranh cãi xung quanh Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua mới đây.
Trong bối cảnh hiện nay, không dễ cho người dám "Say it your way" tiếp tục tinh thần ấy, cho dù xu thế tiến bộ của nhân loại là không thể cưỡng lại được. Từ một CEO khoác lên mình tấm áo chính khách, hy vọng ông sẽ mãi giữ được một tinh thần “vừa Hùng vừa Chuyên” như đã từng thể hiện trong những năm tháng đã qua.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.