Gia tộc tỷ phú Ambami đối đầu: Anh lên ngôi giàu số 1 Châu Á, em phá sản trắng tay

Mai Lý - 09/07/2023 21:00 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đối đầu 2 anh em nhà tỷ phú lên đỉnh điểm. Năm 2019, công ty viễn thông của người em Anil Ambani phải nộp đơn xin phá sản. Còn Tập đoàn đa ngành của người anh Mukesh Ambani trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD doanh thu trong năm 2022. Mukesh Ambani đang là người giàu nhất Ấn Độ và châu Á với khối tài sản hơn 87,1 tỷ USD.

VNF

Cạnh tranh thị phần internet cho người nghèo

Mới đây, hãng viễn thông Reliance Jio thuộc tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani cho ra mắt chiếc điện thoại giá rẻ JioBharat. JioBharat có giá bán chỉ 12 USD với thiết kế khá cơ bản khi sở hữu màn hình 1,77 inch với bàn phím vật lý và camera ở phía sau. Ngoài ra, JioBharat có hỗ trợ thẻ nhớ ngoài 128GB cùng pin dung lượng 1.000 Ah.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý trên JioBharat chính là khả năng kết nối 4G. Nhờ tính năng này, người dùng JioBharat có thể truy cập Internet để xem video, nghe nhạc hay thanh toán trực tuyến. Hãng viễn thông Reliance Jio hy vọng rằng chiếc điện thoại JioBharat giá 12 USD này sẽ giúp người nghèo Ấn Độ tiếp cận với mạng Internet thông qua kết nối 4G.

JioBharat - Điện thoại 4G giá chỉ 12 USD

“Vẫn còn hơn 250 triệu người ở Ấn Độ bị mắc kẹt trong kỷ nguyên 2G trong khi thế giới đã bước vào kỷ nguyên 5G. Điện thoại JioBharat của chúng tôi sẽ giúp phổ cập Internet cho người dân Ấn Độ, để họ có thể khai thác các tính năng cơ bản của Internet”, hãng viễn thông Reliance Jio cho hay.

Không chỉ bán điện thoại với giá 12 USD, Reliance Jio còn cung cấp gói cước với giá hấp dẫn cho người dùng JioBharat. Gói cước dành riêng cho người dùng JioBharat chỉ 1,5 USD/tháng, rẻ hơn tới 30% so với giá cước hiện hành nhưng dung lượng 4G lại nhiều gấp 7 lần.

Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng JioBharat là “báu vật” của người dân Ấn Độ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. JioBharat được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng Internet và làm thay đổi thói quen sử dụng điện thoại di động tại thị trường đông dân nhất thế giới.

JioBharat được xem là báu vật của người nghèo ở Ấn Độ

Sinh ra đã “ngậm thìa vàng”

Tham vọng của Reliance Jio là thống trị hoàn toàn thị trường viễn thông ở Ấn Độ. Tiềm lực của hãng viễn thông này mạnh đến mức một quan chức Ấn Độ từng ví Reliance Jio “giống như một nhà nước độc lập”. Người sáng lập hãng viễn thông Reliance Jio là tỷ phú giàu nhất châu Á - Mukesh Ambani cũng khiến nhiều người phải dè chừng vì những tham vọng to lớn của ông.

Không chỉ ở Ấn Độ, Mukesh Ambani còn là người giàu nhất châu Á trong nhiều năm liền. Theo Bloomberg, Mukesh Ambani hiện sở hữu tài sản lên tới 89,2 tỷ USD, giàu thứ 13 trên thế giới. Nhiều người còn nói rằng Mukesh Ambani là công dân quyền lực nhất Ấn Độ chỉ sau Thủ tướng.

Thế nhưng để có được quyền lực và khối tài sản khổng lồ như ngày hôm nay, Mukesh Ambani đã phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí đánh đổi cả tình cảm gia đình.

Reliance Jio là ông lớn trong ngành viễn thông Ấn Độ

Mukesh Ambani sinh năm 1957 trong một gia đình giàu có và có một người em trai Anil Ambani (sinh năm 1959). Cha ông – Dhirubhai Ambani – là một cựu nhân viên trạm xăng tại thị trấn hẻo lánh ở bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ. Nhận thấy tiềm năng trong thị trường tiêu dùng ở Ấn Độ, ông Dhirubhai Ambini đã thành lập công ty Reliance Jio vào năm 1973. Khi đó, công ty chuyên sản xuất các tiền chất hóa học và tinh chế dầu sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Chỉ sau một thời gian ngắn, công ty của Dhirubhai Ambani đã trở thành một trong những nhà hóa dầu hàng đầu Ấn Độ.

Mặc dù gia đình giàu có nhưng Mukesh Ambani và em trai được cha mình nuôi dạy vô cùng nghiêm khắc. Mỗi khi hai anh em Mukesh Ambani có hành động không đúng, họ sẽ bị trừng phạt. Có lần, cả hai bị cha mình giam cầm trong nhà để xe trong 2 ngày. Cả hai cũng thường xuyên phải đi bộ 10 km dưới trời mưa.

Khi trưởng thành, cả Mukesh Ambani và em trai đều vào công ty gia đình làm việc và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng. Cả hai anh em luôn hỗ trợ lẫn nhau và dốc lòng vì sự phát triển của công ty. Thế nhưng sau khi cha mất mà không để lại di chúc vào năm 2001, cuộc chiến tranh chấp tài sản của anh em Ambani chính thức nổ ra.

Mukesh Ambani và em trai Anil Ambani

Mọi chuyện chỉ tạm kết thúc khi mẹ của cả hai đứng ra can thiệp. Vào năm 2005, hai anh em Ambani chấp nhận chia đôi tài sản của công ty. Trong đó Mukesh Ambani sở hữu mảng lọc hóa dầu và khai khoáng trong khi người em sở hữu mảng dịch vụ tài chính, viễn thông và sản xuất điện.

Vào năm 2007, người em Anil trở thành người giàu thứ 3 Ấn Độ với khối tài sản ròng trị giá 45 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của Mukesh Ambani chỉ có 4 tỷ USD. Mặc dù đã chia tài sản xong nhưng những cạnh tranh trong kinh doanh cũng khiến cho mối quan hệ của hai anh em nhà Ambani căng thẳng suốt nhiều năm sau đó.

Đối đầu trực tiếp với em trai để chiếm thị trường viễn thông

Vào năm 2010, lợi nhuận từ lọc dầu bị ảnh hưởng do giá dầu thô trên thế giới tăng cao khiến công ty của Mukesh Ambani điêu đứng. Khi đó, Mukesh Ambani để mắt đến viễn thông – một trong những mảng mà người em Anil Ambani đang nắm giữ. Điều này khiến mâu thuẫn của cả hai anh em ngày càng trở nên sâu sắc hơn.

Năm 2016, hãng viễn thông của Reliance Jio của Mukesh Ambani là một nhà khai thác viễn thông di động giá rẻ tại thị trường Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Mukesh Ambani từng khẳng định Internet di động sẽ là công nghệ đi đầu trong tương lai.

Reliance Jio của Mukesh Ambani cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí hay có giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ. Chiến lược kinh doanh của Mukesh Ambani đã giúp mang lại cuộc cách mạng di động cho 1,2 tỷ dân Ấn Độ và trở thành kẻ thống trị thị trường không dây siêu cạnh tranh ở quốc gia này. Thay vì nhắm đến nhóm khách hàng giàu có, Reliance Jio lại biến hàng trăm triệu người nghèo Ấn Độ trở thành khách hàng của mình.

Dinh thự xa hoa của Mukesh Ambani

Sự thành công của Reliance Jio và Mukesh Ambani khiến hoạt động kinh doanh của người em Anil Ambani vốn đã “tiêu điều” nay lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Vào năm 2019, công ty viễn thông của Anil Ambani phải nộp đơn xin phá sản. Trong khi Tập đoàn đa ngành của Mukesh Ambani trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD doanh thu trong năm 2022. Hiện tại, Mukesh Ambani đang là người giàu nhất Ấn Độ và châu Á với khối tài sản ròng trị giá hơn 87,1 tỷ USD.

Mukesh Ambani cùng gia đình sống trong một cao ốc 27 tầng ở Mumbai. Dinh thự của Mukesh Ambani được cho là ngôi nhà đắt nhất thế giới với giá lên tới 1 tỷ USD. Nó có 3 sân bay trực thăng, bãi đỗ x echo 168 chiếc, phòng tập yoga, trung tâm thể dục và spa, rạp chiếu phim 50 chỗ, phòng khiêu vũ cỡ lớn cùng 3 tầng vườn treo lấy cảm hứng từ vườn treo Babylon.

Khối tài sản khổng lồ của Mukesh Ambani

Mukesh Ambani còn từng tổ chức đám cưới với chi phí đồn đoán lên tới 100 triệu USD cho con gái mình. Đám cưới thế kỷ này còn có sự xuất hiện của nhiều người nổi tiếng như ca sĩ Beyonce, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hay cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.

Trái lại, người em Anil Ambani từ người giàu thứ 3 Ấn Độ nay trở thành trắng tay. Vào năm 2019, Anil Ambani suýt bị bỏ tù vì trễ hạn thanh toán khoản nợ 77 triệu USD khiến Mukesh Ambani phải ra tay giúp đỡ. Vào tháng 5/2020, Anil Ambani bị tòa tuyên phải trả 717 triệu USD cho các chủ nợ Trung Quốc. Sức ép quá lớn khiến Anil Ambani phải tuyên bố trước tòa rằng tài sản của mình hiện chỉ còn là con số 0. Hiện tại, Anil Ambani vẫn đang cố gắng làm việc 14 giờ mỗi ngày để giải quyết những vấn đề tài chính còn tồn đọng.

Theo Bloomberg, SCMP, Business Insider
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.