Ấn Độ - Một 'siêu cường' Fintech toàn cầu

Linh Anh - 27/05/2023 17:07 (GMT+7)

(VNF) - Sự tăng trưởng phi thường trong khả năng tiếp cận tín dụng kỹ thuật số của người tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán là những bằng chứng cho thấy các công ty Fintech của Ấn Độ đang đi đúng quỹ đạo.

VNF

Đôi nét về Fintech ở Ấn Độ

Ấn Độ là một trong những thị trường Fintech phát triển nhanh nhất trên thế giới trong suốt 65 năm qua. Sở dĩ lấy mốc 65 năm là bởi nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi thẻ tín dụng ra đời vào những năm 1950. Máy ATM đã tạo ra một cuộc “cách mạng” với việc rút tiền mặt từ ngân hàng và sự ra đời của internet vào những năm 1990 đã đưa ngành công nghệ tài chính (Fintech) lên một tầm cao mới. Các nền tảng thanh toán điện tử, kinh doanh dựa trên web, ngân hàng di động và số hóa ngân hàng cũng đã dẫn đến những thay đổi đáng kể.

Theo ước tính của hãng tư vấn EY, Ấn Độ hiện là thị trường Fintech lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) về số lượng “kỳ lân” Fintech (các công ty được định giá trên 1 tỷ USD), số lượng công ty khởi nghiệp và tổng vốn tài trợ. Hệ sinh thái ngành công nghiệp Fintech của Ấn Độ có nhiều phân khúc nhỏ, bao gồm thanh toán, cho vay, công nghệ làm giàu (WealthTech), quản lý tài chính cá nhân, công nghệ bảo hiểm (InsurTech), công nghệ quản lý (RecTech),… Trước năm 2015, các sản phẩm thuộc phân khúc thanh toán và tài chính chiếm hơn 90% dòng vốn của ngành, nhưng từ năm 2016, việc phân bổ vốn giữa các ngành đã đồng đều hơn.

Giai đoạn 2013-2015, khi các khoản đầu tư toàn cầu vào các dự án Fintech tăng với tốc độ kỷ lục, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của Ấn Độ cũng tăng nhanh, dù quy mô thị trường nhỏ hơn nhiều. Cụ thể, đầu tư vào ngành Fintech của Ấn Độ tăng 282% từ năm 2013 đến năm 2014 và đạt mức 450 triệu USD vào năm 2015. Kể từ đó tới nay, quy mô và lượng vốn rót vào lĩnh vực này ngày càng nhiều. Đầu năm 2020, Ấn Độ đứng đầu trong số các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương (APAC) về đầu tư Fintech. Năm 2021, thị trường Fintech Ấn Độ nhận được khoảng 10 tỷ USD tài trợ cho hơn 580 thương vụ, gấp 3 lần so với mức 3,5 tỷ USD nhận được vào năm 2020. Nửa đầu năm 2022, thị trường này đã ghi nhận các khoản tài trợ trị giá 8,4 tỷ USD cho khoảng 450 thương vụ.

Quy mô thị trường của ngành Fintech Ấn Độ là khoảng 50 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt khoảng 150 tỷ vào năm 2025. Nghiên cứu được công bố tháng 9/2022 của EY và Chiratae cho thấy rằng thập kỷ tới, thị trường Fintech Ấn Độ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng gấp 10 lần, đạt được mốc 1.000 tỷ USD tài sản quản lý (AUM) và 200 tỷ USD doanh thu. Riêng thị trường thanh toán kỹ thuật số của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng hơn gấp 3 lần từ mốc 3.000 tỷ USD hiện nay lên 10.000 tỷ USD vào năm 2026. Nhờ sự tăng trưởng chưa từng có này, thanh toán kỹ thuật số (không dùng tiền mặt) sẽ chiếm gần 65% tổng số thanh toán tại Ấn Độ vào năm 2026, tức là cứ 3 giao dịch thì sẽ có 2 giao dịch được thực hiện nhờ kỹ thuật số.

Theo cơ sở dữ liệu Tracxn, tính đến tháng 7/2022, số lượng công ty khởi nghiệp Fintech ở Ấn Độ là hơn 7.300, không bao gồm những công ty đã bị mua lại hoặc đã thất bại. Trong đó, có 23 công ty Fintech đã đạt được trạng thái “kỳ lân” với mức định giá hơn 1 tỷ USD. Số liệu khác được công bố bởi Bain, cũng dựa trên tổng hợp từ Tracxn, World Bank và CB Insight, chỉ ra rằng trong quãng thời gian từ năm 2000 đến tháng 8/2022, Ấn Độ có khoảng 7.400 công ty Fintech, với 25 trong số đó là kỳ lân.

Theo “Báo cáo công nghệ về các kỳ lân và các lối thoát của Ấn Độ năm 2022” (The India Unicorns and Exits Tech Report 2022) của Orios Venture Partners, Ấn Độ trở thành nền kinh tế khởi nghiệp lớn thứ 3 thế giới và cũng vượt mốc 100 kỳ lân vào năm 2022. Nước này hiện xếp sau Mỹ (661 kỳ lân) và Trung Quốc (312 kỳ lân). Trong giai đoạn 2021-2022, Ấn Độ có thêm 18 kỳ lân trong các lĩnh vực ngoài thanh toán. Để đạt được thành tích ấn tượng này, các startup và kỳ lân Ấn Độ đã phải áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để mở rộng thị trường và tăng trưởng người dùng.

Là một trong những hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số tốt nhất về giá trị và khối lượng giao dịch, sự tăng trưởng phi thường trong khả năng tiếp cận tín dụng kỹ thuật số của người tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán là những bằng chứng cho thấy các công ty Fintech của Ấn Độ đang đi đúng quỹ đạo.

Những yếu tố thúc đẩy thành công

Theo báo cáo “Những xu hướng hình thành ngành Fintech Ấn Độ” được xuất bản tháng 9/2022 của EY, về mặt môi trường kinh tế, sự tăng trưởng thị trường Fintech Ấn Độ được hỗ trợ bởi một số các yếu tố kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế đang bùng nổ của Ấn Độ với thu nhập khả dụng ngày càng tăng, lượng lớn dân số chưa có tài khoản ngân hàng, chính phủ có nhiều sáng kiến pháp lý, lực lượng thanh niên đông đảo, khả năng truy cập internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh được cải thiện, cùng với đó là một thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng.

Về công nghệ và tài năng, 3 yếu tố công nghệ chính thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực Fintech tại Ấn Độ bao gồm: Sự hợp tác trong ngành công nghệ, việc áp dụng công nghệ mới nổi, khả năng tiếp cận các nhân tài lành nghề. Báo cáo của EY cũng đề cập tới một số yếu tố liên quan tới việc gia tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng như một “thành phần” giúp thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng ngành Fintech của Ấn Độ.

Trong số các yếu tố được nêu trên, một nghiên cứu của Phó giáo sư C. Vijai, được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Học thuật Nam Á hồi năm 2019, đã phân tích 2 yếu tố về chính phủ và pháp lý tới ngành Fintech của Ấn Độ.

Yếu tố về chính phủ

Chính phủ đương nhiên là chất xúc tác ban đầu cho sự thành công hay thất bại của Fintech. Theo báo cáo Fintech tại Ấn Độ của KPMG năm 2016, chính phủ Ấn Độ cùng với các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đang tích cực đẩy mạnh nền kinh tế kỹ thuật số Ấn Độ thông qua cả các sáng kiến tài trợ và quảng cáo.

“Cuộc cách mạng” Fintech ở Ấn Độ cũng là kết quả đỉnh cao của nhiều năm nỗ lực đặt nền móng hỗ trợ thông qua các sáng kiến quan trọng của chính phủ, bao gồm:

(i) Jan Dhan Yojana: Một chương trình hỗ trợ tài chính của Chính phủ Ấn Độ dành cho công dân Ấn Độ, nhằm mục đích để mở rộng khả năng tiếp cận hợp lý với các dịch vụ tài chính như tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, tín dụng, bảo hiểm và lương hưu. Chiến dịch tài chính toàn diện này được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động vào ngày 28/8/2014. Được mệnh danh là “sáng kiến tài chính lớn nhất thế giới”, Jan Dhan Yojana đã giúp đăng ký tài khoản ngân hàng mới cho hơn 450 triệu người, làm tăng khả năng tiếp cận với một loạt các ứng dụng dịch vụ tài chính cũng như tạo cơ sở cho các công ty Fintech xây dựng các sản phẩm công nghệ để thâm nhập vào cơ sở người tiêu dùng lớn ở Ấn Độ.

(ii) Trung tâm Kiến thức Tài chính: Một sáng kiến nhằm cải thiện kiến thức tài chính ở Ấn Độ bao gồm thành lập Trung tâm Giáo dục Tài chính Quốc gia và triển khai dự án Trung tâm Kiến thức Tài chính của RBI. Các bước này nhằm mục đích thúc đẩy giáo dục tài chính trên khắp Ấn Độ cho tất cả các bộ phận dân cư.

(iii) Đồng rupee kỹ thuật số E-RUPI: Ấn Độ đã ra mắt tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) e-RUPI, một công cụ thanh toán kỹ thuật số dành riêng cho cá nhân và mục đích nhằm cho phép các giải pháp thanh toán không tiếp xúc và không dùng tiền mặt. Giải pháp này đã được áp dụng để thanh toán không dùng tiền mặt cho việc tiêm vắc xin Covid-19.

(iv) India Stack: Một bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép chính phủ, doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và nhà phát triển sử dụng Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số duy nhất để giải quyết các vấn đề khó khăn của Ấn Độ đối với việc cung cấp dịch vụ không hiện diện, không cần giấy tờ và không dùng tiền mặt. India Stack là động lực đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Fintech. Đây là một trong những sáng kiến kỹ thuật số quan trọng nhất được thực hiện trên toàn cầu.

(v) UPI - Giao diện thanh toán hợp nhất: Đây là hệ thống thanh toán dựa trên ứng dụng di động tiên tiến để chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng do Tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ phát triển vào năm 2016, là nhân tố thúc đẩy cuộc cách mạng Fintech ở Ấn Độ. Kể từ tháng 9/2022, UPI của Ấn Độ đã có sự tham gia của 358 ngân hàng và đã ghi nhận khoảng 6,8 tỷ giao dịch trị giá hơn 135 tỷ USD.

Ngoài những sáng kiến nêu trên, chính phủ Ấn Độ cũng tung ra các chương trình hỗ trợ thuế phí và xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ như “Sáng kiến Khởi nghiệp Ấn Độ” được đưa ra vào tháng 1/2016 bao gồm quỹ 1,5 tỷ USD dành cho các công ty khởi nghiệp, miễn thuế 3 năm đầu cho các startup, xây dựng thành phố thông minh thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Yếu tố về pháp lý

Tại Ấn Độ, RBI đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính và tán thành cách tiếp cận thận trọng trong việc giải quyết các mối lo ngại về bảo vệ người tiêu dùng và thực thi pháp luật. Mục tiêu chính của cơ quan quản lý là tạo ra một môi trường cho những đổi mới không bị cản trở của Fintech, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, điều chỉnh một hệ thống thanh toán điện tử hiệu quả và cung cấp các lựa chọn thay thế cho người tiêu dùng.

Sự hỗ trợ về mặt quy định pháp lý cho ngành Fintech ở Ấn Độ chủ yếu được thấy qua các quy định thanh toán, cho vay, bảo mật/sinh trắc học và quản lý tài sản.

Vẫn tồn tại nhiều thách thức

Bên cạnh những lợi thế vượt trội và tiềm năng phát triển, ngành Fintech Ấn Độ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro. Những yếu tố này bao gồm: Rủi ro về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, thách thức trong việc áp dụng đa dạng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số giữa các nhóm nhân khẩu học, sự thiếu hiểu biết và nhận thức về tài chính, hoạt động IPO kém hiệu quả cũng như các sự kiện kinh tế vĩ mô và địa chính trị toàn cầu khiến các nhà đầu tư tổ chức thận trọng trước các khoản đầu tư lớn.

Cùng chuyên mục
Tin khác