Ấn Độ chi 'khủng' cho các sân bay, đặt mục tiêu thành 'cường quốc' hàng không

Minh Ý - 20/03/2023 20:40 (GMT+7)

(VNF) - Trong vòng 2 năm tới, Ấn Độ sẽ chi khoảng 980 tỷ rupee (12 tỷ USD) cho các sân bay, trong bối cảnh các hãng hàng không đặt hàng trăm máy bay mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng do du lịch phục hồi, gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có.

VNF
Ấn Độ sẽ chi 12 tỷ USD trong vòng 2 năm tới để cải tạo và xây mới các sân bay trong nước.

Theo Bloomberg, thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới đặt mục tiêu nâng số lượng sân bay từ 148 hiện tại lên 220 sân bay vào năm 2025, trong đó các nhà thầu tư nhân sẽ đầu tư khoảng 9 tỷ USD, còn Cơ quan quản lý sân bay nhà nước Ấn Độ chi phần còn lại (khoảng 3 tỷ USD).

Các hạng mục được triển khai sẽ bao gồm việc xây dựng các dự án sân bay "xanh", xây các nhà ga mới và cải thiện hệ thống cơ sở vật chất hiện có, bao gồm cả các sân bay quân sự cũ.

Các dự án phát triển sân bay lớn ở Ấn Độ bao gồm sân bay rộng 2.866 mẫu Anh của Tập đoàn Adani ở Navi Mumbai sẽ phục vụ 90 triệu hành khách vào năm 2036. Thủ đô New Delhi cũng sẽ có một sân bay mới với sức chứa 70 triệu hành khách và đang được phát triển bởi Zurich Airport International AG. Các sân bay xanh khác sẽ xuất hiện ở các bang Karnataka, Gujarat và Andhra Pradesh.

Mặc dù cả đất nước 1,42 tỷ dân này hiện chỉ đang sở hữu đội bay gồm 700 chiếc, ít hơn số máy bay của hãng hàng không United Airlines, các sân bay ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai đã hết chỗ đậu và hạ cánh.

Trong khi đó, Boeing dự báo lưu lượng khách du lịch tới Ấn Độ sẽ tăng trưởng với tốc độ gần 7%/năm, cao hơn so với tỷ lệ 4,9% của Trung Quốc, trong giai đoạn 2022-2041. Lưu lượng hàng không địa phương cũng đã tăng 96% trong tháng 1, bằng với mức trước đại dịch năm 2019, theo Tổng cục Hàng không Dân dụng.

Trong một diễn biến liên quan, tháng trước, hãng hàng không Air India đã công bố thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử ngành hàng không với Airbus và Boeing. Theo đó, Air India sẽ mua 250 máy bay của Airbus gồm 210 máy bay thân hẹp A320neo, 40 máy bay thân rộng A350 cùng với 220 máy bay của Boeing, trong đó có 190 máy bay thân hẹp 737 MAX.

Hãng hàng không số 1 quốc gia là IndiGo dự kiến cũng sẽ đặt hàng số lượng máy bay. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không khác cũng tìm cách tăng tường đội tàu bay, nhằm cố gắng bắt kịp các thị trường hàng không lớn hơn như Trung Quốc.

Động thái này diễn ra khi Ấn Độ đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế, nhờ cơ sở người tiêu dùng ngày càng tăng cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trị giá 3.200 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Liên minh Hàng không Dân dụng, Thép, Chính phủ Ấn Độ Jyotiraditya Scindia, người đã phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hàng không Ấn Độ (CAPA) ngày 20/3, New Delhi muốn trở thành cường quốc về vận tải hàng không. 

Jayant Mukhopadhaya, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quốc tế về Vận tải Xanh, cho biết: “Sự phát triển của cơ sở hạ tầng hàng không sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và các sân bay mới sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của hầu hết người dân”.

Thủ tướng Narendra Modi muốn biến Ấn Độ trở thành trung tâm kết nối đẳng cấp thế giới cũng như điểm đến của khách du lịch và doanh nghiệp. Liên kết các thành phố nhỏ hơn bằng đường hàng không là một phần trong chương trình phát triển của ông.

Một số chuyên gia cho rằng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như vậy có thể làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ, mà theo báo cáo của Dalberg Advisors, tiêu tốn của nước này 95 tỷ USD GDP hàng năm. Việc phát triển cơ sở hàng không cũng thể hiện sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu của ông Modi là vừa phát triển hàng không Ấn Độ, vừa biến quốc gia này thành một quốc gia phát triển trong 25 năm tới và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. 

Tuy nhiên, ông Modi hiện đang tập trung vào tăng trưởng, với mục tiêu GDP đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2025, việc phát triển ngành hàng không sẽ tiếp tục được coi là mũi nhọn hàng đầu.

Bên cạnh sự phục hồi trong nước, Ấn Độ cũng đang nổi lên như một trong những địa điểm ưa thích của các nhà sản xuất muốn chuyển hướng khỏi Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng. Nhiều doanh nghiệp như đối tác của Apple là Foxconn đang thành lập các nhà máy, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm ở Ấn Độ. Điều đó cũng có nghĩa là quốc gia này cần các sân bay tốt hơn với sức chứa được nâng cao khi nhu cầu đi lại tăng cao.

“Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và chúng tôi chắc chắn cần nhiều sân bay hơn để chuyển hướng giao thông trực tiếp đến các địa điểm khác nhau thay vì đưa họ đến các sân bay vốn đã quá tải của chúng tôi”, ông Debi Goenka, người sáng lập Tổ chức Hành động Bảo tồn Ấn Độ cho biết.

Xem thêm >> Samsung bác tin chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác