Ấn Độ bỏ ngỏ khả năng mua dầu Nga cao hơn mức giá trần của phương Tây

Mộc An - 18/04/2023 08:58 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman mới đây cho biết quốc gia Nam Á này có thể mua dầu thô của Nga cao hơn mức giá trần do G7 áp đặt nếu việc cắt giảm sản lượng gần đây của Tổ chức các nước xuất khấu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) làm tăng chi phí năng lượng.

VNF
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Chúng tôi sẽ phải liên tục tính toán làm sao có được thỏa thuận tốt nhất vì việc nhập khẩu dầu rất quan trọng cho nền kinh tế Ấn Độ”, bà Sitharaman cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/4, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng nước này sẽ xem xét “giá cả phải chăng” để phục vụ dân số đông đảo của mình.

Được biết, 80% lượng dầu thô mà Ấn Độ sử dụng đều là nhập khẩu từ các nước khác. Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai khách hàng mua dầu thô chính của Nga sau khi các nước phương Tây cấm vận dầu của Nga.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, bà Sitharaman cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực đủ để đảm bảo nền kinh tế vẫn phát triển. Các yếu tố bên ngoài, bao gồm việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và tác động lan tỏa của tất cả các quyết định liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine là hai vấn đề chính khiến chúng tôi lo lắng hơn cả”. 

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman.

Người đứng đầu ngành tài chính Ấn Độ cũng nhận định rằng sự yếu kém về nhu cầu đối với hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thể là lực cản đối với sự phục hồi của Ấn Độ trong tương lai.

Tuyên bố của bà Sitharaman có phần không nhất quán với lập trường trước đó khi chính phủ Ấn Độ quyết định không vi phạm các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Nga, đồng thời tuân thủ mức giá trần đối với dầu mỏ đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)  thông qua.

Quyết định được cân nhắc trong bối cảnh một số thành viên của OPEC+, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Oman và Algeria, hồi đầu tháng 4 thông báo họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5-12/2023.

Nga cũng tuyên bố rằng mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày mà nước này đang thực hiện trong giai đoạn tháng 3-6/2023 sẽ được tiếp tục cho đến cuối năm nay. Động thái của Nga đưa tổng lượng cắt giảm của OPEC+ lên hơn 1,66 triệu thùng/ngày.

Quyết định này được dự báo sẽ gây thêm khó khăn cho kinh tế thế giới, vốn đang đối mặt với triển vọng ảm đạm, đồng thời có nguy cơ gây ra những hệ lụy cho chính thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trước đó, hồi tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) và G7 nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển nhằm một mặt siết chặt doanh thu của của Moscow, một mặt vẫn duy trì dòng chảy nhằm tránh cú sốc nguồn cung toàn cầu.

Xem thêm >> Nguồn cung dư thừa, giá khí đốt giảm sâu

Theo The Economic Times
Cùng chuyên mục
Tin khác