Giá vàng 'sốt nóng', Bộ trưởng Tài chính kiến nghị can thiệp để hạ nhiệt
Anh Hùng -
18/03/2024 14:33 (GMT+7)
(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cần triển khai một loạt giải pháp thì mới giải quyết, ngăn chặn được tình trạng tăng giá vàng.
Nêu vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phản ánh trong thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Theo đó, đại biểu Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng vấn đề vàng và ngoại tệ thuộc về Ngân hàng nhà nước, tuy nhiên, với chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ Tài chính có vai trò quản lý vùng biên giới để khi giá vàng hay giá USD của Việt Nam tăng cao sẽ quản lý quản lý không vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ một số vụ vận chuyển ra nước ngoài, như chuyển 1,6 tỷ USD sang Hàn Quốc, hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. "Chúng tôi đang siết chặt vấn đề này", ông nói.
Còn để giá vàng, USD xuống, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần đưa ra một loạt các giải pháp. "Vàng thì nó phải liên quan đến cung cầu, liên quan đến xuất nhập khẩu, vậy thì có nên nhập khẩu vàng hay không? Hay siết chặt vấn đề mua bán như thế nào? Hay là vấn đề có lợi dụng tâm lý khi mà đầu tư sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, gửi vào ngân hàng lãi suất thấp thì dòng tiền này vào vàng hay không?", Bộ trưởng nêu.
Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng vấn đề này cần phải một loạt các giải pháp thì mới giải quyết, ngăn chặn được tình trạng tăng giá.
Ông Phớc cũng nói thêm: "Đồng USD thì thể hiện được sức mạnh của đồng tiền, tỷ giá hối đoái, tuy nhiên khi đồng tiền của Việt Nam hạ giá thì cũng có thể có lợi cho xuất khẩu".
Năm 2012, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được ban hành, nhờ đó đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống USD hóa, vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nghị định này đi vào áp dụng, đã và đang xuất hiện những tồn tại hạn chế, vướng mắc như: chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới và trong nước, tạo vấn đề tâm lý nhất định nơi người dân và nhà đầu tư, đặc biệt mỗi khi thị trường vàng có những biến động.
Những phát sinh hạn chế từ thị trường đòi hỏi nhà điều hành nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, về công tác thanh tra, kiểm tra, và công tác truyền thông.
Vì vậy, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã có kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến việc quản lý thị trường vàng và chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, một số quy định của Nghị định 24 không còn phù hợp trong bối cảnh mới và cần được sửa đổi.
Các chuyên gia cho rằng nếu sửa đổi Nghị định 24, bỏ độc quyền, thị trường vàng tại Việt Nam sẽ vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp sẽ góp phần giảm tình trạng vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách.
Các chuyên gia cũng đề nghị xem xét, cho phép việc giao dịch vàng tài khoản để hạn chế bớt mua bán vàng trực tiếp, hay cho phép ngân hàng thương mại được huy động vàng, tạo sự luân chuyển nguồn tài nguyên rất lớn trong dân. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể nhận gửi vàng từ Ngân hàng Thương mại, tạo nguồn ngoại hối với quy mô lên tới hàng chục tỷ USD.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone