Giao thông tuần qua: Bộ trưởng nói về việc bật đèn xe cả ngày, Hà Nội muốn làm 600 nhà chờ xe buýt

Chí Bình - 31/05/2020 15:59 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích về đề xuất bật đèn xe cả ngày; Hà Nội đề xuất đầu tư 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu theo hình thức PPP... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Bộ trưởng Bộ GTVT lên tiếng về đề xuất bật đèn xe cả ngày.

Hơn 14.900 tỷ đồng xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, tỉnh này cho biết năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định phê duyệt đề xuất dự án thành phần số 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ - cụm cảng Cái Mép Thị Vải) theo hình thức hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 9.228 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn cho dự án dự kiến 22 năm ba tháng.

Tuy nhiên, do phương án tài chính phê duyệt không khả thi nên dự án chưa triển khai thực hiện.

Trước tình trạng quá tải của tuyến quốc lộ 51, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án này.

Hiện Thủ tướng đồng ý giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, tỉnh đã bổ sung danh mục dự án chuẩn bị đầu tư.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, sơ bộ dự án thành phần số 1 có tổng mức đầu tư 14.956 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 5.443 tỷ đồng.

Riêng đoạn chạy qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài 34,8 km sẽ có tổng mức đầu tư 12.315 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 4.723 tỷ đồng, các chi phí còn lại khoảng 7.592 tỷ đồng.

Đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng (bao gồm cả đoạn nhánh kết nối vào cảng Cái Mép). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 720 tỷ đồng, các chi phí còn lại 1.921 tỷ đồng.

Vì vậy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 4.723 tỷ đồng (diện tích đất thu hồi khoảng 335 ha). Phần kinh phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 7.592 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư BOT thực hiện.

Đối với đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh sẽ bố trí ngân sách 232 tỷ đồng cho đoạn tuyến cao tốc, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư thực hiện. Riêng đoạn từ đường cao tốc vào cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh sẽ bố trí ngân sách địa phương đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.791 tỷ đồng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị Thủ tướng giữ nguyên đầu tư cao tốc đoạn tuyến từ nút giao Phú Mỹ đến nút giao Vũng Vằn (TP. Bà Rịa) có chiều dài 20 km. Đồng thời giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ động huy động, thu xếp nguồn vốn và quyết định đầu tư dự án. (Xem thêm)

Thủ tướng đồng ý giao thầu 2 dự án nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý để Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện giao thầu dự án nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Văn bản do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký gửi Bộ GTVT nêu rõ: Theo Nghị quyết số 41/NQ-CP, Chính phủ đã thống nhất trình tự, thủ tục thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo quy định của pháp luật đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Căn cứ Luật Xây dựng, Thủ tướng đồng ý Bộ GTVT quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án trên và được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Việc nghiệm thu, thanh quyết toán phải đúng quy trình, quy định, không để phát sinh tiêu cực tham nhũng, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước. (Xem thêm)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói gì về đề xuất bật đèn xe cả ngày, cấm vượt đèn xanh khi ùn tắc?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về việc tiếp thu ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Liên quan đến nhiều quy định mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội như quy định không được vượt đèn xanh khi nút giao có ùn tắc, xung đột giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cần nghiên cứu làm rõ hơn, định nghĩa rõ hơn các tình huống để nhân dân hiểu, dễ dàng chấp hành; nghiên cứu đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông đảm bảo khách quan, tiện lợi.

Về đề xuất bật đèn nhận diện ban ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện nay, hầu hết các nước tiên tiến đã áp dụng và ngay trong các nước Đông Nam Á cũng đã quy định hoặc đưa vào luật. Hiện chỉ còn 4 nước bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam chưa luật hóa. Đây là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện phương tiện khi đi đối diện hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn; hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh trên cơ sở khoa học.

"Tuy nhiên, cần nghiên cứu, giải thích rõ với nhân dân về việc đèn nhận diện ban ngày tránh tình trạng người dân hiểu là đèn pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu mô tô, xe gắn máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng chỉ đạo tuyệt đối phải cắt giảm các thủ tục hành chính làm phát sinh các “giấy phép con” không cần thiết. Đảm bảo việc thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc an toàn, trách nhiệm, cung ứng dịch vụ vận tải tiện ích, chất lượng cho người dân.

Về việc xe đưa đón trẻ em, học sinh, Bộ trưởng Thể yêu cầu phải nghiên cứu các quy định, mô hình, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, văn minh. Có lộ trình áp dụng phù hợp, trên nguyên tắc phải ưu tiên hàng đầu việc tạo ra môi trường giao thông an toàn cho trẻ em. (Xem thêm)

Hà Nội đề xuất đầu tư 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu theo hình thức PPP

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất về việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận huyện trên địa bàn Hà Nội theo hình thức đối tác công tư.

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, dự kiến thành phố sẽ đầu tư, xây dựng và lắp đặt 600 nhà chờ xe buýt tại 12 quận nội thành. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong 7 năm, thời gian hoạt động là 20 năm và được đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Theo tờ trình của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, để thu hồi vốn, nhà đầu tư sẽ được kinh doanh lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m và lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết 600 nhà chờ xe buýt trên được xây dựng đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố, nhằm tăng cường tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đồng thời, sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên các dải phân cách một cách đồng bộ, khoa học, hiện đại và văn minh.

Khu vực nội thành TP Hà Nội hiện có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt, 365 nhà chờ có mái che, với nhiều nhà đầu tư xây dựng, khiến các nhà chờ thiếu sự đồng bộ về thiết kế.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách. (Xem thêm)

Bác phương án chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có thông kết luận tại phiên họp thứ 45. Một trong những nội dung đáng chú ý chính là việc điều chỉnh hình thức đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã hủy sơ tuyển một lần. Đến nay có 7/8 dự án thành phần đã có ít nhất 2 nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển và chỉ có 1 dự án không có nhà đầu tư vượt sơ tuyển.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục hủy sơ tuyển sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nhà nước, đến dư luận, tâm lý của nhà đầu tư và nhân dân, ảnh hưởng đến công tác quản lý và triển khai các đoạn tiếp theo của toàn tuyến sau này, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công như tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại tờ trình để báo cáo lần 2 về những dự án này tại đợt 3 phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tổ chức trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý tờ trình mới phải theo nguyên tắc đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng có nhà đầu tư tham gia nhưng khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác