Grab nhận 1,46 tỷ USD đầu tư từ Quỹ Vision của SoftBank

Đinh Tịnh - 06/03/2019 11:25 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 6/3, tại Singapore, Grab Holdings Inc. (Grab), công bố vừa nhận thêm 1,46 tỷ USD từ Quỹ Vision của SoftBank (SoftBank Vision Fund - SVF), nâng tổng số vốn huy động được trong vòng gọi vốn hiện tại của Grab lên tới hơn 4,5 tỷ USD.

VNF
Grab liên tục đón nhận những tin vui về gọi vốn

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này gồm có Toyota Motor Corporation, Oppenheimer Funds, Hyundai Motor Group, Booking Holdings, Microsoft Corporation, Ping An Capital và Yamaha Motor.

Ông Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm CEO Grab, cho biết: “SoftBank và Quỹ Vision là những nhà đầu tư chiến lược lâu dài của Grab, và chúng tôi rất vui mừng khi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của họ. Khoản đầu tư này là minh chứng rõ ràng cho niềm tin của họ vào tầm nhìn của chúng tôi, với vai trò là siêu ứng dụng số 1 Đông Nam Á, trong việc phát triển hệ sinh thái công nghệ trong khu vực.

 “Sắp tới, thông qua nền tảng ứng dụng của mình, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân Đông Nam Á thông qua việc mang đến nhiều cơ hội thu nhập hơn cho các đối tác và mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn, tiện ích hơn nữa”, ông Anthony Tan

Ông David Thevenon, Thành viên Ban Cố vấn của SoftBank Investment, cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác với Grab trong nhiều năm qua và được vinh dự hỗ trợ Grab phát triển những công nghệ hướng đến lợi ích tốt nhất cho người dùng. Việc đầu tư này sẽ giúp Grab có thể khai phá thêm nhiều cơ hội hấp dẫn mới trong lĩnh vực kết nối di chuyển, dịch vụ giao hàng và dịch vụ tài chính, trong quá trình phát triển nền tảng ngoại tuyến-đến-trực tuyến (offline-to-online) khắp Đông Nam Á.”

Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết: “Tôi vô cùng vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác trong vòng gọi vốn hiện tại, với sự quan tâm mạnh mẽ cả về số vốn đầu tư lẫn uy tín của nhà đầu tư chiến lược nhằm hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của Grab. Chúng tôi đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư mới và rất trông đợi được trở thành đối tác với nhiều công ty hàng đầu thế giới trong năm 2019.”

Đại diện phía Grab cho biết: với số vốn huy động này Grab sẽ tiếp tục phát triển chiến lược siêu ứng dụng tại Đông Nam Á, với mục tiêu mang thêm nhiều dịch vụ quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày và thêm nhiều tiện ích đến với người dùng.

Grab cũng lên kế hoạch mở rộng các lĩnh vực kinh doanh hiện tại như dịch vụ tài chính, giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa, nội dung số và thanh toán kỹ thuật số; đồng thời công bố thêm nhiều dịch vụ mới trong năm 2019. Được xây dựng trên nền tảng mở của Grab, GrabPlatform, các dịch vụ này bao gồm xem video theo yêu cầu - hợp tác với HOOQ; chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số - hợp tác với Ping An Good Doctor; bảo hiểm - hợp tác với ZhongAn International; và đặt khách sạn - hợp tác với Booking Holdings.        

Cụ thể, Grab sẽ đầu tư một phần đáng kể số vốn vừa huy động được vào Indonesia, quốc gia Grab đang giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kết nối di chuyển khi chiếm đến 60% thị phần đặt xe máy và 70% thị phần đặt xe ô-tô. Hoạt động kinh doanh của Grab tại Indonesia đang phát triển cực kỳ nhanh chóng với doanh thu tăng hơn gấp đôi trong năm 2018.

Grab sẽ sử dụng số vốn này để thúc đẩy mở rộng dịch vụ GrabFood và GrabExpress, đồng thời ra mắt thêm lĩnh vực kinh doanh mới tại Indonesia. Grab là một phần trong hệ sinh thái kỹ thuật số lớn nhất của Indonesia, thông qua quan hệ hợp tác với OVO và Tokopedia.

Trong năm 2018, GrabFood đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại Indonesia với độ phủ từ 13 thành phố vào đầu năm tăng lên đến 178 thành phố vào cuối năm, số lượng đơn hàng tăng gần gấp 10 lần. Vào tháng 1/2019, theo công ty nghiên cứu Kantar, GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn lớn thứ 2 tại Indonesia, với 44% người được khảo sát lựa chọn là dịch vụ giao nhận thức ăn họ sử dụng thường xuyên nhất, so với tỉ lệ 25% vào tháng 4/2018.

Trên quy mô tập đoàn, lĩnh vực kinh doanh kết nối di chuyển của Grab đã mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, với doanh thu tăng gần gấp đôi chỉ từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018.

Doanh thu của GrabFood tăng gấp 45 lần trong cùng thời gian này. GrabFood hiện là dịch vụ giao nhận thức ăn duy nhất trong khu vực có được sự hiện diện tại 199 thành phố khắp 6 quốc gia Đông Nam Á. Năm 2018, Grab Financial Group trở thành nền tảng duy nhất có được sự tiếp cận với các giấy phép tiền điện tử khắp 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Từ khi ra mắt vào tháng 3/2018, Grab Financial Group có số lượng giao dịch hằng tháng tăng gần gấp 5 lần tính đến tháng 12/2018. Cùng khoảng thời gian này, GrabExpress cũng đã tăng khối lượng đơn hàng giao nhận siêu tốc và giao nhận trong ngày lên hơn gấp 3 lần trên toàn Đông Nam Á, và hiện đã có mặt tại 150 thành phố.

Trong năm 2018, Grab đã mở rộng đáng kể hệ sinh thái thông qua quan hệ hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới như Toyota, Hyundai, Microsoft và Mastercard. Ngoài ra, Grab “bắt tay” với hàng loạt các công ty hàng đầu trong từng nước và trong khu vực như Central Group và Kasikornbank tại Thái Lan; OVO, Bank BTN và Bank Mandiri tại Indonesia; United Overseas Bank tại Singapore; SM Investment Corporation tại Philippines; Moca tại Việt Nam và Maybank tại Malaysia, cùng với nhiều công ty uy tín khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác