Hai cuộc chiến nóng trên toàn cầu: Mỹ - Trung đối đầu vì chip, tấn công đẫm máu tại Gaza

Quỳnh Anh - 21/10/2023 16:50 (GMT+7)

(VNF) - Những diễn biến mới xung quanh chiến sự tại Dải Gaza giữa Israel và Palestine vẫn tiếp tục trở thành tâm điểm mới trong tuần. Trong khi đó, trên "mặt trận" thương mại, cuộc chiến chip Mỹ - Trung cũng ghi nhận những diễn biến mới.

VNF
Ảnh minh hoạ.

Bệnh viện tại Dải Gaza bị đánh bom, ít nhất 500 người thiệt mạng

Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đang leo thang căng thẳng, một vụ nổ lớn tại Bệnh viện Ahli Arab ở Dải Gaza vào đêm 17/10 vừa qua đã trở thành tâm điểm chú ý và là nguồn căn "phẫn nộ" trên khắp Trung Đông.

Theo đó, Bệnh viện Ahli Arab ở Dải Gaza, nơi có hàng trăm người dân Palestine đang ẩn náu, đã bị trúng bom trong một cuộc không kích của Israel và khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Đây được coi là vụ tấn công đơn lẻ đẫm máu nhất kể từ khi chiến tranh Hamas – Israel nổ ra ngày 7/10.

Tuy nhiên, quân đội Israel phủ nhận trách nhiệm về vụ nổ tại bệnh viện, cho rằng cơ sở phát nổ vì một vụ phóng rocket thất bại của nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine.

Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết: “Một phân tích về hệ thống vận hành của IDF chỉ ra rằng một loạt rocket đã được bắn đi ở Gaza, bay qua gần bệnh viện Al Ahli ở Gaza vào thời điểm nó phát nổ”.

Đáp lại, Daoud Shehab - phát ngôn viên của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Hamas cho rằng phía Israel "nói dối trắng trợn".

Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Jordan đã bị huỷ bỏ sau vụ việc. Thủ tướng Palestine gọi đây là "tội ác khủng khiếp" và cho biết các nước ủng hộ Israel cũng phải chịu trách nhiệm.

Trên khắp Trung Đông, người dân khắp Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Iran và Iraq, cũng như các thành phố thuộc Bờ Tây như Ramallah, đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối hành động phi nhân đạo.

Khung cảnh tan hoang quanh bệnh viện Al-Ahli al-Arabi sau cuộc đánh bom.

Canada - Ấn Độ leo thang căng thẳng

Theo thông báo được đưa ra ngày 19/10, Canada đã rút 41/62 nhà ngoại giao của nước này ở Ấn Độ về nước trong bối cảnh tranh cãi giữa hai bên liên quan tới vụ sát hại một thủ lĩnh ly khai người Canada gốc Sikh. 

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết Ấn Độ đã từng đặt thời hạn để Canada rút 41 nhân viên ngoại giao trước ngày 20/10 nếu không sẽ đơn phương hủy bỏ tư cách ngoại giao của những người này.

Bà Joly nhấn mạnh yêu cầu này của Ấn Độ là chưa từng có tiền lệ, không hợp lý và vi phạm Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao.

Ngoại trưởng Joly cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi để họ rời Ấn Độ trở về nước an toàn”, đồng thời khẳng định Ottawa sẽ không đưa ra những động thái mang tính chất đáp trả vì sẽ khiến tình hình "trở nên nghiêm trọng hơn".

Tháng trước, Ấn Độ yêu cầu Canada giảm số lượng nhân viên ngoại giao của Ottawa. New Delhi đưa ra yêu cầu này sau khi Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng đặc vụ Ấn Độ có liên quan tới cái chết của một thủ lĩnh người Sikh, ông Hardeep Singh Najjar (45 tuổi) ở tỉnh British Columbia (BC) hồi tháng 6. Ấn Độ đã bác bỏ nghi vấn này.

Mỹ tăng cường hạn chế chip với Trung Quốc

Ngày 17/10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường các hạn chế về công nghệ chip đối với Trung Quốc. Việc tăng cường các biện pháp hạn chế giúp Washington tinh chỉnh và khắc phục những "kẽ hở" còn sót lại của những biện pháp hạn chế về công nghệ và chip được công bố từ tháng 10 năm ngoái, theo Bloomberg. 

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các công ty có trụ sở hoặc công ty mẹ ở bất kỳ một trong khoảng 20 quốc gia bị Mỹ cấm vận vũ khí phải có giấy phép mới được xuất khẩu các loại chip được kiểm soát và thành phần sản xuất các loại chip này sang Trung Quốc.

Quy định này vốn trước đó chỉ được áp dụng đối với Trung Quốc và Macau nhằm ngăn chặn các công ty có được công nghệ của Mỹ thông qua các chi nhánh ở nước ngoài.

Các quy định mới có tác động đáng kể đến công ty Nvidia của Mỹ, do sự thay đổi về thông số chip nhằm ảnh hưởng đến số lượng chip lớn hơn.

Trước đó, nhà sản xuất chip AI đã bị hạn chế bán các bộ xử lý đồ họa A100 và H100 cao cấp nhất của mình cho Trung Quốc sau lệnh hạn chế tháng 10 năm ngoái, và đã phải chuyển qua sản xuất riêng một phiên bản chip AI cho thị trường Trung Quốc (A800).

Tuy nhiên, sau lệnh hạn chế mới nhất, "cửa" bán chip A800 và H800 của Nvidia sang Bắc Kinh sẽ bị thu hẹp.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/10, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì - nguyên liệu chính cho pin xe điện từ ngày 1/12 để bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, than chì là nguyên liệu được sử dụng trong pin cho xe điện (EV) và Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, cung cấp 67% nguồn cung toàn cầu ở dạng tự nhiên.

Xem thêm >> Bị Mỹ 'cản' đường nhập khẩu chip, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu pin quan trọng

Trung Quốc kỷ niệm 10 năm sáng kiến "Vành đai và Con đường"

Ngày 17-18/10 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đã diễn ra Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ III, với sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn ngày 17/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ trong 10 năm qua, hợp tác Vành đai và Con đường (BRI) đã phát triển từ kế hoạch chi tiết thành những dự án thực tế, mang lại nhiều kết quả nổi trội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn ngày 17/10.

Theo Sách Trắng về BRI do Trung Quốc công bố mới đây, tính đến nay, sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 nước, tức hơn 3/4 quốc gia trên thế giới và hơn 30 tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác trải dài từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ và thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian vũ trụ.

Tính đến cuối năm 2021, GDP của hơn 150 quốc gia ký thỏa thuận BRI với Trung Quốc là 20.030 tỷ USD, chiếm 23% GDP toàn cầu. Tổng dân số 3,68 tỷ người, chiếm 47% tổng dân số thế giới.

Sau một thời gian mở rộng về quy mô, BRI đang có những điều chỉnh. Các khoản đầu tư đã bắt đầu giảm xuống, cụ thể là các dự án của sáng kiến này ở châu Phi đã giảm cả về số lượng và giá trị của các khoản vay.

Theo Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, kể từ những năm trước đại dịch 2017 - 2019 đến giai đoạn hậu đại dịch 2020 - 2022, mức cho vay trung bình đã giảm 37% từ 213,03 triệu USD xuống còn 135,15 triệu USD. Về các khoản cho vay, con số này đã giảm từ 184 xuống còn 32 trong thời kỳ hậu đại dịch.

Trong một phát biểu mới đây khi công bố Sách Trắng về BRI, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại trong BRI ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn”. Bắc Kinh cũng sẽ bồi dưỡng những động lực tăng trưởng kinh tế mới, phối hợp thúc đẩy các dự án trọng điểm và dự án “nhỏ mà đẹp”.

Diễn ra vào kịp kỷ niệm 10 năm ra đời sáng kiến “Vành đai, Con đường”, sự kiện lần này sẽ đánh giá những thành tựu mà sáng kiến đã đạt được đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại.

Xem thêm >> Nhờ Vành đai và Con đường, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của hơn 140 nước

Sông Amazon xuống mức thấp kỷ lục do hạn hán

Đầu tuần này, Reuters đưa tin các con sông ở trung tâm rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ khi hạn hán kỷ lục cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và gây thiệt hại cho hệ sinh thái rừng rậm.

Theo trang web của cảng Manaus, thành phố đông dân nhất khu vực, tại điểm giao nhau của Rio Negro và sông Amazon, mực nước đã ghi nhận là 13,59 m vào ngày 16/10, so với mức 17,60 m ghi nhận 1 năm trước. 

Đây là mức thấp nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu cách đây 121 năm vào năm 1902, vượt qua mức thấp nhất mọi thời đại được thiết lập vào năm 2010.

Các nhánh sông chảy vào Amazon hùng vĩ khô cạn nhanh chóng đã khiến tàu thuyền mắc cạn, cắt nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống cho các ngôi làng xa xôi, trong khi nhiệt độ nước cao được cho là đã giết chết hơn 100 con cá heo sông đang có nguy cơ tuyệt chủng. 

Theo trung tâm cảnh báo thiên tai của chính phủ Brazil, Cmaden, một số khu vực ở Amazon có lượng mưa ít nhất từ ​​tháng 7 đến tháng 9 kể từ năm 1980.

Bộ Khoa học Brazil cho rằng hạn hán là nguyên nhân gây ra hiện tượng khí hậu El Niño trong năm nay, gây ra các kiểu thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, Bộ cho biết họ dự kiến ​​hạn hán sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 12, khi tác động của El Niño được dự báo sẽ lên đến đỉnh điểm.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Xung đột leo thang tại Gaza, Trung Quốc phát hiện mỏ kim loại 'cực hiếm'

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.