Tài chính quốc tế

Bị Mỹ 'cản' đường nhập khẩu chip, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu pin quan trọng

(VNF) - Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì từ ngày 1/12 để bảo vệ an ninh quốc gia, khi nước này phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ các chính phủ nước ngoài về ngành sản xuất và công nghệ của mình.

Bị Mỹ 'cản' đường nhập khẩu chip, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu pin quan trọng

Ảnh minh họa.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/12, Trung Quốc sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu 2 loại than chì phải xin giấy phép để xuất khẩu các mặt hàng này ra nước ngoài. 2 loại than chì này bao gồm vật liệu than chì tổng hợp có độ tinh khiết cao, độ cứng cao và cường độ cao, cùng loại than chì vảy tự nhiên và các sản phẩm của nó.

Bộ thương mại cho biết còn có 3 loại mặt hàng than chì "có độ nhạy cao" đã được kiểm soát tạm thời và được đưa vào danh sách hạn chế mới.

Trong khi đó, nước này đã bỏ các biện pháp kiểm soát tạm thời đối với 5 mặt hàng than chì ít nhạy cảm hơn được sử dụng trong các ngành công nghiệp cơ bản như thép, luyện kim và hóa chất.

Bộ thương mại Trung Quốc cho biết động thái này "có lợi cho việc đảm bảo an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu, đồng thời có lợi cho việc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia tốt hơn".

Bộ này nói thêm rằng Trung Quốc không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, than chì là nguyên liệu được sử dụng trong pin cho xe điện (EV) và Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, cung cấp 67% nguồn cung toàn cầu ở dạng tự nhiên.

Nước này cũng tinh chế hơn 90% than chì trên thế giới thành vật liệu được sử dụng trong hầu hết các cực dương của pin xe điện.

Do đó, việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu than chì sẽ tạo áp lực lên các công ty sản xuất pin xe điện và nhiều chính phủ nước ngoài đang đẩy mạnh các phương tiện xanh.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, những người mua than chì hàng đầu từ Trung Quốc bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Ông Kang Dong-jin, nhà phân tích tại Huyndai Motor Securities cho biết: “Với hạn chế xuất khẩu than chì mới này, các công ty Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu than chì của Trung Quốc sẽ cần tìm kiếm các giải pháp thay thế, chẳng hạn như các mỏ từ Mỹ hoặc Úc, nhưng nó có thể sẽ làm tăng gánh nặng chi phí”. 

Người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno thì cho biết nước này có kế hoạch hỏi Trung Quốc về “chính sách hoạt động” của các biện pháp mới và sẽ “thực hiện các bước thích hợp” nếu chúng vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ các biện pháp mới đối với than chì sẽ có tác động như thế nào trong thời gian ngắn.

Ông Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research, cho biết: “Việc kiểm soát này không phải là lệnh cấm hoàn toàn và không có tác động đáng kể đến bất kỳ ngành nào trong thời gian kiểm soát tạm thời trước đó”.

Lệnh hạn chế được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang cân nhắc việc đánh thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, cho rằng họ được hưởng lợi không công bằng từ các khoản trợ cấp. 

Ngoài ra, chính phủ Mỹ đầu tuần này đã mở rộng các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận chất bán dẫn của các công ty Trung Quốc, bao gồm cả việc ngừng bán các chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến hơn do Nvidia sản xuất.

Trước đó, các hạn chế tương tự đã được Trung Quốc áp dụng kể từ ngày 1/8 đối với hai kim loại sản xuất chip là gali và gecmani. Các hạn chế đã làm giảm xuất khẩu kim loại từ Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Theo Mysteel, giá than chì vảy tự nhiên là 3.950 NDT (539,62 USD)/tấn trong tuần này, giảm 25,5% so với đầu năm nay do nhu cầu từ lĩnh vực xe điện giảm.

Tuy nhiên, xuất khẩu có thể sẽ tăng trước ngày 1/12, Echo Ma, nhà phân tích tại Rystad Energy, cho biết, đặc biệt là sang các nước có ngành công nghiệp pin lâu đời như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

“Chúng tôi tin rằng giá than chì trung bình sẽ tiếp tục tăng trong tương lai do mất cân đối cung cầu, bao gồm cả Nga, một trong những nhà cung cấp than chì lớn trước chiến sự Nga-Ukraine”, ông Lam của Counterpoint cho biết.

Theo công ty tư vấn Mysteel, Trung Quốc đã giảm khai thác than chì tự nhiên trong những năm gần đây để bảo vệ môi trường, thay vào đó tăng sản lượng than chì tổng hợp kể từ năm 2021. Dạng tổng hợp hiện chiếm 70% sản lượng của Trung Quốc.

Xem thêm >> Hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc, Mỹ đang ‘lấy đá ghè chân’?

Tin mới lên